10/01/2025

Mỹ phớt lờ cảnh báo, Trung Quốc doạ ‘cứng rắn hơn’

Giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục tuần tra trên không lẫn trên biển ở Biển Đông, bất chấp sự thách thức của Trung Quốc.

 

Mỹ phớt lờ cảnh báo, Trung Quốc doạ ‘cứng rắn hơn’

 

 

Giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục tuần tra trên không lẫn trên biển ở Biển Đông, bất chấp sự thách thức của Trung Quốc.


 

 

Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ tuần tra tại vùng biển quốc tế gần Trường Sa ngày 11.5 -  Ảnh: US Navy

Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ tuần tra tại vùng biển quốc tế gần Trường Sa ngày 11.5
 -  Ảnh: US Navy

Trong cuộc họp báo ở Washington hôm qua 22.5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel cảnh báo Trung Quốc đừng nên thách thức hải quân Mỹ ở Biển Đông. “Không ai có suy nghĩ bình thường lại dám thử cản trở hoạt động của hải quân Mỹ. Đó không phải là một bước đi đúng đắn”.
Ông Russel cũng khẳng định các chuyến bay tuần thám của hải quân nước này ở Biển Đông là phù hợp bởi nó diễn ra trong không phận quốc tế, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách duy trì khả năng thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển và trên không của mọi quốc gia, theo Đài Fox News.
Ông Russel đưa ra tuyên bố trên sau khi Đài CNN tiết lộ máy bay săn ngầm hiện đại P-8A Poseidon của hải quân Mỹ bị hải quân Trung Quốc phát cảnh báo yêu cầu rời khỏi “khu vực cảnh báo quân sự” tới 8 lần, khi đang bay tuần thám tại khu vực quần đảo Trường Sa – nơi Bắc Kinh đang tiến hành hoạt động xây dựng phi pháp.
Bất chấp động thái này của Trung Quốc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steven Warren ngày 21.5 tuyên bố bước kế tiếp là Mỹ có thể đưa tàu chiến và máy bay tuần tra trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo nhân tạo nói trên, theo AFP.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua 22.5 khẳng định việc quân đội Trung Quốc xua đuổi máy bay P-8A là “phù hợp với các quy định liên quan”, đồng thời chỉ trích động thái của Mỹ “hết sức vô trách nhiệm, nguy hiểm và gây tổn hại cho hòa bình và ổn định khu vực”, theo Reuters.
Ông Hồng còn tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ khu vực liên quan, có những biện pháp phù hợp và cần thiết để ngăn chặn việc gây tổn hại cho sự an toàn của các đảo và bãi đá Trung Quốc cũng như bất kỳ sự cố nào trên không và trên biển”.
Cùng ngày, Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận nói rằng những hành động “khiêu khích” của Mỹ không ngăn chặn được kế hoạch xây đảo của Trung Quốc ở Trường Sa. “Trung Quốc cần chuẩn bị tăng cường hành động đối phó theo mức độ khiêu khích từ Mỹ. Washington nên nhớ rằng sức mạnh tàu chiến và chiến đấu cơ của họ ít có khả năng giành chiến thắng trước sự khôn ngoan từ hàng thế kỷ của Trung Quốc”, Hoàn Cầu thời báo viết.
Cần có phản ứng toàn cầu
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa không chỉ gây phản đối từ các bên liên quan mà còn gây quan ngại cho cả những quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông.
Trong bài bình luận đăng trên The Age hôm qua, chuyên gia Bonnie S.Glaser tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc) cảnh báo những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông “đang gây bất ổn cho an ninh khu vực và trong một số trường hợp vi phạm Công ước LHQ về luật Biển”.
Bà Glaser nhận định: “Cho đến nay, những phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn không ngăn được việc Trung Quốc dùng vũ lực đối với các nước láng giềng”. Để ngăn chặn tình trạng này, bà cho rằng Úc cần phối hợp với Mỹ thực hiện chiến lược gây áp lực nhằm thay đổi những toan tính và hành vi của Trung Quốc. Chuyên gia Glaser còn nhấn mạnh cần phải có phản ứng toàn cầu để buộc Trung Quốc hành xử theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Văn Khoa

Khó đoán được phản ứng của Trung Quốc
Các chuyên gia cảnh báo, rất khó đoán được Trung Quốc sẽ có động thái nào tiếp theo để phản ứng lại Mỹ. GS Dennis McCornac (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Trung Quốc đang có những hành động cứng rắn hơn mức có thể tiên liệu kể từ khi họ nhận ra Lầu Năm Góc còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết, chẳng hạn như ở Trung Đông”.
Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, nhận định với tình hình này, rất có nguy cơ xảy ra xung đột trên không. Ông Bateman nói: “Nên nhớ là mục tiêu trên hết của tất cả các bên liên quan là phi quân sự hoá tranh chấp trên Biển Đông. Luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột rất cao nếu như các bên liên quan thay nhau triển khai khí tài – tàu ngầm, tàu chiến, máy bay – đến khu vực này. Sẽ không có ai được hưởng lợi từ tình huống đó”.
An Điền

Văn Khoa