24/01/2025

Nông sản mất chất, mất giá

Gạo, cà phê, thủy sản là 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đưa VN vào vị trí thứ 2 – 3 các nhà xuất khẩu lớn của thế giới….

 

Nông sản mất chất, mất giá

 

 

Gạo, cà phê, thủy sản là 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đưa VN vào vị trí thứ 2 – 3 các nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Thế nhưng, tại hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm VN 2015 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP.HCM hôm qua, nhiều chuyên gia kinh tế, thương mại trong và ngoài nước tỏ ra lo ngại cho vị trí “top 3” của hàng nông sản Việt trên thị trường thế giới bởi giá trị gia tăng quá thấp so với tốc độ phát triển và nhu cầu thế giới.


 

 

Đầu tư chế biến hiện đại là con đường sống còn cho nông sản Việt Đầu tư chế biến hiện đại là con đường sống còn cho nông sản Việt – Ảnh: D.Đ.M

Nông sản nào cũng xuất rẻ

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Phạm Minh Đức, nhận xét: “Quy mô sản xuất nông nghiệp của VN quá nhỏ, manh mún hơn nhiều so với các quốc gia lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng. 70% nhà nông VN đang canh tác trồng lúa trên khuôn viên đất có diện tích dưới 0,5 ha. Đánh bắt, sản xuất chế biến thủy sản đang đạt 30% công suất. Cà phê lại trồng theo hộ gia đình quy mô nhỏ từ 2 – 5 ha và chủ yếu xuất thô. Cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên toàn cầu còn rất lớn, song cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu đang giảm dần”. Một chuyên gia đến từ Ý cũng cho rằng: “Tiềm năng hàng nông sản Việt rất lớn, nhưng ý tưởng nâng cao giá trị nông sản bằng công nghệ, phát triển tối ưu nguồn nhân lực dồi dào tại VN lại đang bị ngủ quên. Đó là mấu chốt khiến quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhưng giá trị mang về lại thấp”.

 
 

Hơn 64% số điểm giết mổ chưa được kiểm soát

 

Chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thức ăn chăn nuôi chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo phải kiểm tra ngay “ở đâu có hiện tượng qua mỗi tỉnh phải đóng phí kiểm dịch”, vì Bộ không hề có quy định nào như vậy. Doanh nghiệp chỉ cần đóng phí kiểm dịch một lần ở nơi cấp phép và đi đến tận nơi xuất khẩu, nếu có hiện tượng này phải kiểm tra và sửa ngay. Về các thủ tục giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp có hàng bị trả về, Cục Thú y hứa sẽ rà soát lại và có văn bản quy định rõ ràng cụ thể hơn.

 

Cùng ngày, Cục Thú y cũng tổ chức hội nghị quản lý giết mổ vận chuyển gia súc, gia cầm. Theo số liệu của cơ quan này, cả nước có 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ tại các chợ không có điểm thu gom chất thải gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết nằm ngoài kiểm soát. Hiện chỉ có khoảng 12.392 điểm giết mổ được kiểm soát của thú y.

Quang Thuần

 

Hoàn toàn đồng ý với các chuyên gia kinh tế về tình trạng sản xuất manh mún, chất lượng sản phẩm chưa cao và thiếu ổn định, trở thành như “căn bệnh trầm kha” khi nói về nông sản Việt, ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) thông tin thêm: Cà phê nhân (robusta) VN vốn được đánh giá cao về chất lượng tự nhiên, song sản phẩm xuất khẩu chỉ có 17% loại 1, chiếm trên 20% sản lượng thế giới nhưng chỉ đạt 3% giá trị giao dịch. Chè đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 giá bán. Gạo Việt luôn bán với giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái. Sản lượng cá tra VN chiếm 90% thị phần thế giới nhưng giá cá tra VN bán thấp hơn giá cá tra Thái từ 20 – 30%…

Ông Đô cũng cho biết, ngành cà phê hiện đang sơ chế thủ công, công nghệ lạc hậu chiếm trên 80%. Ngành chè thì nhiều nhà máy đang sử dụng công nghệ quá cũ của Liên Xô cũ và Trung Quốc. Ngành chế biến nhân điều vẫn sản xuất thủ công là chính. Về gạo, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, chúng ta đang gặp khó về chế biến mà cụ thể là năng lực công nghệ. “Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có dây chuyền đánh bóng gạo, không có xay xát. Trang thiết bị cho các khâu đóng bao, bốc xếp, vận chuyển hầu như không có, chủ yếu làm bằng thủ công khiến năng suất thấp”, bà Chi cho hay.

Chất lượng mới là mấu chốt

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Minh Đức, xu hướng thế giới cũng không còn chuộng tăng về số lượng mà là chất lượng. Chỉ có chất lượng mới cứu và đưa nông sản Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu được. Vì vậy, phải hiện đại hóa khâu chế biến để tạo cơ hội thay đổi hạt gạo Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Số liệu nghiên cứu từ WB đưa ra cho thấy, nếu chú trọng nghiêm ngặt khâu nguyên liệu từ cây giống, trồng và bảo quản sau thu hoạch, giá trị gia tăng của nông sản Việt sẽ tăng từ 20 – 50% giá trị. Tương tự, hiện đại khâu xay xát, hạn chế tối đa hạt bị vỡ, đánh bóng… sẽ tăng giá trị sản phẩm từ 10 – 150%. Ngoài ra, khâu đóng gói, vận chuyển, phân phối nếu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tốt, mức giá trị gia tăng sẽ tăng từ 20 – 40% giá trị.

Ông Đức cũng khuyến cáo với ngành gạo, nên từ bỏ thói quen hợp đồng mua bán gạo được ký kết từ Chính phủ mà phải được thực hiện từ nhà nông liên kết với các nhà bán lẻ tại các thị trường lớn, nhà chế biến xay xát hiện đại, tạo những dòng sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, được đóng gói nhỏ nhưng đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng. “Với cách làm này, lợi nhuận có thể chia sẻ cho nhiều nhà từ chế biến đến bán lẻ, nhưng hàng Việt có thương hiệu và đơn giá sản phẩm chắc chắn sẽ cao hơn và phản ánh đúng chất lượng sản phẩm hơn là bán đổ bán tháo ồ ạt với giá rẻ như cách chúng ta đang làm với hạt gạo, hạt cà phê…”, ông Đức phân tích.

Từ góc nhìn khác, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE), cho rằng cà phê VN hay bị đánh đồng chất lượng kém nhưng không phải tất cả. Chúng ta đang thiếu chuẩn hoá chất lượng cà phê khiến sản phẩm bị “mang tiếng” và điều này chỉ thiệt cho người Việt, có lợi cho nhà nhập khẩu. “3,5 tỉ USD thu về từ xuất khẩu cà phê, thị trường châu Âu chiếm phân nửa. Đây là vấn đề lớn mang tầm quốc gia, không chỉ vài ba doanh nghiệp làm được. Từ đó, nhà nước cùng với doanh nghiệp cải tiến mạnh khâu chế biến, nâng chất sản phẩm lên. VN thừa khả năng làm được và đây là thời điểm chúng ta phải bắt tay làm ngay, không thể ậm ừ mãi bài ca chất lượng kém, chế biến lạc hậu nữa”, ông Hải chia sẻ.

Chưa xong dưa hấu, hành tím lại lo vải   

Đó là nỗi lo được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững do Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tổ chức chiều qua 14.5. Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 488 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Rau quả VN đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả VN. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, trong 4 tháng đã bộc lộ những bất cập trong công tác điều hành, xúc tiến thương mại khiến cho một số mặt hàng mang tính thời vụ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, gây tồn đọng lớn. Đơn cử như hành tím giá thu mua sụt giảm từ 20.000 đồng/kg chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg; dưa hấu cao điểm nhất vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 lượng xe dồn lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng  Sơn) khoảng 500 – 600 xe/ngày trong khi sức giải toả tối đa phía Trung Quốc chỉ có thể đáp ứng được 1/2 con số trên. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá dưa hấu sụt giảm mạnh còn 2.600 – 3.000 đồng/kg gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Ánh, Phó chủ tịch Hội Rau quả VN lo ngại tình hình này sẽ còn tái diễn khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến mùa vải. Ông Ánh kiến nghị: “Muốn phát triển bền vững, Chính phủ và các bộ ngành phải chú trọng đến khâu tiêu thụ. Các cơ quan quản lý nên xem các doanh nghiệp chế biến rau quả và làm công tác lưu thông rau quả là một chuỗi mắt xích trong quá trình sản xuất. Hãy dành cho doanh nghiệp những ưu đãi như: giảm chi phí lưu thông, giảm VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Miễn thuế hoặc giảm thuế cho những doanh nghiệp lưu thông chính là hỗ trợ cho nông dân”. Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang đề nghị nhà nước hỗ trợ đầu tư công nghệ bảo quản, xây dựng trung tâm sơ chế, trung chuyển, bảo quản rau quả tránh hiện tượng đến mùa lại bị thương lái ép giá.

 Thu Hằng

 

Nguyên Nga