Ba hướng triển khai hải quân của Mỹ đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu căng thẳng tại Biển Đông leo thang thành xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ điều động các hạm đội hải quân từ nhiều nơi đến khu vực này thông qua 3 hướng chính, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI, Mỹ).
Ba hướng triển khai hải quân của Mỹ đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu căng thẳng tại Biển Đông leo thang thành xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ điều động các hạm đội hải quân từ nhiều nơi đến khu vực này thông qua 3 hướng chính, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI, Mỹ).
Cách đây 2 tuần, tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc tiết lộ chính phủ Mỹ đang cân nhắc cho tàu quân sự và máy bay do thám áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý (22 km). Đây là quy định về phạm vi lãnh hải áp dụng cho đảo tự nhiên theo luật pháp quốc tế mà Trung Quốc ngang nhiên thiết lập cho các đảo do nước này bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Nếu điều này xảy ra (chính phủ Mỹ cho phép hải quân áp sát đảo Trung Quốc), xung đột giữa quân đội 2 nước Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ xảy ra”, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), có trụ sở tại bang Pennsylvania (Mỹ), bình luận trong bài phân tích đăng ngày 23.5, được trang tin Eurasiareview dẫn lại.
FPRI nhận định nếu xảy ra đối đầu, Hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ điều động các hạm đội từ nhiều khu vực trên thế giới đến Biển Đông.
“Nhưng để đến được Biển Đông, các lực lượng này sẽ phải băng ngang hoặc đi gần nhiều chốt chặn, nơi Trung Quốc có thể ngăn cản lực lượng Mỹ”, theo FPRI.
Hạm đội 7: Từ eo biển Luzon xuống
Đồn trú tại Nhật Bản, Hạm đội 7 của Mỹ sẽ là lực lượng gần nhất mà Mỹ có thể điều động trong trường hợp có khủng hoảng tại Biển Đông và cũng là lực lượng dễ đụng độ với quân đội Trung Quốc nhất.
Để vào Biển Đông, Hạm đội 7 nhiều khả năng sẽ đi xuống sườn phía đông của quần đảo Ryukyu, tây nam Nhật Bản, và băng qua eo biển Luzon, cực bắc Philippines.
Trên đường đi, hạm đội này sẽ phải đi ngang qua eo biển Miyako (Nhật Bản), nơi được biết đến như cửa ngõ để ra Thái Bình Dương của tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc.
Sau đó, khi băng qua eo Luzon, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với toàn bộ lực lượng hải quân và không quân chủ lực của Trung Quốc đồn trú dọc theo bờ biển phía nam của nước này, bao gồm lực lượng đóng tại các căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, và vịnh Á Long thuộc đảo Hải Nam, nơi toạ lạc của 1 trong 3 căn cứ tàu ngầm chính của Trung Quốc.
Mặc dù tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles của Hạm đội 7 từ đảo Guam có thể tránh được hoả lực trên không của phía Trung Quốc, nhưng những tàu mặt nước của Mỹ nhiều khả năng sẽ chạm trán với tàu ngầm Trung Quốc trong các khu vực chật hẹp ở eo biển Luzon và tại các vùng nước gần quần đảo Trường Sa, FPRI phân tích.
Hạm đội 5: Từ eo biển Malacca lên
FPRI nhận định Hạm đội 5, thường hoạt động tại Vùng Vịnh, sẽ là lực lượng gần khu vực thứ 2 mà Mỹ có thể điều động trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông.
Thách thức lớn nhất để vào Biển Đông của Hạm đội 5 là việc phải đi không ngừng nghỉ qua eo biển dài và hẹp Malacca. Tại đó, không quân và hải quân hùng mạnh của Singapore có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc canh chừng máy bay và tàu ngầm Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp đảo quốc này không muốn dính dáng trực tiếp đến xung đột giữa 2 cường quốc.
Hạm đội 3: Từ Mỹ qua biển Sulu
Lực lượng hải quân từ Hawaii hoặc bờ Tây nước Mỹ có thể sẽ là lực lượng sau cùng mà Mỹ sẽ dùng cho xung đột vũ trang với Trung Quốc tại Biển Đông, và nhiều khả năng sẽ là Hạm đội 3, theo FPRI.
Lực lượng này có thể sẽ chọn phương án tránh đi ngang eo biển Luzon và chọn cách tiến vào Biển Đông từ biển Sulu, tây nam Philippines.
Tại đó, hạm đội này có thể hoạt động một cách tương đối an toàn, mặc dù vẫn nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, FPRI cho hay.
“Ít nhất thì các ngọn núi trên đảo Palawan (Philippines) cũng sẽ làm giảm khả năng phát hiện tàu thuyền Mỹ của các thiết bị dò tìm tần số cao đặt trên bộ và các hệ thống radar vượt đường chân trời của Trung Quốc”, viện nghiên cứu này cho biết.
FPRI còn phân tích thêm rằng hoạt động tiếp tế của quân đội Mỹ có thể được thiết lập từ trên không thông qua bán đảo Zamboanga, thuộc Philippines, nơi lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã có mặt ở đó khoảng gần 1 thập kỷ qua, hoặc bằng đường biển qua Davao, tỉnh duyên hải Philippines.
Hoàng Uy