28/11/2024

IS chiếm 2 thành phố trong 5 ngày

Phải nói rằng cả thế giới bàng hoàng khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) liên tiếp chiếm giữ hai thành phố quan trọng Ramadi của Iraq và Palmyra của Syria chỉ trong năm ngày.

 

IS chiếm 2 thành phố trong 5 ngày

Phải nói rằng cả thế giới bàng hoàng khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) liên tiếp chiếm giữ hai thành phố quan trọng Ramadi của Iraq và Palmyra của Syria chỉ trong năm ngày.



 

 

Người phụ nữ Hồi giáo Sunni Iraq đội con lánh nạn từ Ramadi về ngoại ô Baghdad ngày 19-5. Cô là một trong 40.000 người Iraq ở Ramadi phải đi lánh nạn mấy ngáy qua - Ảnh: Reuters
Người phụ nữ Hồi giáo Sunni Iraq đội con lánh nạn từ Ramadi về ngoại ô Baghdad ngày 19-5. Cô là một trong 40.000 người Iraq ở Ramadi phải đi lánh nạn mấy ngáy qua – Ảnh: Reuters

Hôm qua, tất cả các phương tiện truyền thông đều đưa tin thành phố cổ hơn 2.000 năm tuổi Palmyra đã rơi vào tay IS.

Điều khiến mọi người lo sợ hơn cả là những di sản văn hoá cổ của nhân loại tại Palmyra sẽ sớm bị san bằng như từng xảy ra tại một số thành phố cổ khác của Iraq vài tháng trước.

Bên cạnh thắng lợi mới này, lực lượng IS xem như đã chiếm được phân nửa lãnh thổ của Syria và gần như quản lý toàn bộ các khu vực có nhiều dầu mỏ của Syria.

Điều này không chỉ củng cố thanh thế của lực lượng khủng bố khét tiếng này mà còn tạo nguồn thu tài chính cho các hoạt động sắp tới của IS.

Baghdad mất kiểm soát tình hình

Trước đó ngày 17-5, lực lượng IS cũng chiếm được thành phố Ramadi – thủ phủ của tỉnh 
al-Anbar ở miền tây Iraq sau chiến dịch kéo dài suốt từ tháng 4 đến nay. Chiếm được Ramadi là một thắng lợi quan trọng của IS.

Thành phố này là trung tâm của tỉnh có diện tích lớn nhất Iraq, ôm trọn xa lộ nối thủ đô Baghdad với thủ đô Damascus của Syria.

Tỉnh al-Anbar có đường biên giới chung với cả Syria, Jordan và Saudi Arabia. Kiểm soát được 
al-Anbar, IS mở rộng “lãnh thổ” nối liền Syria – Iraq;, đồng thời có thể gây áp lực trực tiếp đối với hai nước láng giềng là Jordan và 
Saudi Arabia.

Việc Ramadi thất thủ được coi là thắng lợi lớn nhất của IS kể từ sau khi lực lượng khủng bố này chiếm thành phố Mosul ở miền bắc Iraq hồi tháng 6 năm ngoái. Quân đội Iraq bảo vệ Ramadi đã buộc phải tháo chạy, bỏ lại vô số vũ khí đạn dược các loại.

Đây không chỉ là kết quả của chiến thuật “tử vì đạo” (dùng hàng loạt xe “đánh bom liều chết” lao thẳng vào các công sự của quân đội Iraq để mở đột phá khẩu, rồi dùng xe ủi bọc thép dọn đường cho các chiến binh tràn lên), mà còn là hệ quả của những yếu tố phức tạp đan xen khiến cuộc chiến chống IS tại Iraq tiến triển rất ì ạch.

“Đây là một thất bại chiến lược phản ánh sự bất lực của chính quyền trung ương Baghdad trong việc kết nối các bộ tộc Sunni” – nhật báo L’Orient-Le Jour của Libăng nhận định. Trước hết, 
al-Anbar là trung tâm thế lực hàng đầu của dòng Sunni Iraq.

Trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq 
(2003-2011), lực lượng kháng chiến dòng Sunni luôn là nỗi ám ảnh thường trực chống quân đội Mỹ mà địa phương nổi tiếng nhất là thành phố al-Fallujah (IS cũng đã kiểm soát) chỉ cách thủ đô Baghdad 65km về phía tây. Tổ chức Al-Qaeda Iraq cũng ra đời tại al-Anbar từ nền tảng cuộc kháng chiến của các dòng tộc Sunni chống Mỹ.

Đánh chiếm Ramadi chỉ là chiến dịch sau chót của IS tại 
al-Anbar. Thật ra, IS đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ của tỉnh này từ tháng 6 năm ngoái. Ramadi đã bị IS vây hãm và đe doạ từ nhiều tháng qua. Chính quyền địa phương al-Anbar do người Sunni kiểm soát đã thấy trước nguy cơ bị IS tấn công.

Họ cầu cứu chính quyền trung ương, nhưng dứt khoát chỉ yêu cầu cung cấp vũ khí hạng nặng để người Sunni tự chiến đấu chống IS tại địa phương mình; không chấp nhận quân do Baghdad phái tới, bởi cho là “thế lực Shiite” muốn mượn cớ chống IS để “chiếm đất của Sunni”.

Xem lại chiến lược

Thái độ của người Sunni ở 
al-Anbar không phải là vô cớ. Việc dân binh Shiite tham gia giải phóng thành phố Tikrit hồi cuối tháng 3 vừa qua là một minh chứng cho lo ngại của Sunni. Sau khi đẩy IS khỏi Tikrit, các đơn vị dân binh Shiite không rút đi để trả quyền kiểm soát thành phố cho chính quyền địa phương Sunni, mà ở lại chia nhau cai quản thành phố này.

Thậm chí, dân binh Shiite không cho người Sunni trở lại nhà cửa của họ ở Tikrit và một số vụ tàn sát đã diễn ra nhắm vào người Sunni địa phương bị Shiite cho là “đã cộng tác với IS”. Nghiêm trọng hơn nữa, người Sunni cho rằng Iran đứng sau các dân binh Shiite này để dùng Shiite Iraq phục vụ “chiến lược lan toả thế lực Iran tại Iraq”.

Dòng Sunni Iraq nói riêng và Sunni Ả Rập nói chung đang ngầm chống lại điều mà họ cho là Iran “đang lợi dụng cơ hội” IS chiếm Ramadi để lấy cớ nhảy vào chiếm luôn tỉnh al-Anbar của người Sunni.

Ngay sau ngày Ramadi thất thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hussein Dahqan đã đến Baghdad “làm việc” với giới lãnh đạo Iraq.

Trong khi đó, Ali Waliyati, cố vấn chính trị – đối ngoại của lãnh tụ tối cao Iran Khamanei, phát biểu khi đang thăm Libăng: “Chúng tôi sẵn sàng giải phóng Ramadi khỏi tay IS khi có yêu cầu chính thức của Chính phủ Iraq”.

Người Ả Rập, mà trước hết là Saudi Arabia và Jordan, không muốn bị IS hoặc Iran áp sát biên giới của mình. Thậm chí, có bình luận của chính người Ả Rập cho rằng đối với thế giới Ả Rập, Iran còn nguy hiểm hơn IS Vậy thì Iran càng hăng hái tận dụng “chống IS” tại Iraq bao nhiêu, người Ả Rập càng chần chừ trong hành động thực tế chống IS tại Iraq bấy nhiêu.

Chính vì thế những nỗ lực của Mỹ dẫn đầu liên minh chống IS tại Iraq trong thời gian qua có vẻ thiếu hiệu quả trong hoàn cảnh phức tạp như thế Theo AFP, sau khi Ramadi thất thủ, một quan chức cấp cao Mỹ đã khẳng định Washington sẽ xem xét kỹ lại chiến lược thời gian qua.

Một cuộc họp của liên minh chống IS đã được lên lịch vào ngày 2-6 tới…

Thắng nhanh nhờ khai thác xung đột

Al-Qaeda trước đây và IS ngày nay đều theo dòng Sunni. Tổ chức khủng bố này có mối liên hệ mang tính xã hội truyền thống với các thủ lĩnh dòng tộc Sunni tại địa phương. Về mặt tổ chức thì có thể phân biệt giữa khủng bố với các nhóm Sunni khác.

Nhưng về con người thì “vùng chồng lấn” giữa Sunni ngoan đạo với Sunni cực đoan thật khó nhận biết. Từ sau khi chế độ Saddam Hussein bị xoá sổ, chính quyền Baghdad đều do dòng Shiite chiếm thế thượng phong, thậm chí độc quyền kiểm soát và thế lực Sunni bị “gạt ra bên lề”.

Sau khi Mỹ rút khỏi Iraq (cuối năm 2011), thế lực Sunni càng tập trung chống chính quyền trung ương, bởi họ cho là chính quyền này “đã bị Iran khống chế”.

Việc IS từ Syria kéo về chiếm hai tỉnh miền bắc Iraq một cách dễ dàng hồi tháng 6-2014 cũng nhờ tận dụng được nền tảng xã hội Sunni ở hai tỉnh này và mối hiềm thù giữa các dòng tộc Sunni với chính quyền trung ương ở Baghdad.

NGUYỄN NGỌC HÙNG