10/01/2025

Trở tay không kịp với chính sách thuế

Các doanh nghiệp xuất khẩu nói việc Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế doanh nghiệp vẫn có lời là thiếu thực tế, không hiểu hoạt động của doanh nghiệp.

 

Trở tay không kịp với chính sách thuế

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu nói việc Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế doanh nghiệp vẫn có lời là thiếu thực tế, không hiểu hoạt động của doanh nghiệp.



 

 

Nông dân Bình Phước phơi khoai mì - Ảnh: Trần Mạnh
Nông dân Bình Phước phơi khoai mì – Ảnh: Trần Mạnh

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khoai mì lát cho biết đang có nguy cơ thua lỗ nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu mặt hàng này lên 5% bắt đầu từ ngày 
20-6. Điều họ lo lắng là thông tin họ nhận được khá đột ngột khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Tôi không hiểu cách tính của Bộ Tài chính như thế nào khi lấy giá xuất trừ giá mua nguyên liệu là ra lợi nhuận. Thế còn chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, hao hụt lưu kho khoảng 5%, lãi ngân hàng, chi phí hoạt động doanh nghiệp… thì cộng vào đâu?
Ông Nguyễn Văn Tuân (đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hà Nội)

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho hay việc Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế doanh nghiệp vẫn có lời là thiếu thực tế, không hiểu hoạt động của doanh nghiệp.

Trữ hàng rồi lo

Những ngày qua, ông Nguyễn Phú Thuỷ – phó giám đốc Công ty TNHH sáng tạo Á Châu Quy Nhơn (Bình Định) – đang tìm mọi cách để ký hợp đồng bán cả ngàn tấn khoai mì (sắn) lát trong kho trước khi quy định tăng thuế xuất khẩu của Bộ Tài chính có hiệu lực.

“Mức thuế tăng lên 5%, tương đương với 250 đồng/kg thì doanh nghiệp lỗ chắc chắn nên bán càng nhanh càng tốt” – ông Thủy cho hay.

Cũng giống như công ty của ông Thủy, hàng trăm đơn vị xuất khẩu khoai mì lát phơi khô của VN đang ở trong tình trạng tương tự, tức sẽ lỗ khi bị áp thuế. Bởi theo họ, mùa vụ khoai mì lát ở VN bắt đầu từ đầu tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Trong thời gian đó nông dân tập trung đào củ, xắt lát phơi khô và bán lấy tiền tái đầu tư vụ mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải mua hàng trong giai đoạn này trữ trong kho để xuất khẩu dần trong các tháng còn lại.

Ông Nguyễn Văn Tuân, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hà Nội có nhà máy chế biến khoai mì ở Thanh Hóa và Đắk Nông, cho biết sản lượng khoai mì khô trong nước hiện còn 700.000-800.000 tấn, chủ yếu trong kho của  doanh nghiệp. Với diễn biến giá cả như thời gian qua cộng thêm chi phí vận chuyển và thuế, những đơn vị nào xuất khẩu chưa hết còn trong kho mà bị áp thuế thì chắc chắn lỗ.

“Muốn tăng giá bán cũng không được vì khách hàng không chịu. Thị trường chủ yếu của VN hiện nay là Trung Quốc, nhưng đâu phải chỉ có VN bán mà còn có Thái Lan với lượng bán nhiều gấp ba của VN. Nếu mình tăng giá thì khách hàng mua khoai mì của Thái” – ông Tuân phân trần.

Theo Hiệp hội Sắn VN, mỗi năm VN xuất khẩu sang Trung Quốc 1,5-2 triệu tấn khoai mì lát khô, chiếm 90% lượng xuất khẩu. Trong khi đó, Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 6 triệu tấn mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Phú Thủy, việc Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu khoai mì lát từ 0% lên 5% khi các doanh nghiệp đã mua hết hàng tạm trữ trong kho làm họ không kịp trở tay. “Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính nếu có tăng thuế thì đợi đến vụ tới, nếu không doanh nghiệp sẽ thua lỗ hoặc phá sản hết” – ông Thủy kiến nghị.

Doanh nghiệp vẫn có lãi?

Trái ngược với sự lo lắng của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính lại cho rằng dù tăng thuế thì các doanh nghiệp vẫn có lãi. Giải thích việc tăng thuế xuất khẩu khoai mì lát, Bộ Tài chính cho rằng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể đầu năm nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học. 

Thực tế, xuất khẩu sắn lát tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị. Như tổng số lượng xuất khẩu mặt hàng này trong bốn tháng đầu năm nay đạt 2,1 triệu tấn, thu về 626 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sắn lát tăng hơn 60% về khối lượng và tăng 45,5% về giá trị.

Chính vì vậy, mục đích của việc tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này nhằm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất cồn ethanol – nguyên liệu chính để pha chế xăng sinh học (E5, E10).

Cũng theo Bộ Tài chính, thông tin từ một số doanh nghiệp mua và xuất khẩu sắn thì giá mua mặt hàng này khoảng 4,3 triệu đồng/tấn. Còn giá xuất khẩu sắn lát, theo số liệu được Tổng cục Hải quan cung cấp trung bình hai năm 2013, 2014 là khoảng 227,5 USD/tấn, tương đương 4.867.570 đồng/tấn (tính theo tỉ giá 1 USD = 21.400 VND).

Vì vậy theo lập luận trên, khi tăng thuế 5% doanh nghiệp vẫn có lãi khoảng 324.192 đồng/tấn. Chưa kể hiện nay tỉ giá đã tăng lên khoảng 21.750 đồng/USD nên các doanh nghiệp mua và xuất khẩu khoai mì còn lãi hơn nhiều.

Trước lý lẽ của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Tuân không đồng ý và cho rằng ngay con số của Tổng cục Hải quan đưa ra đã cho thấy dù lượng xuất khẩu khoai mì tăng mạnh nhưng giá trị tăng thấp hơn, tức giá xuất khẩu khoai mì giảm. Đầu vụ năm 2015, có thời điểm giá bán khoai mì lát sang Trung Quốc chỉ còn khoảng 201 USD/tấn.

“Tôi không hiểu cách tính của Bộ Tài chính như thế nào khi lấy giá xuất trừ giá mua nguyên liệu là ra lợi nhuận. Thế còn chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, hao hụt lưu kho khoảng 5%, lãi ngân hàng, chi phí hoạt động doanh nghiệp… thì cộng vào đâu?” – ông Tuân thắc mắc.

Còn ông Nguyễn Phú Thủy cho rằng các đơn vị sản xuất ethanol thời gian qua hoạt động không hiệu quả không phải vì không có nguyên liệu mà do không có thị trường, chi phí xử lý môi trường lớn, giá thành sản xuất của họ quá cao. Trung Quốc mua khoai mì của VN cũng về làm ethanol mà vẫn có lời, sao VN không thể mua với giá hiện tại?

Hơn nữa, theo ông Thủy, nếu vì doanh nghiệp ethanol mà tăng thuế thì từ vụ tới các doanh nghiệp xuất khẩu căn cứ vào giá bán và thuế để giảm giá mua của người trồng chứ họ không thể kinh doanh lỗ. “Như vậy thiệt hại lớn nhất thuộc về người trồng khoai mì chứ không phải doanh nghiệp” – ông Thủy cho biết.

Không lo thiếu khoai mì để chế biến ethanol

Theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN, hiện cả nước có sáu nhà máy ethanol với tổng công suất gần 600 triệu lít/năm. Nếu các nhà máy hoạt động hết công suất thì có thể sản xuất được khoảng 500 triệu lít cồn nhiên liệu dùng để pha được khoảng 10.000 triệu lít xăng E5 hoặc khoảng 5.000 triệu lít xăng E10. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu không ổn định và khó khăn trong tiêu thụ xăng E5 nên các nhà máy phải hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, các công ty sản xuất và xuất khẩu khoai mì cho rằng thông tin mà Hiệp hội Nhiên liệu sinh học đưa ra là không hợp lý. Bởi nếu cả sáu nhà máy ethanol trên đưa vào hoạt động hết 100% công suất cũng chỉ sử dụng tối đa 1,47 triệu tấn khoai mì khô.

Trong khi lượng khoai mì VN xuất khẩu các năm qua đều ở mức 1,5-2 triệu tấn/năm. Chưa kể các nhà máy ethanol đều hoạt động cầm chừng 20-30% công suất, một số nhà máy ngưng hoạt động vì không hiệu quả. Vì vậy sẽ khó xảy ra việc thiếu nguyên liệu dùng để sản xuất ethanol.

TRẦN MẠNH – LÊ THANH