27/11/2024

Trong bé tự kỷ có một thiên tài

Trong mỗi trẻ tự kỷ rất có thể đang ẩn giấu một thiên tài. Thiên tài đó cần cùng cộng đồng sát cánh biết bao. Triển lãm Khác biệt và tương lai đang nói về điều đó.

 

Trong bé tự kỷ có một thiên tài

 

 

Trong mỗi trẻ tự kỷ rất có thể đang ẩn giấu một thiên tài. Thiên tài đó cần cùng cộng đồng sát cánh biết bao. Triển lãm Khác biệt và tương lai đang nói về điều đó.


 

Các tác giả nhí ngắm tranh của mình - Ảnh: Ngọc ThắngCác tác giả nhí ngắm tranh của mình – Ảnh: Ngọc Thắng
Khi Phạm Bình Minh (11 tuổi) ngồi xuống bất cứ chỗ nào trong nhà, việc đầu tiên của cậu là vớ lấy một tờ giấy rồi cắt hoặc xé. “Chỉ một nhoáng quanh bạn ấy là một đống giấy vụn. Bố mẹ dọn liên tục mà không kịp”, bà Quỳnh, mẹ của Minh nói. Nhưng giấy vụn không chỉ là giấy vụn. Những bức tranh xé dán đầu tiên của Minh đã ra đời theo cách đó, dù đôi lúc nhàu nát. Cậu bé cứ xé, cứ dán rồi lại bỏ mặc bức tranh ở đó. Phần nhiều là những chú bò rừng.
Đưa tác phẩm đi triển lãm dù không hiểu triển lãm là gì
Nhưng rồi mặt giấy cũng không đủ cho niềm khao khát xé giấy của Minh. Những chú bò của Minh mỗi lúc như một cựa quậy mạnh hơn rồi đứng dậy, “nhoài” hẳn ra ngoài tranh. Theo thời gian, tượng của Minh mỗi lúc một đa sắc hơn, nhất là khi em học được cách bồi giấy bằng keo rồi tô bằng sơn dầu. Thế giới của Minh cũng không chỉ có bò nữa. Bây giờ em bồi những con cáo đuôi bồng như sóc màu da cam, lại có vằn đen như hổ. Những chú thỏ vàng nghệ, mặt hiền khô không chút láu cá…
Trong bé tự kỷ có một thiên tài - ảnh 2
Trong bé tự kỷ có một thiên tài - ảnh 3
Trong bé tự kỷ có một thiên tài - ảnh 4

Từ trên xuống: Công chúng ngắm tranh của các cháu tự kỷ, Bức tranh Sói trên núi 
của Phạm Bình Minh; Bức tranh Chơi đàn của Nguyễn Gia Bảo

“Bạn ấy cũng biết sẽ có triển lãm. Bạn ấy vui vì triển lãm dù không hiểu và phải hỏi triển lãm là gì. Khi được giải thích là trưng bày tác phẩm thì bạn ấy giữ gìn những thứ mình làm cẩn thận hơn hẳn. Trước bạn ấy làm xong rồi để đó, giờ bê đặt lên bàn. Bạn ấy rất thích gọi là tác phẩm”, bà Quỳnh nói.
Theo họa sĩ, cũng là giám tuyển Lê Thiết Cương, Minh là một cá tính điêu khắc đặc biệt. Em mang trong mình một thiên bẩm nghệ thuật. Nói cách khác, trong cậu bé tự kỷ này có một thiên tài. Điều này, theo ông Cương, thiên tài đó trong Minh cần được nuôi dưỡng. Cách nào đó, nó cũng giống với nhiều trẻ tự kỷ khác. Các em mang trong mình một khả năng khác thường, và nếu được tạo điều kiện đúng lúc, đúng cách, khả năng đó sẽ hiện ra.
Lời hiệu triệu “hãy quan tâm đến các em”
Những họa sĩ là trẻ tự kỷ tham gia triển lãm cũng mang những phong cách riêng như thế. Nguyễn Trung Hiếu (15 tuổi) có sắc cam kỳ lạ. Trong tranh của Hiếu ánh sáng lấp lánh và nhảy nhót theo kiểu ấn tượng. Tranh của Gia Bảo (12 tuổi) lại kiệm màu. Nhân vật trong tranh của em mang những cảm xúc khác nhau và luôn như sẵn sàng đón nhận đối thoại. Ngay cả chú ếch của Gia Bảo, người xem có cảm giác như đang cất lên lời để nói gì đó với cuộc sống này, với chiếc lá khoai bên cạnh. Trịnh Hoàng Minh (13 tuổi) lại có bảng màu rất ngây thơ với những khối hình linh hoạt, hiện đại cho dù câu chuyện trong tranh thật cổ tích. Còn Hà Đình Chí (Nem, 10 tuổi) lại có cách nhìn không gian giàu chất dân gian. Trong tranh của em, góc nhìn bao giờ cũng thay đổi liên tục theo từng đồ vật, khi từ trên xuống, lúc từ trước vào…
Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ Khác biệt và tương lai diễn ra từ 26 – 31.5 tại Laca 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Triển lãm tổ chức bán đấu giá tranh của các em để lập Quỹ dự án nghệ thuật và tự kỷ. Quỹ này cũng sẽ vận động các nhà thiết kế sử dụng các nét vẽ của trẻ tự kỷ làm ra các sản phẩm có ích cho xã hội.

Trinh Nguyễn