Tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử
Tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về tình hình sản xuất kinh doanh dù kinh tế đạt tăng trưởng cao.
Tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử
Tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về tình hình sản xuất kinh doanh dù kinh tế đạt tăng trưởng cao.
Dưa hấu chất đống ngoài lộ ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam – Ảnh: Lê Trung |
Chiều 25-5, thảo luận ở tổ về kinh tế – xã hội và ngân sách, nhiều đại biểu lo lắng về tình hình sản xuất kinh doanh dù kinh tế đạt tăng trưởng cao.
Khi nhìn lại năm 2014, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói mặc dù kinh tế đạt tăng trưởng cao (5,98%), nhưng số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng so với các năm trước. Đặc biệt có tới 50% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp hoạt động cả năm không phát sinh thuế.
Bà Võ Thị Dung (TP.HCM) lấy tờ báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 2000 có viết về nông nghiệp và nói: “Chuyện hôm nay có khác gì chuyện 15 năm trước? Tình hình vẫn thế. Có đại biểu đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về tam nông. Nhưng tôi nghĩ có ra nghị quyết cũng chẳng giải quyết được gì” – Ảnh: Việt Dũng |
“Hết sức khó khăn”
“Như vậy thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hết sức khó khăn, cứ hai anh thì một anh nghỉ, làm không ra đồng nào. Đó là chưa kể anh không làm ra đồng nào thì tiền vốn vay của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng tạo ra nợ xấu” – ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, trong vòng bốn năm từ 2010-2014, nợ công tăng bình quân hơn 20% mỗi năm. Đây là tốc độ tăng nợ công cao nhất trong lịch sử nước ta. Nhưng nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thì sẽ thấy giai đoạn 2011 – 2015 là giai đoạn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Nhìn lại 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,5 – 8%, thì cả giai đoạn 2011 – 2015 dự kiến khoảng 5,8 – 6%.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề cập việc Việt Nam sắp hội nhập toàn diện trong ASEAN, đến ngày 31-12-2015 ngôi nhà chung ASEAN ra đời. Theo đó, thứ nhất là tự do lưu thông hàng hóa, chúng ta bán hàng hóa trong nước cũng như bán ở Singapore, ở Thái Lan…
Thứ hai là lưu thông nhân lực, nếu nhân lực của ta không được đào tạo tốt thì sinh viên của Thái Lan, Philippines… sẽ vào Việt Nam.
Thứ ba là tự do lưu thông dòng vốn, người nước ngoài sẽ tự do đầu tư ở Việt Nam trong khuôn khổ luật pháp và quy định chung của ASEAN.
“Tôi được biết hiện nay có những khu du lịch trong nước người ta đã tuyển sinh viên Philippines rồi, tiếng Anh giỏi hơn, phong cách tốt hơn, giá thuê rẻ hơn, đào tạo bài bản hơn” – Phó chủ tịch nước cảnh báo.
Chuyện hôm nay khác gì 15 năm trước?
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng báo cáo kinh tế – xã hội kỳ họp lần này đem so với các kỳ trước thì chỉ khác nhau về con số, còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế thì vẫn nội dung đó. Nói đến đây, bà Dung lấy từ cặp hồ sơ ra một bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 2000, do nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu viết, có đoạn: “Nông nghiệp nan giải, chưa lúc nào như hiện nay, người sản xuất nông nghiệp lại bị dồn vào thế bí như thế này. Vừa bị giảm giá lại ế hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, vừa phải lo đối mặt với diễn biến phức tạp ở hai miền đất nước”.
“Chuyện hôm nay có khác gì chuyện 15 năm trước? Tình hình vẫn thế. Có đại biểu đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về tam nông. Nhưng tôi nghĩ có ra nghị quyết cũng chẳng giải quyết được gì” – bà Dung nói. Theo bà Dung, với những báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội kiểu “bình mới rượu cũ” như vậy, bà không biết phải góp ý thế nào. “Trách nhiệm với cử tri buộc tôi phải góp ý nhưng thú thật là tôi thấy bó tay” – bà chia sẻ.
Phó chủ tịch nước nói về tiết kiệm chi tiêu Giải thích về chi tiêu của Văn phòng chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định không có chuyện giao chỉ tiêu không sát, mà ở đây Văn phòng chủ tịch nước và các văn phòng khác chắc cũng vậy, đã hết sức tiết kiệm trong chi tiêu. “Ví dụ chuyến đi của tôi vừa rồi, tôi chọn đường đi vất vả hơn, nhưng mỗi vé tiết kiệm được 30 triệu đồng. Nếu tôi bay qua Pháp thì đơn giản, nhưng tôi chọn đi qua Doha, bay dài hơn nhưng tiết kiệm hơn. Chúng tôi hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, kể cả các món quà mang đi” – Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói. |
Cũng dành phần lớn thời gian phát biểu cho chủ đề nông nghiệp, đại biểu Vương Đình Huệ (trưởng Ban Kinh tế trung ương) cho biết những tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp so với cùng kỳ nhiều năm nay, xuất khẩu nông sản sụt giảm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh những câu chuyện như bộ nọ, ngành kia phải đi bán hành tím, dưa hấu, rồi ách tắc tại cửa khẩu.
“Nhiều người cứ nói rằng chuyện dưa hấu, hành tím vừa rồi chủ yếu là do vấn đề quy hoạch, kế hoạch. Tôi nghĩ cũng không hẳn là như vậy. Ví dụ như với đất cát của bà con Quảng Nam, Quảng Ngãi thì chỉ trồng dưa hấu thôi chứ có trồng được cây gì khác nữa đâu, trồng dưa hấu là tối ưu rồi.
Chúng tôi lên cửa khẩu thì thấy bán dưa hấu sang Trung Quốc cũng chưa đáng bao nhiêu, trong khi thị trường Trung Quốc còn rộng lớn lắm. Dưa hấu xuất khẩu đang dựa vào 12 doanh nghiệp rời rạc, không có sự liên kết, cũng không có hợp đồng nông sản với nông dân, chỉ là đi gom hàng rồi vận chuyển sang Trung Quốc bán” – ông Huệ nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì đề cập việc dưa hấu đưa lên bán ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) không được phân loại chất lượng từ nguồn. Chính vì vận chuyển lên đến nơi mới phân loại, có rất nhiều dưa hấu thuộc loại không thể tiêu thụ được nên phải đổ bỏ.
Sẽ xây dựng khu trung chuyển dưa hấu
Tiếp tục đề cập về nông nghiệp thông qua câu chuyện cụ thể quả dưa hấu, ông Vương Đình Huệ nêu đang có rất nhiều vấn đề về bình đẳng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Cửa khẩu Tân Thanh thì chúng ta gọi là cửa khẩu chính nhưng Trung Quốc chỉ coi là cặp chợ thôi, tức là bên họ có một chợ bên ta có một chợ. Làm sao mà bình đẳng được trong khi bên kia có chợ mà bên ta không có chợ. Các đại biểu có thể hình dung là sản phẩm của ta mà lại phải mang sang bên kia biên giới bán cho thương lái Trung Quốc, để cho thương lái Trung Quốc vỗ từng quả dưa thì làm sao có bình đẳng thương mại” – ông Huệ nói.
Ông Huệ cho rằng cần có chính sách đầu tư hạ tầng tại các cửa khẩu thương mại, đặc biệt là các khu trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng hóa. Như ở Tân Thanh nếu chúng ta có chợ, người Trung Quốc phải sang mua hàng hóa Việt Nam tại chợ Việt Nam thì làm gì có chuyện bị thương lái ép giá.
Trong khi hàng của họ sang, qua cửa khẩu rồi cứ đàng hoàng tiến vào, bởi vì tất cả hàng của họ đều có hợp đồng thương mại. Người Trung Quốc phải sang Việt Nam mua hàng Việt Nam và chúng ta sang Trung Quốc mua hàng Trung Quốc thì mới có bình đẳng thương mại.
Từ thực tiễn địa phương nơi có cửa khẩu xuất dưa hấu sang Trung Quốc, ông Nguyễn Thế Tuy (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn) nói dưa hấu bị dồn ứ là do không có hợp đồng tiêu thụ, tất cả dưa hấu vận chuyển lên là đi thẳng sang Trung Quốc. “Làm chợ đầu mối được không? Không dám làm. Có thể có nhà đầu tư, nhưng làm được chợ rồi thì không có hợp đồng nên người ta không nhập nữa hoặc nhập cửa khẩu khác thì rất phức tạp” – ông Tuy nói.
Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết với những sản phẩm thực hiện đúng quy hoạch thì không có biến động về sản lượng, ví dụ lúa gạo, người hoạch định chính sách tương đối chủ động đi tìm thị trường. Còn lại những mặt hàng khác, như dưa hấu là cây ngắn ngày, bà con tranh thủ trồng xen giữa hai vụ lúa, làm sao mà quy hoạch được?
Làm sao biết năm nay sản lượng bao nhiêu? Để góp phần giải bài toán dưa hấu, ông Hoàng nói vừa qua đã bàn với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, phía Việt Nam sẽ chủ động xây dựng một khu trung chuyển hàng nông sản, làm nơi tập kết xe dưa hấu, vừa để phân loại vừa bảo quản để tránh bị ép giá.