11/01/2025

Bi kịch di dân ở Đông Nam Á

“Hãy mau cứu giúp, chúng tôi không còn nước”, tiếng kêu cứu khẩn thiết, đầm đìa nước mắt của hàng trăm người Rohingya vang lên khi thấy tàu chở các nhà báo tiến đến.

 

Bi kịch di dân ở Đông Nam Á

 

 

“Hãy mau cứu giúp, chúng tôi không còn nước”, tiếng kêu cứu khẩn thiết, đầm đìa nước mắt của hàng trăm người Rohingya vang lên khi thấy tàu chở các nhà báo tiến đến.

 

 

Bi kịch di dân ở Đông Nam ÁNgười Rohingya thu lượm hàng tiếp tế do trực thăng của quân đội Thái Lan thả xuống biển ở gần đảo Koh Lipe ngày 14.5 – Ảnh: AFP
Hơn 300 di dân Rohingya tiếp tục được phát hiện trên biển Andaman (giữa Thái Lan và Malaysia) vào ngày 14.5. Con tàu gỗ ken cứng đàn ông, phụ nữ và trẻ em, có cả em bé chỉ vài tuổi, đang chen nhau dưới tấm vải nhựa che nắng. “Tôi đói quá, làm ơn mau cứu chúng tôi”, Mohamed Siraj, một thiếu niên 15 tuổi từ Myanmar nói với các phóng viên. Một nhóm phụ nữ đã bật khóc khi thấy có người đến.
Họ cho biết đã lênh đênh trên biển được 3 tháng và bị chủ tàu bỏ rơi từ 6 ngày trước. “Chúng tôi đã lênh đênh trên biển được 3 tháng. Có khoảng 10 người chết và chúng tôi đành phải quăng xác của họ xuống biển”, một người tị nạn Rohingya kể với New York Times.
Những mảnh đời vô thừa nhận
 
 

Ngày 29.5, Thái Lan sẽ tổ chức “Hội nghị bất thường về di cư bất hợp pháp tại Ấn Độ Dương” với sự tham dự của đại diện các nước có liên quan như: Úc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và VN cùng các quan sát viên như Mỹ, UNHCR và IOM. Sau hội nghị này, Thái Lan mới quyết định thành lập các trại tị nạn hay không.

 
Theo The Nation, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu nghiên cứu địa điểm làm chỗ ở tạm thời cho người tị nạn và hai hòn đảo Kangkao và Kam Yai (tỉnh Ranong, miền nam Thái Lan) hiện được coi là điểm thích hợp nhất.

 

 

Hiện nay, khoảng 1,3 triệu người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar bị chính quyền xem là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp và không thừa nhận quyền công dân (Rohingya cũng được LHQ liệt vào danh sách những sắc dân thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới). Vì thế, mỗi năm hàng ngàn người nghèo Bangladesh và Rohingya liều mạng theo bọn buôn người vượt biển hoặc bằng đường bộ (thông qua Thái Lan) để tìm cơ hội tại đất nước Hồi giáo Malaysia (hoặc thông qua Indonesia tìm cách tị nạn tại Úc).

Theo ước tính, khoảng 6.000 đến 20.000 người đang lênh đênh trên biển đánh cược với mạng sống của chính mình. Chris Lewa, người điều phối một dự án về di dân, cho biết mỗi người phải trả ít nhất 1.800 USD cho chuyến đi đến Malaysia cùng với lời hứa sẽ có một công việc khi đến nơi. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ chẳng bao giờ đến được “miền đất hứa” mà phải “nằm lại” trên đường hoặc trở thành tù nhân của bọn buôn người.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền các nước nhanh chóng tìm kiếm và cứu những người lênh đênh trên biển. “Đang có một thảm hoạ về nhân mạng chực chờ chúng ta”, Jeffrey Savage, quan chức cấp cao của (UNHCR) nói.
“Trận bóng bàn trên phận người”
Sau khi 1.500 di dân bất hợp pháp cập bờ Malaysia và Indonesia vào tuần trước, ngày 12.5, Indonesia buộc con tàu chở hàng ngàn người quay trở lại biển. Ngày 13.5 chính quyền Malaysia cũng làm điều tương tự với hai chiếc tàu chở hơn 800 người. Sáng 15.5, chiếc tàu cá chở 300 người Rohingya cũng được Thái Lan kéo ra khỏi lãnh hải nước này. Tuy nhiên, hải quân Thái Lan giải thích nhóm người trên không dự định vào Thái mà muốn đến một nước thứ ba. Vì thế, Thái Lan đã cung cấp thực phẩm và thuốc men, sửa lại máy tàu cho họ rồi kéo con tàu ra xa 17 km khỏi hòn đảo Koh Lipe (tỉnh Satun, miền nam Thái Lan).
“Thái Lan sẽ không cho phép những chiếc tàu lớn chở hàng trăm người nghi là của bọn buôn người cập bờ. Đối với những chiếc tàu nhỏ chở 10 – 15 người, chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét”, ông Panitan Wattanayagorn, cố vấn Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon, người chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, nói với Bangkok Post.
“Những điều chúng tôi thấy hiện nay giống như một trận bóng bàn trên biển”, Joe Lowry, phát ngôn viên Tổ chức di dân quốc tế (IOM) nói. “Đó là trận đấu bóng bàn trên số phận con người. Điều gì sẽ chấm dứt trận đấu bóng này? Tôi không muốn quá cường điệu, tuy nhiên những người này nếu không được đưa lên bờ sớm, chúng ta sẽ sớm thấy một con thuyền đầy xác”.

Lam Yên (VP Bangkok)