27/11/2024

Học sinh giỏi nhiều đến khó tin: Đặt ra chỉ tiêu nên phải theo

Có những cách nào mà các giáo viên, nhà trường “chuyển hoá” một học sinh đạt danh hiệu vượt sức học thật của mình? Lý do nào khiến nhiều giáo viên “nhắm mắt làm ngơ” chấp nhận cho điểm ảo để ai cũng hài lòng vì nghĩ rằng “con cái chúng ta giỏi thật”?

 

Học sinh giỏi nhiều đến khó tin: Đặt ra chỉ tiêu nên phải theo

 

 

Có những cách nào mà các giáo viên, nhà trường “chuyển hoá” một học sinh đạt danh hiệu vượt sức học thật của mình? Lý do nào khiến nhiều giáo viên “nhắm mắt làm ngơ” chấp nhận cho điểm ảo để ai cũng hài lòng vì nghĩ rằng “con cái chúng ta giỏi thật”?


 

 

Trong cuộc họp cuối năm, phụ huynh sẽ an tâm hơn khi nhận được những kết quả học tập phản ảnh đúng khả năng của con em mình	Trong cuộc họp cuối năm, phụ huynh sẽ an tâm hơn khi nhận được những kết quả học tập phản ảnh đúng khả năng của con em mình – Ảnh:Đào Ngọc Thạch
Chấm lỏng, coi thi dễ, tạo điều kiện cho HS… giúp nhau
Cô Hương, giáo viên (GV) một hệ thống trường tư tại TP.HCM, kể: “Tôi mới về trường dạy và hoàn toàn bất ngờ trước việc phòng giáo dục ra đề thi, đưa đề cương chuẩn. Sau đó, trường họp GV lại rồi đưa ra quyết định phải “tạo điều kiện” cho học sinh (HS) của trường bằng cách chấm lỏng tay hơn. Theo đó, các GV trong trường thống nhất: 1 câu hỏi 2 điểm có 4 ý thì sẽ theo bài viết của HS, em nào làm được ý nào sẽ tăng giảm từ 0,5 đến 1 điểm của những ý đó”.
Cô Ly, GV một trường THCS ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng điểm số và tỷ lệ HS giỏi tăng không phụ thuộc vào việc trường hay phòng giáo dục ra đề thi mà phụ thuộc chủ yếu ở việc GV coi và chấm thi. Cô Ly tâm sự: Tuỳ theo chỉ thị của trường, nếu muốn HS đạt kết quả cao, GV có thể coi thi lỏng. Với những môn như toán, lý, hoá, tiếng Anh… giám thị có thể coi thi lỏng hoặc làm ngơ để những HS kém hỏi bài HS khá – giỏi. Nhiều trường hợp giám thị tự thay đổi vị trí cho HS giỏi ngồi gần HS kém để có thể “giúp” bạn làm bài. Với các môn học thuộc lòng, giám thị cho HS có thể mở tài liệu chép bài…
Bên cạnh đó, đề thi các môn giáo dục công dân, công nghệ… là do trường tự tổ chức. Đây được xem là cơ hội giúp HS kiếm điểm. HS chỉ cần học thuộc theo đúng vài câu hỏi trong đề cương là có thể đạt điểm tuyệt đối.
Giới hạn nội dung ôn thi
Gần thời gian thi, GV thường cho HS ôn tập theo đề cương. Một gia sư cho HS lớp 7 kể: “Tới gần ngày thi, tôi yêu cầu ôn tập theo đề cương thì HS liền đưa ra đề cương với khoảng trên 10 câu hỏi rồi hồn nhiên nói cô ơi không cần học hết đề cương mà chỉ cần học 5 câu đánh dấu sao thôi. Cô giáo con nói thi chỉ trong phạm vi 5 câu được đánh dấu”. Như vậy, HS chỉ thuộc những câu được đánh dấu và làm bài thi khá hoàn chỉnh. “Sau đó vài ngày tôi kiểm tra lại kiến thức đó thì HS hầu như quên sạch”, gia sư nói tiếp.
Nhiều phụ huynh cho biết việc giới hạn chỉ còn vài câu hỏi gần sát với đề thi là khá phổ biến với những HS đi học thêm GV trên lớp. Vì vậy mới có tình trạng phụ huynh vừa cho con đi học thêm với GV đang dạy con mình để lấy điểm vừa thuê gia sư để giúp con củng cố, nắm được kiến thức.
Nâng, xin điểm cho học sinh
Làm GV chủ nhiệm còn có thêm nỗi khổ là thường “xin điểm” cho HS của mình. HS có thể chưa đạt khá giỏi nhưng do tác động từ nhiều phía, GV chủ nhiệm xin cho một vài môn bị điểm thấp, từ đó có thể nâng thành tích trung bình lên khá, khá lên giỏi…
Một GV tại Q.Bình Tân (TP.HCM) nói thêm: “GV chủ nhiệm quan sát suốt quá trình học thấy những em nào học yếu có thể hỗ trợ để nâng điểm kiểm tra miệng và các bài kiểm tra 15 phút, một tiết”.
Vì vậy, trao đổi với chúng tôi, một nhà giáo có trên 25 năm kinh nghiệm cho rằng bây giờ chuyện HS đạt danh hiệu HS giỏi liên tiếp trong 12 năm nhưng không đậu vào một trường ĐH ở mức bình thường cũng không có gì lạ.
Vì của bản thân và thành tích của nhà trường !
Nhiều GV cho biết thông thường đầu năm học trường sẽ đề ra chỉ tiêu tỷ lệ HS giỏi, khá, trung bình… và các GV bằng mọi cách phải thực hiện cho được chỉ tiêu này. Có GV thừa nhận đôi khi chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu hoặc kết quả xa với thực tế, nhà trường sẽ yêu cầu GV nâng điểm. Thậm chí có trường hợp HS đáng bị ở lại lớp nhưng nhiều GV vẫn phải tìm cách hoặc cho bài kiểm tra thật dễ hoặc để điểm khống để HS lên lớp.
Cô Ly nói đầy tâm trạng: “Để đạt được thành tích so với các trường trong khu vực, nhiều HS phạm lỗi đáng bị đuổi học nhưng vẫn được giữ lại. Nhiều em chỉ đạt trung bình hoặc yếu nhưng vẫn được nâng lên để đạt chỉ tiêu. Tôi và nhiều GV khác không đồng ý với cách cho điểm hoặc phân loại HS của trường nhưng những việc này hầu như bắt buộc… Chả lẽ lại để lớp mình làm ảnh hưởng tới thành tích chung của cả trường…?!”. Còn những GV đã có thâm niên, từng trải qua thăng trầm với nghề thì chua chát nói với chúng tôi chỉ có mình bảo vệ được mình thôi. Làm khác, người ta nói mình lớn mà dại!
“Cô cứ cho cháu ở lại lớp”

Thành tích học tập, giảng dạy là vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân, đơn vị nhưng bằng những cách làm sai lệch như: nâng điểm, tạo điều kiện cho HS quay bài, lùa HS lên lớp mỗi năm… để có thành tích thì thật là sai lầm trong giáo dục.
Lâu nay, chúng ta luôn miệng hô hào chống thành tích. Thế nhưng các cấp quản lý vẫn dựa vào những con số cụ thể từ các đơn vị trường học, phòng, sở đưa lên để bộ đánh giá trường đó có đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc hay không. Tôi có dịp đi bồi dưỡng một số trường phổ thông ở TP.HCM, bất ngờ nhận thấy “thành tích đáng nể” ở các trường này. Một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh, một lớp học bình thường đã có tỷ lệ HS giỏi và khá chiếm 99%. Lớp có 45 HS thì đã có 44 giỏi, chỉ 1 HS khá. Hiệu trưởng của một trường còn khoe: “Trường em, lớp nào cũng có số lượng HS giỏi cao ạ”… Ở Q.8, tôi cũng tò mò xem “thành tích” của một trường, vị hiệu trưởng vui mừng nói: “Trường em có rất nhiều HS giỏi. Chúng em phải cố gắng đạt thành tích mà phòng và sở đưa ra đấy ạ”.
GV ở một trường THPT kể với tôi: “Em họp phụ huynh vào cuối năm, đang bàn về tình hình học tập của lớp chủ nhiệm thì một phụ huynh đứng lên phát biểu: “Thưa cô, sang năm, cô cứ cho cháu ở lại lớp, chứ con em không biết gì thế này mà cứ lên lớp mỗi năm thì sau này cháu không học hành được các lớp trên và rồi không biết tương lai của cháu sẽ như thế nào!”.
Tôi có hỏi thăm một người bạn dạy tại một trường điểm ở Q.1 về cách dạy ngữ văn. Bạn tôi kể: “Cứ đến kỳ thi học kỳ, tổ thống nhất cho HS vài ba tác phẩm, cho các em về nhà học thuộc hoặc cũng có thể cho sẵn một số câu hỏi về các tác phẩm đó. Đến ngày thi, đề sẽ nằm trong các câu đã cho sẵn”. Tâm sự với tôi về nghề, cô giáo dạy ngữ văn của tôi từ thời THPT cũng chán nản: “Giới hạn vậy rồi nhưng các em cũng không học. Cô già rồi, sắp hưu rồi nên cũng chán, không muốn phát biểu ý kiến gì nữa”…
Để có thành tích cao, các hiệu trưởng luôn bắt GV phải chỉnh sửa điểm từ yếu, kém lên khá, từ trung bình lên khá, từ khá lên giỏi. Và để được lòng sếp, GV không ngần ngại đánh giá 8, 9, 10 cho HS.
Để hạn chế tình trạng này, cần phải có những thay đổi trong cách đánh giá HS. Phòng, sở và Bộ GD-ĐT cần có chương trình, kế hoạch khảo sát, đánh giá được thực chất giáo dục ở các đơn vị cơ sở. Chúng ta cần có tiêu chí đánh giá cho từng lớp học, cấp học, chứ không để mỗi trường tự đánh giá HS. Phòng, sở giáo dục cần có chương trình kiểm tra chặt chẽ, quản lý sâu sát các khâu ra đề, chấm thi.
LÊ HOÀNG GIANG
(Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bích Thanh