10/01/2025

Tổng thư ký Ban Ki Moon: “Các bạn là lãnh đạo của hiện tại”

Phong cách giản dị, gần gũi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chinh phục cử toạ tại Học viện Ngoại giao.

 TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC NÓI CHUYỆN TẠI HỌC VIỆN NGOẠI GIAO:

Tổng thư ký Ban Ki Moon: “Các bạn là lãnh đạo của hiện tại”

 

Phong cách giản dị, gần gũi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chinh phục cử toạ tại Học viện Ngoại giao.



 

 

Tổng thư ký Ban Ki Moon (phải) bắt tay các sinh viên sau buổi nói chuyện sáng 23-5 - Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Ban Ki Moon (phải) bắt tay các sinh viên sau buổi nói chuyện sáng 23-5 – Ảnh: Reuters
Mọi người thường nói rằng giới trẻ là lãnh đạo của tương lai. Tôi thì cho rằng các bạn là lãnh đạo của ngày hôm nay 
Tổng thư ký LHQ BAN KI MOON

Vài ngày trước chuyến thăm chính thức của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon đến Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian suy nghĩ về câu hỏi dành cho ông Ban Ki Moon.

Đó là các sinh viên của Học viện Ngoại giao Hà Nội, những người may mắn có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện với nhiều nguyên thủ trên thế giới đến thăm Việt Nam.

Sáng qua (23-5), Phạm Đức Anh, sinh viên năm 3, đến sớm trước giờ hẹn của trường 30 phút để kiếm chỗ ngồi thuận lợi nghe ông Ban Ki Moon nói chuyện.

“Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Tổng thư ký LHQ. Tôi rất mong chờ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông ấy có thể chia sẻ về tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á. Tôi cũng mong chờ ông ấy sẽ trả lời cởi mở tất cả câu hỏi của sinh viên” – Đức Anh nói.    

Phấn đấu thành người truyền cảm hứng

Cạnh đó, sinh viên Trịnh Hoài Sơn cũng háo hức. “Chúng tôi mong đợi ông Ban Ki Moon đến vì đây là lần đầu tiên được mắt thấy tai nghe người đứng đầu của LHQ chia sẻ về những vấn đề nóng và thời sự của quốc tế.

Quan trọng hơn là được nghe những vấn đề thời sự có liên quan đến Việt Nam, trong đó có vấn đề tranh chấp biển Đông, vấn đề nội khối ASEAN, người di cư. Tôi nghĩ đây là những vấn đề nóng liên quan đến ngành học của sinh viên ở Học viện Ngoại giao, sẽ rất bổ ích” – Hoài Sơn chia sẻ.

Hoài Sơn cho biết hầu hết sinh viên ngoại giao đều mong muốn phấn đấu trở thành một người truyền cảm hứng như Tổng thư ký Ban Ki Moon. Sơn khẳng định mình sẽ nỗ lực tích lũy kiến thức và kỹ năng mềm để có thể tự tin bước ra thế giới.

Đúng 11g trưa, khoảng 300 sinh viên trong khán phòng đồng loạt đứng dậy vỗ tay chào đón ông Ban Ki Moon. Tại đây, ông Ban Ki Moon phát biểu về “Vai trò của LHQ trong sự phát triển, hòa bình, và an ninh tại châu Á”.

“Tôi biết học viện này là nơi đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu và dự đoán chiến lược một loạt vấn đề cấp thiết trong khu vực và quốc tế. Các bạn đang nghiên cứu các xu thế, học ngôn ngữ và tìm hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh.

Đây chính là thời điểm quan trọng để chúng ta có một cuộc nói chuyện về tương lai chung của chúng ta” – ông Ban Ki Moon mở lời với các sinh viên và cán bộ ngoại giao trẻ.

*** Error ***
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho Tổng thư ký Ban Ki Moon 

Các bạn là công dân toàn cầu

Trong bài phát biểu, ông Ban Ki Moon lặp đi lặp lại hai từ hoà bình và phát triển. Ông cho rằng hòa bình và phát triển chính là hai mặt của một đồng tiền. Ngăn chặn bạo lực chính là lẽ sống của LHQ và trọng tâm của Hiến chương LHQ.

Hiện nay châu Á đối mặt với nhiều thách thức, khiến các mục tiêu thịnh vượng, ổn định… bị đe dọa. Những thách thức này bao gồm các yêu sách chủ quyền hoặc yêu sách hàng hải, căng thẳng chính trị và cộng đồng, các thách thức an ninh phi truyền thống chẳng hạn như tội phạm và khủng bố có tổ chức.

Trong bài phát biểu của mình, ông Ban Ki Moon cũng đề cao vai trò của người trẻ.

“Một nửa dân số thế giới hiện nay dưới 25 tuổi. Nếu giới trẻ được trang bị tốt, họ sẽ giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhiều bạn trẻ có tiếng nói, tầm nhìn sáng tạo.

Khi bạn tiếp tục học tập và trang bị cho bản thân để đại diện đất nước các bạn trên trường quốc tế, hãy nhớ rằng bạn không chỉ là một công dân của Việt Nam mà còn là một công dân toàn cầu” – ông Ban Ki Moon nói.

Sau khi kết thúc bài phát biểu, ông Ban Ki Moon dành thời gian trả lời các câu hỏi của sinh viên. Có một câu hỏi từ một nữ sinh viên mà ông Ban phải nhận xét là rất khó để trả lời một cách toàn diện. Đó là câu hỏi “Liệu LHQ có thể sửa đổi hiến chương để giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay hay không?” của bạn Đoàn Phương Mai, khoa quan hệ quốc tế.

Sau đó, Phương Mai chia sẻ rằng từ năm 1945 khi LHQ thành lập, đã có một số lần sửa đổi hiến chương. Nhưng hiện nay tình hình quốc tế có nhiều biến động, ví dụ như sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức khủng bố, biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác.

Vì vậy, LHQ sẽ có những sửa đổi gì trong hiến chương vốn là văn kiện pháp lý cao nhất hiện tại nhằm đáp ứng những thay đổi đó?

Trả lời câu hỏi của Phương Mai, ông Ban Ki Moon thừa nhận “vấn đề này đã được thảo luận và tranh cãi nhiều lần trong các cuộc họp giữa các quốc gia thành viên, nhưng việc sửa đổi hiến chương rất khó khăn, đặc biệt là cải cách Hội đồng Bảo an LHQ”. 

Khánh thành Ngôi nhà xanh chung của LHQ  tại Việt Nam

Sáng 23-5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã cắt băng khánh thành Ngôi nhà xanh chung của LHQ ở Việt Nam. Đây là toà nhà LHQ đầu tiên trên thế giới được cấp chứng chỉ xanh.

“Ngôi nhà LHQ ở Việt Nam là toà nhà văn phòng hiệu quả về năng lượng và thân thiện môi trường nhất trong khu vực, và là bằng chứng cho sự nhất quán và hợp tác giữa các tổ chức LHQ” – Tổng thư ký Ban Ki Moon phát biểu tại lễ khánh thành.

Trong khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Ngôi nhà LHQ cũng là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia đóng góp vào các hoạt động của LHQ”.

Phó thủ tướng cho biết thêm màu xanh của Ngôi nhà chung cũng thể hiện cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu các tác động sinh hoạt hằng ngày của người dân đối với môi trường. 

Ngôi nhà xanh chung của LHQ được xây dựng bằng những vật liệu cách nhiệt tiêu chuẩn cao giúp kiểm soát không khí và tạo ra chất lượng không khí cao trong toà nhà, góp phần giảm 25% nhu cầu năng lượng.

Tổ chức LHQ cũng thực hiện nhiều sáng kiến để nhân viên có thói quen “xanh”, bao gồm giảm lượng giấy in ấn, tái sử dụng giấy, nhựa và thuỷ tinh, tắt đèn mỗi khi rời phòng, và đạp xe hoặc đi bộ đi làm.

QUỲNH TRUNG