10/01/2025

3.000 phôi sổ đỏ biến mất bí ẩn

Số phôi sổ đỏ trên được xác định thất lạc trong quá trình chuyển phát nhanh từ Hà Nội về Đà Nẵng và Phú Yên.

 

3.000 phôi sổ đỏ biến mất bí ẩn

 

Số phôi sổ đỏ trên được xác định thất lạc trong quá trình chuyển phát nhanh từ Hà Nội về Đà Nẵng và Phú Yên.



 

 

Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên - môi trường được Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, Phú Yên ủy quyền nhận 3.000 phôi sổ đỏ, sau đó công ty này đã bàn giao cho Công ty Hợp Nhất để chuyển phát nhanh về các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển phát nhanh số phôi sổ đỏ trên đã bị thất lạ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên – môi trường được Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng, Phú Yên uỷ quyền nhận 3.000 phôi sổ đỏ, sau đó công ty này đã bàn giao cho Công ty Hợp Nhất để chuyển phát nhanh về các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển phát nhanh số phôi sổ đỏ trên đã bị thất lạ – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) đã chính thức xác nhận 3.000 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) do bộ phát hành đã thất lạc khi chuyển phát nhanh về 
Đà Nẵng và Phú Yên.

Số phôi sổ đỏ được xác định đã mất có số xêri từ BY 811001 đến BY 812000, BY 823001 đến BY 824000, BY 893001 đến BY 894000.

Việc để mất 3.000 phôi sổ đỏ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lợi dụng số phôi sổ đỏ đã mất để làm giả sổ đỏ lừa đảo ở cả 63 tỉnh thành.

Mất trong quá trình chuyển phát nhanh

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, 3.000 phôi sổ đỏ xác định đã mất do Bộ TN-MT phát hành cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Phú Yên, trong đó số lượng cấp cho Đà Nẵng là 2.000 phôi, Phú Yên 1.000 phôi.

Đơn vị làm dịch vụ chuyển phát là Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất, đã chính thức báo cáo 3.000 phôi sổ đỏ nhận chuyển không còn trong hệ thống chuyển phát nhanh của công ty. 

Ông Phạm Ngô Hiếu, phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), cho biết: “Số phôi sổ đỏ trên bị mất ở khâu nào trong quá trình chuyển phát nhanh thì chỉ bên đơn vị chuyển phát nhanh mới biết. Tuy nhiên, số phôi sổ đỏ nói trên được xác định thất lạc từ kho của đơn vị chuyển phát nhanh tại phường Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội), còn việc để thất lạc ra sao thì bên công an vẫn đang điều tra”.

Kho hàng của Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất tại phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội), theo Tổng cục Quản lý đất đai, đây là nơi 3.000 phôi sổ đỏ bị thất lạc. Trong ảnh: nhân viên của công ty đang tập kết hàng về kho - Ảnh: Nguyễn Khánh
Kho hàng của Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất tại phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội), theo Tổng cục Quản lý đất đai, đây là nơi 3.000 phôi sổ đỏ bị thất lạc. Trong ảnh: nhân viên của công ty đang tập kết hàng về kho – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, số 3.000 phôi sổ đỏ đã mất nêu trên không được thực hiện theo quy trình cấp phát xưa nay là giao trực tiếp cho sở TN-MT địa phương hoặc người đại diện của sở TN-MT địa phương nhận trực tiếp, mà thực hiện theo cách các địa phương ủy quyền cho một đơn vị nhận rồi chuyển phát nhanh về Sở TN-MT Đà Nẵng, Phú Yên.

Mất tại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết ngày 13-1-2015, Công ty CP chuyển phát nhanh Hợp Nhất nhận vận chuyển từ Hà Nội về Đà Nẵng 10 kiện phôi sổ đỏ đến trụ sở của Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng (số 24 Hồ Nguyên Trừng, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Tuy nhiên đến ngày 23-1-2015, phía Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng chỉ nhận được 8/10 kiện hàng (tương đương 8.000 phôi giấy chứng nhận), riêng hai kiện hàng có các số xêri BY 823001 – 824000 và BY 811001 – 812000 không nhận được. Lý do được nêu: trong quá trình tập kết về trụ sở 69 Đặng Tiến Đông (P.Trung Tự, Q.Đống Đa, Hà Nội) đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi hai kiện.

Như vậy, các lô phôi này được trình báo mất tại Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện sự việc, các bên đã đến Công an P.Trung Tự (địa bàn xảy ra mất cắp) để trình báo.

Theo bà Hoa, do làm ăn lâu ngày “nên mỗi khi họ chuyển phôi giấy chứng nhận về đến Đà Nẵng là chúng tôi chuyển trả tiền cước cho họ, với khoảng 6 triệu đồng/ 10.000 phôi, mà không cần phải ra tận nơi nhận hàng, tất cả đều thông qua dịch vụ vận chuyển”.

Cũng theo bà Hoa, mỗi năm Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng đặt mua khoảng 40.000 – 50.000 phôi giấy chứng nhận, riêng năm 2015 dự định đặt mua 30.000 phôi. Tuy nhiên mới đặt mua lô 10.000 phôi thì xảy ra sự cố.

ĐĂNG NAM

“Do tính chất nhạy cảm của việc cấp phát phôi sổ đỏ, Tổng cục Quản lý đất đai đã có hướng dẫn về quy trình cấp phát rất chặt chẽ. Đơn vị cấp phát phôi là Tổng cục Quản lý đất đai, đơn vị nhận trực tiếp là sở TN-MT các tỉnh.

Người đến nhận phải có giấy giới thiệu là người đại diện của sở TN-MT, có nội dung số lượng phôi được nhận. Đối với các tỉnh, thành phố ở xa trung tâm Hà Nội và TP.HCM thường kết hợp lịch công tác để nhận trực tiếp.

Tuy nhiên, cũng có địa phương uỷ quyền cho đơn vị khác nhận, sau đó đơn vị nhận phôi chuyển về địa phương theo đường chuyển phát nhanh” – ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, bản chất của việc các địa phương uỷ quyền cho đơn vị khác nhận phôi không sai về mặt pháp luật. Đây là cách tạo điều kiện hỗ trợ các tỉnh, thành phố ở xa trung tâm không đến nhận phôi trực tiếp. 

Cụ thể, trong số 3.000 phôi sổ đỏ cấp cho Đà Nẵng và Phú Yên, theo ông Hiếu, sở TN-MT của hai địa phương này đã uỷ quyền cho Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên môi trường, công ty trực thuộc Bộ TN-MT, nhận phôi sổ đỏ từ Tổng cục Quản lý đất đai và chuyển qua cho Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất chuyển về Đà Nẵng, Phú Yên. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Long, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên môi trường, khẳng định việc để thất lạc 3.000 phôi sổ đỏ thuộc trách nhiệm của đơn vị chuyển phát nhanh.

“Khi phát hiện mất, bên Tổng công ty cổ phần chuyển phát nhanh Hợp Nhất đã báo cơ quan công an và thông báo cho chúng tôi. Họ cũng đã có văn bản nhận trách nhiệm về việc để thất lạc phôi và cam kết bồi thường về vật chất” – ông Long nói.

Cảnh báo lợi dụng lừa đảo trên toàn quốc

Theo ông Phạm Ngô Hiếu, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Bộ TN-MT đã chỉ đạo, Tổng cục Quản lý đất đai cũng có nhiều cuộc họp rà soát lại quy trình và đánh giá tính chất nghiêm trọng của vụ việc. 

Ông Hiếu cho rằng thiệt hại kinh tế khi để mất 3.000 phôi sổ đỏ là không lớn, tuy nhiên xét về giá trị quản lý là rất lớn, đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ lợi dụng làm giả sổ đỏ để lừa đảo. 

Ông Hiếu cho biết ngay khi phát hiện số phôi sổ đỏ bị thất lạc, lãnh đạo tổng cục đã có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, truy tìm nhưng đến nay chưa có kết quả.

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, để phòng ngừa việc sử dụng các phôi sổ đỏ đã thất lạc làm sổ đỏ giả (ở đây là phôi thật, chỉ có dữ liệu là giả – PV), Bộ TN-MT đã có văn bản gửi sở TN-MT của 63 tỉnh, thành phố yêu cầu không sử dụng, xác nhận đối với các phôi sổ đỏ nằm trong số xêri đã thất lạc.

“Trong trường hợp phát hiện phôi sổ đỏ có xêri đã thất lạc phải báo ngay cơ quan công an địa phương và Cục Đăng ký đất đai để có biện pháp xử lý kịp thời” – văn bản của Bộ TN-MT nêu rõ.

Theo ông Hiếu, khả năng lợi dụng số phôi đã mất để làm giả sổ đỏ lừa đảo ở 63 tỉnh, thành phố là có, vì phôi sổ đỏ thuộc mẫu dùng chung cho cả nước. Tuy nhiên nếu làm theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyển nhượng nhà đất thì chắc chắn không có chuyện lợi dụng  số phôi đã mất để làm giả sổ đỏ lừa đảo. 

Một mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Trên thực tế tất cả giao dịch về nhà đất đều phải thông qua hệ thống văn phòng đăng ký đất đai của sở TN-MT hay quận, huyện. Trong tất cả quy trình cấp sổ đỏ và chuyển nhượng nhà đất cũng không có quy trình nào không qua văn phòng đăng ký đất đai. Vì vậy, khi Bộ TN-MT đã thông báo số xêri phôi sổ đỏ bị mất, tức là sở TN-MT các tỉnh, thành phố, phòng TN-MT các quận, huyện, thị xã sẽ “gác cửa” và kịp thời phát hiện nếu có hồ sơ, giao dịch của những sổ đỏ giả có số xêri kể trên” – ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng khẳng định ngay cả khi kẻ gian làm giả sổ đỏ – dùng phôi thật và làm giả các dữ liệu, giả chữ ký, con dấu để thế chấp ngân hàng – thì quy trình thế chấp cũng phải gửi tới văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký giao dịch đảm bảo nên khó có thể lừa đảo được ở lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trong trường hợp người dân mua bán nhà đất theo dạng chuyển nhượng chỉ viết tay, không tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyển nhượng thì việc lừa đảo có thể xảy ra.

“Việc chuyển nhượng nhà đất chỉ dựa trên giấy tờ viết tay, không thông qua văn phòng đăng ký đất đai là không đúng pháp luật. Nếu người dân mua bán theo hình thức này thì nguy cơ bị lừa đảo từ sổ đỏ giả là khá lớn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân khi giao dịch nhà đất cần kiểm tra sổ đỏ tại các văn phòng đăng ký nhà đất để các cơ quan quản lý phát giác kịp thời. Hoặc khi phát hiện có sổ đỏ cùng xêri đã thông báo thất lạc cũng báo ngay cho cơ quan công an” – ông Hiếu nói.

Thông báo cho các địa phương cảnh giác

Liên quan đến vụ mất 3.000 phôi sổ đỏ mà trong đó tỉnh Phú Yên có 1.000 phôi, ngày 27-5, ông Lương Công Thành – chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên – cho biết đơn vị này đã nhận được văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT).

“Chúng tôi đã có văn bản gửi các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị cảnh giác, nếu phát hiện các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số xêri như trên thì báo ngay cho chi cục hoặc Sở TN-MT Phú Yên” – ông Thành nói.

Theo ông Mai Kim Lộc – phó giám đốc Sở TN-MT Phú Yên, lâu nay quy trình giao nhận phôi sổ đỏ là tỉnh có nhu cầu bao nhiêu phôi thì làm công văn gửi Tổng cục Quản lý đất đai, sau đó chuyển tiền và tổng cục sẽ chuyển phôi về sở theo đường chuyển phát nhanh.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra việc mất mát hàng ngàn phôi sổ đỏ, Bộ TN-MT vừa có chỉ đạo là từ nay đơn vị nào có nhu cầu phôi sổ đỏ thì phải cử người ra Tổng cục Quản lý đất đai để mua và nhận trực tiếp, không gửi bằng đường bưu phẩm như lâu nay nữa.

DUY THANH

XUÂN LONG