Mỹ thách thức yêu sách của Trung Quốc
Với việc đưa máy bay ném bom B-1 đến Úc, Mỹ nói rõ ý định thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Mỹ thách thức yêu sách của Trung Quốc
Với việc đưa máy bay ném bom B-1 đến Úc, Mỹ nói rõ ý định thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ cất cánh tại một căn cứ vùng Tây Nam Á – Ảnh: David Miller (US Air Force) |
Binh sĩ Mỹ quan sát tàu chiến USS Fort Worth từ trực thăng trong cuộc tuần tra thường kỳ trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 12-5-2015 – Ảnh: US Navy |
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington sẽ điều thêm máy bay ném bom chiến lược B-1 và các máy bay do thám đến Tây Thái Bình Dương trong một động thái thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, theo báo The Sydney Morning Herald của Úc.
Trong phiên điều trần trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện ngày 13-5 (giờ Mỹ), trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương David Shear thông báo ngoài việc đưa các đơn vị quân đội và thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đến khu vực Tây Thái Bình Dương, Mỹ cũng sẽ điều thêm “các thiết bị không quân” đến Úc, bao gồm máy bay ném bom B-1 và máy bay do thám.
Ông David Shear, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nói rõ Mỹ có ý định thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên nhiều khu vực rộng lớn ở biển Đông.
Theo The Sydney Morning Herald, kế hoạch đưa máy bay ném bom chiến lược B-1 và máy bay do thám đến Úc là một phần của “chiến dịch xoay trục” rộng lớn hơn của Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tờ báo Úc nhận định động thái của chính quyền Obama là để tăng cường quyền lực của lực lượng hải quân và không quân Mỹ ở biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải cũng như thách thức các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc thông qua việc xây dựng các sân bay và đảo nhân tạo.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Úc nói quan hệ quân sự giữa Mỹ và Úc không nhằm chống bất cứ quốc gia nào khác. Nhưng ông này không bàn luận về kế hoạch của Mỹ đưa máy bay ném bom B-1 và máy bay do thám đến Úc và từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể.
“Hiện Mỹ và Úc đang tiếp tục thảo luận các chi tiết hợp tác tương lai. Nhiều loại máy bay khác nhau của Mỹ đã đến Úc tham gia các cuộc diễn tập và huấn luyện. Mối quan hệ tăng cường giữa hai nước sẽ tập trung vào những hoạt động này” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc nói.
Tuy nhiên, như Reuters cho biết, Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm qua 15-5 cho rằng ông David Shear đã phát ngôn sai khi cho rằng Lầu Năm Góc có kế hoạch đưa máy bay ném bom chiến lược B-1 đến Úc.
“Tôi hiểu rằng quan chức này đã phát ngôn không chính xác và Mỹ không có bất cứ kế hoạch gì để đưa những máy bay loại này đến Úc” – Thủ tướng Tony Abbott nói với các phóng viên.
Ông cho biết thêm Úc ủng hộ lập trường duy trì tự do hàng hải trên biển Đông của Mỹ vì đây là tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực.
“Chúng ta phải duy trì tự do hàng hải trên biển và tự do bay” – ông Abbott trả lời các phóng viên khi được hỏi về hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trong các vùng tranh chấp ở biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeffrey Pool cho biết trước đây Mỹ có triển khai thường lệ các máy bay ném bom đến Úc, bao gồm B-52. Ông Pool nói chi tiết của hợp tác giữa lực lượng quân sự hai nước vẫn chưa được chốt lại.
Trong khi đó, theo CNN, lần đầu tiên tàu tác chiến gần bờ (LCS), một trong những tàu mới nhất của hạm đội Mỹ, đã hoạt động trên vùng biển quốc tế gần các đảo ở biển Đông.
“Một phần của chiến lược tái cân bằng của chúng tôi là đưa các thiết bị và vũ khí hải quân mới nhất và có năng lực nhất đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các tàu tác chiến đã hiện diện thường xuyên ở Đông Nam Á. Tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth vừa mới kết thúc các hoạt động ở biển Đông. Chúng tôi sẽ có bốn tàu LCS đến khu vực trong những năm tới” – CNN dẫn lời đại úy Fred Kacher, sĩ quan hải quân thuộc Liên đội tàu khu trục 7.
Hải quân Mỹ cho biết tàu Fort Worth đã gặp nhiều tàu chiến Trung Quốc khi đang đi tuần tra. Một bức hình của Hải quân Mỹ cung cấp cho thấy tàu Fort Worth bị tàu khu trục tên lửa Yancheng của Bắc Kinh đeo bám theo dõi.
* Ông LÊ HỒNG HIỆP (nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore): Quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam là hợp lý Theo tôi, việc Mỹ định đưa tàu hải quân và máy bay do thám đến gần khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng là chấp nhận được vì xét theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tàu thuyền các quốc gia có quyền “qua lại vô hại” trong vùng lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Bản thân tôi trong một bài viết năm ngoái cũng đã đề xuất ý tưởng thành lập lực lượng hải quân quốc tế nhằm tuần tra chung, qua đó duy trì hoà bình, an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông. Vì vậy, tôi cho rằng quan điểm của Bộ Ngoại giao “hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, trong việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông” là hợp lý và mang tính chiến lược. Tuy nhiên, tôi nghĩ hành động này của Mỹ không gây đột biến gì trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng như cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama và tháng 9 năm nay. |