25/01/2025

Việt Nam sẵn sàng ứng phó các tình huống trên biển

Buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao VN chiều 14.5 “nóng” lên rất nhanh với các thông tin liên quan đến giàn khoan của Trung Quốc và quần đảo Trường Sa.

 

Việt Nam sẵn sàng ứng phó các tình huống trên biển

 

 

Buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao VN chiều 14.5 “nóng” lên rất nhanh với các thông tin liên quan đến giàn khoan của Trung Quốc và quần đảo Trường Sa.


 

 

Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 cắm phi pháp trong vùng biển VN năm 2014 - Ảnh: Độc Lập

Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 cắm phi pháp trong vùng biển VN năm 2014 
– Ảnh: Độc Lập

Trước thông tin đăng trên website Cục Hải sự Trung Quốc về việc tiếp tục đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) ra hoạt động tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “VN luôn theo dõi chặt chẽ, đồng thời có chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển”.
Về thông tin Mỹ sẽ điều tàu đến khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “VN hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông. Đặc biệt là phát huy vai trò khối ASEAN, tuân thủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông DOC và hướng tới COC”.
Trong buổi họp báo, Hãng thông tấn AP đặt câu hỏi về phản ứng của VN liên quan đến các bức ảnh vệ tinh thể hiện VN mở rộng đá Tây, đảo Sơn Ca, xây dựng một số cấu trúc quân sự ở quần đảo Trường Sa còn Trung Quốc mở rộng 7 đảo đá chìm, điển hình là đá Chữ Thập, cũng thuộc Trường Sa. Trả lời câu hỏi, ông Lê Hải Bình khẳng định VN có chủ quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất trên quần đảo Trường Sa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà VN đang quản lý tại quần đảo Trường Sa là hoàn toàn bình thường, phù hợp với luật pháp, Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông. Những cấu trúc này không làm tổn hại môi trường, không làm phức tạp tình hình khu vực. Đồng thời, VN kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN tại Biển Đông. Đề nghị các bên liên quan kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình, đe doạ đến hoà bình khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước về luật Biển…”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liên quan đến 16 ngư dân mất tích gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của VN, ông Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm. Trước đó, từ ngư trường Trường Sa, ông Dương Minh Thạnh – chủ một tàu cá ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết trong ngày 4 và 5.5, tàu của ngư dân Nguyễn Thành Châu đang khai thác hải sản gần đá Gaven thì hỏng máy. Khi các ngư dân đưa tàu cập đá Gaven để sửa chữa thì bị lực lượng Trung Quốc xua đuổi khiến tàu lênh đênh trên biển. Do không liên lạc được với đất liền, 16 ngư dân đã liên lạc với tàu ông Thạnh nhờ ứng cứu. Tuy nhiên, đến nay, con tàu vẫn chưa được tìm thấy.
Mỹ đẩy mạnh hiện diện
Sáng qua (giờ VN), tại Thượng viện Mỹ đã diễn ra phiên điều trần của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel về an ninh biển tại Đông Á. Báo mạng Washington Free Bacon dẫn lời ông Shear, cựu Đại sứ Mỹ tại VN, nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang có hành động để bảo vệ các lợi ích quốc gia tại Biển Đông”. Theo ông, các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc tại Trường Sa có thể giúp nước này quân sự hóa vùng chiếm đóng.
Trợ lý Bộ trưởng Shear cho biết để ứng phó tình hình an ninh mới, Lầu Năm Góc đang nâng cấp quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Úc, tăng cường các đợt triển khai tàu chiến và các khí tài quân sự khác đến châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Mỹ cũng sẽ tăng các chuyến thăm cảng, các chuyến bay trinh sát và hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh, đối tác, hỗ trợ họ về cả quân sự và tình báo.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Russel nhận định hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc không có ích gì cho tuyên bố chủ quyền của nước này mà chỉ gây thêm căng thẳng, vi phạm DOC cũng như phá hoại môi trường. “Dù có đổ bao nhiêu cát lên bãi đá ngầm ở Biển Đông, anh cũng không thể nào “nặn ra” chủ quyền”, theo ông Russel.
Nội các Nhật thông qua dự luật an ninh mới
Theo tờ The Japan Times ngày 14.5, nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thông qua 2 dự luật an ninh để chuẩn bị trình quốc hội. Nội dung dự luật cho phép Lực lượng phòng vệ nước này mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ trong trường hợp an ninh Nhật bị đe dọa, tham gia các chiến dịch giữ gìn hòa bình của LHQ hoặc khi các nước thân thiện với Nhật bị tấn công hay đe dọa.
Dự kiến 2 dự luật này sẽ dễ dàng được quốc hội thông qua do các đảng trong liên minh cầm quyền đang chiếm đa số. Theo giới quan sát, việc Nhật mở rộng vai trò an ninh là nhằm đối phó các biến động trong khu vực liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước đó, trong buổi điều trần tại thượng viện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định việc bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Cùng ngày, Trung Quốc và Hàn Quốc đều bày tỏ quan ngại về việc dự luật an ninh mới của Nhật.
Vinh Sơn

Lê Quân – Thụy Miên