11/01/2025

Nên tách biệt hạnh kiểm và học lực

Hai chuyên gia giáo dục nước ngoài phản hồi bài viết “Xếp hạnh kiểm học sinh: Nhà trường không phải nơi kết án” (Tuổi Trẻ ngày 12-5).

 

Nên tách biệt hạnh kiểm và học lực

 

Hai chuyên gia giáo dục nước ngoài phản hồi bài viết “Xếp hạnh kiểm học sinh: Nhà trường không phải nơi kết án” (Tuổi Trẻ ngày 12-5).


 

 

TS Mike Turner - Ảnh: T.Tuấn
TS Mike Turner – Ảnh: T.Tuấn

* TS MIKE TURNER (trưởng khoa kinh doanh  ĐH Broward College Việt Nam):

Hãy giúp học sinh thay đổi hành vi

Ở đất nước Úc của tôi không có hệ thống đánh giá hạnh kiểm như bài viết trên phản ánh. Chúng tôi có luật lệ và học sinh có thể bị đuổi học nếu vi phạm những chuyện rất nghiêm trọng như đánh giáo viên, đánh bị thương học sinh hay phá hoại, ăn trộm đồ của nhà trường.

Học sinh vi phạm cũng có thể bị phạt lao động công ích nhưng không bao giờ chuyện kỷ luật đó ảnh hưởng tới đánh giá học hành của các em kiểu như “học sinh học lực giỏi mà hạnh kiểm chỉ khá thì bị xếp học lực tiên tiến” như bài báo phản ánh.

Ví dụ tại lớp học, chúng tôi cũng có quy định đuổi học sinh ra khỏi lớp nếu làm phiền các học sinh khác. Tôi cũng có thể chuyển học sinh lên ban giám hiệu nếu các em vi phạm điều gì đó nghiêm trọng, nhưng tôi không có quyền hạ thấp mức học lực của các em vì chuyện hạnh kiểm.

Chúng ta nên hiểu mọi đứa trẻ đều nghịch phá gì đó, đặc biệt khi chúng đến tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, theo chúng tôi, thay vì phạt bằng điểm học khi chúng mắc sai lầm, chúng ta nên giúp chúng sửa những sai lầm đó.

Kinh nghiệm của chúng tôi là nếu như học sinh quậy, chúng tôi sẽ tự hỏi: Vì sao học sinh quậy? Có phải vì bài học quá khó? Học sinh cần được chỉ dạy thêm? Nhà trường và giáo viên sẽ theo dõi những điều này. Thay vì trừng phạt học sinh, nhà trường nên xem xét cách nào đó để có thể giúp thay đổi hành vi của học sinh. 

Bà Sheryl Freeman - Ảnh: T.Tuấn
Bà Sheryl Freeman – Ảnh: T.Tuấn

* Bà SHERYL FREEMAN (hiệu trưởng khối trung học của hệ thống Trường quốc tế Canada – CIS):

Không nên tiếp cận bằng trừng phạt

Trường chúng tôi có quy định về kỷ luật và chúng tôi rất rõ ràng về những gì chúng tôi muốn, đặc biệt những chuyện như học sinh lừa dối trong bài thi, sử dụng thuốc gây nghiện, rượu hay mang vũ khí đến trường…

Nhưng từ rất lâu rồi, trong hệ thống giáo dục của chúng tôi, các hành vi của học sinh không ảnh hưởng tới kết quả hay xếp hạng học tập của các em.

Trong hệ thống của Ontario (Canada), các phiếu đánh giá về học sinh cấp I chẳng hạn, ngoài điểm chúng tôi có phần đánh giá về “kỹ năng học tập” trong đó có: tính trách nhiệm, khả năng độc lập, tính sáng kiến, khả năng tổ chức, khả năng hợp tác và khả năng kiểm soát hành vi.

Trong phần điểm, các em có điểm riêng về ngôn ngữ, ngoại ngữ, toán, khoa học công nghệ, sử – địa, giáo dục thể chất, nghệ thuật…

Chúng tôi gọi đó là kỹ năng học chứ không phải là đánh giá hành vi. Chúng tôi thừa nhận và tìm cách phát triển các kỹ năng đó. Nhiệm vụ của giáo viên là giúp các em phát triển kỹ năng chứ không phải để phạt các em.

Ví dụ các em được hướng dẫn để tự có trách nhiệm, tự chủ động. Giáo viên không nhắc chuyện các em mở sách ra, các em thực hiện các trách nhiệm trong khuôn khổ trường học, nộp bài tập, bài về nhà đúng hạn được giao. Nói chung, các em biết chịu trách nhiệm và biết kiểm soát hành vi của mình.

Nhưng những kỹ năng này không liên quan tới điểm hay học lực của học sinh. Đó là những thứ riêng biệt.

Chúng tôi không gắn hành vi với kết quả học tập. Thay vào đó, chúng tôi khuyến khích các em phát triển các kỹ năng của mình vì khi các kỹ năng đó cải thiện thì kết quả học tập của các em cũng tốt hơn. Chúng tôi không chú ý để trừng phạt các em vì nhiệm vụ của chúng tôi là dạy để giúp các em tiến bộ.

Tôi đồng ý quan điểm chuyện xây dựng các công dân tốt là quan trọng nhưng vấn đề ở đây là cách thức xây dựng công dân tốt đó như thế nào.

Tôi nghĩ cách tiếp cận ở đây không phải là hạ bậc học lực của học sinh khi các em có vi phạm về hạnh kiểm như không ít trường ở VN đang làm mà nên tư duy ngược lại, hãy khuyến khích khi các em làm tốt.

Chúng tôi rất nhấn mạnh vào chuyện phát triển nhân cách của các em. Mỗi tháng các em được chú trọng vào một đức tính nào đó. Khi đó các em sẽ đọc và viết rất nhiều về đức tính đó. Tôi không nói là trong hệ thống trường của chúng tôi chấp nhận các hành vi sai, nhưng cách tiếp cận của chúng tôi là hoan nghênh các hành vi tốt, thay vì trừng phạt khi các em có hành vi sai. 

THANH TUẤN ghi