28/11/2024

Cần xây dựng lòng tin về an ninh Biển Đông

An ninh Biển Đông đang tiềm ẩn mối nguy từ những con tàu ngầm ngày càng đông đúc, với tầm hoạt động và mức công phá ngày càng lớn.

Cần xây dựng lòng tin về an ninh Biển Đông

 

 

An ninh Biển Đông đang tiềm ẩn mối nguy từ những con tàu ngầm ngày càng đông đúc, với tầm hoạt động và mức công phá ngày càng lớn.

 

 

Tàu ngầm hiện đại trên Biển Đông - Ảnh: PLA NavyTàu ngầm hiện đại trên Biển Đông – Ảnh: PLA Navy
Nguy cơ này được Tư lệnh hải quân Singapore, Chuẩn đô đốc Lai Chung Han chỉ ra tại hội thảo về tàu ngầm và an ninh biển quốc tế trong khuôn khổ Triển lãm và hội luận về quốc phòng biển (IMDEX Asia) đang diễn ra ở đảo sư tử.
Tại vùng biển mà ông Lai gọi là “huyết mạch” này, bên cạnh những con tàu vận tải thương mại mỗi năm chuyên chở đến 5.000 tỉ USD hàng hoá đi qua, còn có những giàn khoan khổng lồ và các tuyến cáp biển trọng yếu, các tàu cá hoạt động ngày đêm. Hoạt động của những con tàu giấu mặt, vì vậy, trở thành một mối nguy, đặc biệt tại một số khu vực nước nông.
Nhưng quan trọng hơn, theo các chuyên gia, sự gia tăng số lượng tàu ngầm ở mức chóng mặt, kèm với các loại vũ khí tối tân được mang theo, trong hành trình bí ẩn ở độ sâu hàng trăm mét đặt ra nguy cơ không chỉ đối với các tài sản trên biển, mà cả an ninh của các quốc gia ven bờ cách hàng trăm dặm.
Cấp tập sắm tàu
Theo ông Lai, đến năm 2020, vùng biển châu Á – Thái Bình Dương sẽ có khoảng 130 tàu ngầm điện – diesel hoạt động, khiến không gian biển trở nên quá chật chội.
Chuyên gia quân sự Richard Bitzinger từ Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) chỉ ra rằng cách đây 15 – 20 năm, các nước Đông Nam Á không hề có lấy một chiếc tàu ngầm. Nhưng nay, hầu hết đều trang bị phương tiện này. Singapore mua 6 tàu ngầm cũ từ Thuỵ Điển và vừa thông báo mua thêm 2 tàu mới Type-218S từ Đức; Malaysia vừa nhận 2 tàu ngầm do Pháp đóng; Indonesia sắp nhận ít nhất 3 tàu đặt mua của Hàn Quốc; trong khi Thái Lan và Philippines cũng đang xúc tiến việc chọn mua tàu. Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay chi tiêu quốc phòng các nước ASEAN tăng hơn gấp đôi vào năm 2013 so với năm 2000, từ 15,7 tỉ USD lên 34,9 tỉ USD.
Giữa lúc các quốc gia trong vùng đều tăng cường trang bị và nâng cấp đội tàu ngầm, mối lo an ninh đến từ Trung Quốc được chú ý hơn cả. Hồi tháng 4.2015, hải quân Trung Quốc thông báo đưa vào sử dụng 3 tàu ngầm mới và hiện đại vượt bậc so với đội tàu ngầm mà nước này từng sở hữu từ thập niên 1970. Vận hành bằng năng lượng hạt nhân, 3 tàu ngầm tấn công Type-093G được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18, có khả năng tiêu diệt cả hàng không mẫu hạm.
Tờ The Independent cho hay hồi tháng 2.2015, Phó đô đốc Joseph Mulloy của hải quân Mỹ báo cáo với quốc hội nước này rằng hiện Trung Quốc đang vận hành số lượng tàu ngầm tấn công nhiều hơn quân đội Mỹ, đồng thời mở rộng nhanh chóng phạm vi hoạt động. “Họ đang triển khai nhiều tàu ngầm khá ấn tượng. Hiện họ cũng đã đưa 3 tàu ngầm ra Ấn Độ Dương và bành trướng ở những nơi tàu ngầm đi tới”, trang Military.com trích lời ông Mulloy. Không ai biết rõ hiện tại quân đội Trung Quốc có bao nhiêu tàu ngầm và hoạt động của chúng ra sao.
Cần một bộ quy tắc an toàn
Giữa lúc những con tàu hoạt động bí ẩn xuất hiện ngày càng nhiều, vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, hoàn toàn thiếu vắng một bộ quy tắc hoạt động tàu ngầm an toàn mà khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thiết lập từ nhiều thập niên trước, ông Lai Chung Han cảnh báo. Chuẩn đô đốc Lai cũng chỉ ra rằng khu vực quanh Biển Đông đang “thiếu vắng niềm tin”.
Vì vậy, trong tư cách một tư lệnh hải quân, ông Lai đề xuất khu vực cần xem xét một bộ 4 giải pháp, bao gồm: xây dựng lòng tin bằng cách chia sẻ những thông tin “không thuộc hàng nhạy cảm” giúp kiểm soát mặt biển tốt hơn và tăng cường an toàn các phương tiện giao thông ngầm; thiết lập các luật lệ vận hành tàu ngầm; tăng cường hợp tác như một thói quen; và tiến tới xây dựng một bộ quy tắc hoạt động tàu ngầm, dựa theo Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đang xây dựng.
Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua tuyên bố hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ gây xung đột trong khu vực.
Phát biểu tại một hội nghị ở Jakarta (Indonesia), ông Blinken nêu rõ: “Khi Trung Quốc tìm cách tạo ra chủ quyền từ những lâu đài cát và vẽ lại biên giới biển, họ đang làm xói mòn sự tin tưởng trong khu vực và gây tổn hại lòng tin của nhà đầu tư. Hành vi đó đe doạ tạo ra tiền lệ mới là nước lớn tự do đe doạ nước nhỏ, điều đó kích động căng thẳng, bất ổn và có thể dẫn đến xung đột”.
Trùng Quang

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)