10/01/2025

Một người mắc lỗi, cả lớp “lên thớt”

Cứ thành lệ, đầu tuần nào cũng vậy, cô giáo chủ nhiệm lại hết lời chỉ trích, phê bình thành viên nào trong lớp mắc lỗi. Thành ra ngay từ đầu tuần đôi tai của hơn 40 thành viên lớp đã bị “tra tấn” rồi…

 

Một người mắc lỗi, cả lớp “lên thớt”

 

 Cứ thành lệ, đầu tuần nào cũng vậy, cô giáo chủ nhiệm lại hết lời chỉ trích, phê bình thành viên nào trong lớp mắc lỗi. Thành ra ngay từ đầu tuần đôi tai của hơn 40 thành viên lớp đã bị “tra tấn” rồi…


 

 

Thường thì cuộc họp lớp luôn được kết thúc bằng việc cô chê học trò. Nếu như cô chê riêng chẳng nói làm gì, đằng này cô cứ thẳng thừng đưa khuyết điểm, lỗi lầm của một vài cá nhân nào đó ra rồi hết lời phê bình khiến ai cũng ngán ngẩm. Mỗi khi cô giáo cất lời là dưới lớp có tiếng xì xào: “Cô giáo lại bắt đầu rồi đấy”.

Đành rằng cô nhắc nhở, khiển trách cá nhân nào đó mắc lỗi là để cả tập thể lớp nhìn vào cùng rút kinh nghiệm. Nhưng tình trạng một người làm sai mà cả tập thể lớp phải “chịu đòn” từ ngày này qua ngày khác có công bằng hay không?

Một số bạn trong lớp than thở rất ức chế vì tuần nào cũng phải nghe cô giáo la mắng. Theo tôi nghĩ, nếu một bạn nào đó làm sai thì cô giáo có thể nhẹ nhàng nhắc nhở hoặc phê bình riêng tư, chứ không phải lần nào cũng lôi cả tập thể lớp ra để huấn thị, để “lên thớt” như một số bạn thường nói đùa. Có nhiều hôm trong giờ học, nghe cô giáo mắng một bạn nào đó tôi cảm thấy bị ức chế vô cùng!

Lúc nào cô cũng nói phải đưa lỗi của các em ra trước lớp để học trò ấy “biết thân biết phận” mà sửa đổi, vừa để những thành viên khác nhìn gương bạn mà tránh. Thế nhưng cô giáo đâu có biết rằng lỗ tai chúng tôi cứ bị tra tấn hoài với những “bài phê bình” của cô chẳng liên quan đến mình.

Có lẽ không chỉ riêng lớp tôi mà những lớp khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Cô giáo thường rất hay nổi nóng với cả lớp nếu một bạn trong lớp không thuộc bài cũ, nói chuyện riêng hay đi học muộn. Thường thì nếu một bạn quậy phá, cô sẽ bỏ lớp để lên văn phòng ngồi, mặc kệ lớp thích làm gì thì làm.

Tôi và các bạn khác chẳng làm gì sai cũng phải nghe cô mắng xối xả. Có khi một bạn nào đó mắc lỗi như không thuộc bài cũ chẳng hạn, cô sẽ mắng xối xả một lúc, rồi sau đó mới bước vào bài giảng nên chúng tôi thấy không còn hứng thú với bài học hôm ấy nữa.

Nhưng đau đầu nhất là những hôm sinh hoạt cuối tuần, cô sẽ nêu tên, phê bình thẳng thừng những bạn mắc lỗi và bắt đầu bài “trường ca” cũ! Chúng tôi ngồi dưới nghe mà đau cả đầu. Buổi sinh hoạt cuối tuần vì thế trở thành giờ cô “ca”, thành giờ cô phê bình lúc nào chẳng hay.

Một người mắc lỗi mà mấy chục người trong lớp phải “chịu trận” như vậy có nên không?

Sao toàn là phê bình?

Thứ hai đầu tuần nào tôi cũng được “dự” lễ chào cờ cùng các em học sinh bởi nhà tôi gần một trường THPT. Nhiều năm liền được nghe qua loa phóng thanh, tôi biết trình tự về tiết chào cờ đầu tuần như thế này: đầu tiên là việc các em hát quốc ca. Hát xong, đến khi được ngồi xuống ghế là các em bắt đầu nói chuyện rào rào. Tiết chào cờ chỉ vỏn vẹn 45 phút nhưng nhiều buổi thầy cô đang phát biểu phải dừng lại đến 3-4 lần nhắc lớp này, khu vực kia đang ồn ào, học sinh nói chuyện nhiều quá… Có giáo viên chủ nhiệm phải xuống tận nơi nhắc lớp mình thì mới yên ổn.

Một việc nữa cũng rất nhỏ nhưng các em học sinh làm không tốt, không nhanh nhẹn đó là xếp hàng. Tôi được biết mỗi lớp có hai hàng (một hàng nam và một hàng nữ), không một giờ chào cờ nào tôi thấy cô tổng phụ trách không phải nhắc nhở chuyện xếp hàng. Cô này phải cầm mic đến từng lớp chỉnh đốn hàng ngũ, nhắc các em giữ trật tự, rồi lại đến nhắc nhở lớp có học sinh đi muộn, học sinh trốn tiết…

Nội dung của tiết chào cờ đầu tuần ngoài tổng kết, sinh hoạt tuần trước đó, triển khai công việc tuần tới, còn lại là thời gian dành cho thầy hiệu trưởng… phê bình. Thật vậy, tôi thấy thầy nhận xét, phê bình nhiều lắm! Từ học sinh nam/nữ đánh nhau, yêu đương, lười học, bỏ học đi trộm cắp, không đội mũ bảo hiểm cho tới đua xe, lạng lách đánh võng… Tuần nào tôi cũng được nghe giọng thầy hiệu trưởng nhận xét, phê bình qua loa phóng thanh đến gần 30 phút. Thầy nói nhiều tới mức các em phải vào học tiết sau mà không kịp có giờ ra chơi. Tiếc rằng tuần sau đó lớp nào, học sinh nào có tiến bộ lại không được nhận xét, khen ngợi kịp thời… Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nghe thấy lời nhắc nhở của thầy hiệu trưởng tới những giáo viên không đi dự giờ chào cờ. Vậy thì thầy cô làm sao nắm bắt được tình hình của lớp chủ nhiệm?

Lẽ nào giờ chào cờ không có chuyện gì để khen ngợi, tuyên dương, không có gì vui vẻ, đáng mừng mà chỉ toàn phê bình, trách móc?

Vì thế, tôi thấy giờ chào cờ của các em học sinh thật đáng buồn. Thầy mải miết nhận xét, đánh giá, phê bình… Trò phía dưới học mãi cách xếp hàng, giữ trật tự… cứ như những học sinh bậc tiểu học!

B.LINH

ÁI LINH (TP Thanh Hoá)