24/01/2025

Góc nhìn khác về Sự kiện năm 1915

Lời toà soạn: Những tranh cãi xung quanh thảm kịch của người Armenia vào năm 1915 vẫn kéo dài đến tận ngày nay. Một số quốc gia lên án đó là thảm hoạ diệt chủng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kế thừa trực tiếp của Đế chế Ottoman, cực lực bác bỏ điều này.

 

Góc nhìn khác về Sự kiện năm 1915

 

 

Lời toà soạn: Những tranh cãi xung quanh thảm kịch của người Armenia vào năm 1915 vẫn kéo dài đến tận ngày nay. Một số quốc gia lên án đó là thảm hoạ diệt chủng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kế thừa trực tiếp của Đế chế Ottoman, cực lực bác bỏ điều này.


 

 

Lãnh đạo các cộng đồng người Hồi giáo, Armenia và Hy Lạp trong lễ tuyên bố Hiến pháp Ottoman năm 1908 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ KỳLãnh đạo các cộng đồng người Hồi giáo, Armenia và Hy Lạp trong lễ tuyên bố Hiến pháp Ottoman năm 1908 – Ảnh: Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ
Để độc giả có thêm cái nhìn về những sự kiện xảy ra năm 1915, Thanh Niên giới thiệu bài viết của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại VN Ahmet Akif Oktay.
Có một số thực tế cơ bản mà các tuyên truyền viên người Armenia và những người ủng hộ họ ở một số nước phương Tây có thể đã “quên” và không muốn dư luận thế giới biết tới. Một trong số đó là chưa bao giờ có hận thù chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo đối với người Armenia trong Đế chế Ottoman, điều kiện cần thiết gây nên hoạ diệt chủng.
Bi kịch hai chiều
Trong nhiều thế kỷ, người Armenia là một thiểu số đặc quyền được hưởng cuộc sống thịnh vượng dưới thời Đế chế Ottoman. Họ có đại diện trong chính quyền Ottoman với rất nhiều bộ trưởng, thành viên quốc hội, đại sứ và hàng ngàn người làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 trở đi, người dân Armenia bị thao túng bởi các thế lực đế quốc hòng gây mất ổn định, làm suy yếu và chia cắt Đế chế Ottoman.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, hàng chục ngàn phiến quân Armenia được vũ trang, những công dân Ottoman này bị Sa hoàng lừa dối, đã phản bội đất nước, gia nhập các lực lượng của kẻ thù và bắt đầu chiến đấu chống lại chính quân đội của mình.
Chỉ riêng trong hai năm 1915 – 1916, tổng cộng có 122.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd Hồi giáo đã bị người Armenia sát hại (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi không có khả năng tự vệ vì đàn ông đã được tuyển vào quân đội). Mục tiêu của chiến dịch là xoá sạch chủng tộc phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, để họ có thể thiết lập một nước Armenia lớn hơn. Vì mục đích này, các nhóm khủng bố người Armenia cũng đã tấn công quân đội Ottoman từ phía sau lưng và phá huỷ đường sá, cầu cống và các nguồn cung ứng của quân đội.
Trên thực tế, những vụ thảm sát người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd của Armenia và những nỗ lực chống phá quân đội Ottoman đã bắt đầu từ lâu, trước khi chính phủ Ottoman quyết định di dời người dân Armenia khỏi vùng chiến tranh ngày 30.5.1915. Nói cách khác, chính phủ Ottoman đã buộc phải tiến hành quyết định di dời vừa để ngăn chặn sự việc đã diễn ra là người Armenia thảm sát người Hồi giáo và cũng vì sự cần thiết về quân sự tại thời điểm khi cuộc chiến tranh tổng lực tại nhiều mặt trận đang diễn ra.
Trái với những tuyên bố của Armenia, chính phủ Ottoman không bao giờ ra lệnh thảm sát người Armenia. Đơn giản là ý định đó không hề tồn tại. Diệt chủng là một thuật ngữ pháp lý mang tính chính xác và hạn hẹp, chỉ có thể được áp dụng cho một trường hợp cụ thể, khi có quyết định của một toà án trong nước hoặc quốc tế có thẩm quyền. Không hề có quyết định nào của tòa án như vậy liên quan đến các Sự kiện năm 1915. Nước Anh, vốn chiếm đóng Istanbul từ năm 1918 – 1923, đã truy cập đầy đủ hồ sơ lưu trữ của Ottoman và đưa ra xét xử 144 người bị tình nghi phạm tội ác giết người hàng loạt chống lại người Armenia. Tuy nhiên, cả Anh và Mỹ, những nước đã có nhiều lãnh sự quán và các nhà truyền giáo Cơ đốc hoạt động thời Đế chế Ottoman, không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy một chiến dịch giết người hàng loạt đã được chính phủ Ottoman cố tình lên kế hoạch và thực hiện.
Vào đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, tổng số dân Armenia trong Đế chế Ottoman chỉ là 1,3 triệu người. Khoảng một nửa trong số này sống trong vùng chiến tranh đã được chuyển đến các tỉnh phía nam của Đế chế Ottoman. Đây không phải là sa mạc mà là vùng định cư, nơi tất cả các nhu cầu cơ bản của người Armenia đều được đáp ứng. Đại đa số đã tới đích một cách an toàn và sau đó di cư sang các nước khác, để tạo thành phần lớn cộng đồng người Armenia ngày nay.
Giải mã lịch sử
Không ai có thể phủ nhận điều đáng tiếc là một số người Armenia đã thiệt mạng trong khi di dời do điều kiện thời chiến tàn khốc, dịch bệnh, đói kém và cũng bởi các cuộc tấn công của các bộ lạc địa phương trả thù những đoàn xe của Armenia. Tuy nhiên, một phép tính đơn giản cho thấy con số thực những người Armenia thiệt mạng trong khi di dời thấp hơn nhiều so với số liệu mà hệ thống tuyên truyền Armenia cố tình phóng đại. Do đó, tuyên bố rằng 1,5 triệu người Armenia đã bị thảm sát vào năm 1915 là vô căn cứ và hoàn toàn sai trái.
Vào năm 2005, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Armenia thành lập Uỷ ban Lịch sử Hỗn hợp để nghiên cứu các Sự kiện năm 1915 một cách khách quan với sự tham gia của bên thứ ba, như một bước tiến tới bình thường hoá quan hệ song phương. Chúng tôi cũng đề nghị tài liệu lưu trữ của tất cả các bên liên quan, bao gồm của cả quân đội, nên được công khai đầy đủ. Cho đến nay Armenia đã không chấp nhận đề nghị này.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, cần phải nhấn mạnh rằng người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh chịu vô vàn đau khổ trước, trong và sau các Sự kiện năm 1915. Không chỉ người dân Armenia mà còn hàng trăm ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã bị người Armenia tàn sát. Họ xứng đáng được ghi nhớ và tưởng niệm. Chỉ khi áp dụng một cách tiếp cận cân bằng và hợp lý như vậy, chúng ta mới có thể nhìn nhận các Sự kiện năm 1915 với một góc nhìn thích hợp.

Ahmet Akif Oktay 
(Đại sứ Cộng hoàThổ Nhĩ Kỳ tại VN)