12/01/2025

Ùn ứ hàng hoá ở cảng lớn nhất nước

Lượng hàng hoá, nhất là hàng nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái (TP.HCM) – cảng lớn nhất nước, bị ùn ứ sau kỳ nghỉ lễ 30.4 khiến lưu lượng vận chuyển tăng đột biến ở các trục giao thông ra, vào cảng những ngày qua.

 

Ùn ứ hàng hoá ở cảng lớn nhất nước

 

Lượng hàng hoá, nhất là hàng nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái (TP.HCM) – cảng lớn nhất nước, bị ùn ứ sau kỳ nghỉ lễ 30.4 khiến lưu lượng vận chuyển tăng đột biến ở các trục giao thông ra, vào cảng những ngày qua.


 

Kẹt xe nghiêm trọng các trục đường ra vào cảng, cao điểm vào ngày 9.5 vừa qua	- Ảnh: Nguyễn Quế AnKẹt xe nghiêm trọng các trục đường ra vào cảng, cao điểm vào ngày 9.5 vừa qua – Ảnh: Nguyễn Quế An
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.5, ông Phan Minh Lê, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan cảng Cát Lái), cho biết sau 6 ngày lễ vừa qua, lượng hàng hoá mở tờ khai tăng lên đột biến, có ngày tăng gấp đôi thời điểm bình thường. Phía hải quan đã cố gắng làm thêm giờ để giải quyết thủ tục thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp (DN), nhưng khi hàng hoá vận chuyển ra ngoài thì đường sá chật hẹp dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng chưa từng có.

 
Mất 6 giờ để đi 7 km
Cao điểm là ngày 9.5 vừa qua đã xảy ra tình trạng kẹt xe cả ngày tại cửa ngõ TP.HCM. Từ lúc 3 giờ đến 14 giờ cùng ngày, hàng nghìn xe container, xe tải… chen chúc nhau nối dài hơn 10 km từ xa lộ Hà Nội qua đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định ra đến cảng Cát Lái, Q.2. Một tài xế tên Phú cho biết hôm đó anh phải mất hơn 6 giờ để đi từ xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái, chỉ khoảng 7 km. Những xe có nhu cầu đi vào cảng buộc phải đi vòng theo xa lộ Hà Nội, quay đầu tại trạm thu phí cũ để vào hướng Cát Lái. Lực lượng chức năng phải phong toả cầu vượt tại ngã ba Cát Lái do lo ngại quá nhiều xe container chở hàng nằm lì trên cầu sẽ đe doạ an toàn giao thông. Nhiều tài xế cho xe ngược lại xa lộ Hà Nội phía Q.9 để vòng qua hướng Nguyễn Duy Trinh ra cảng Cát Lái.
Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái những ngày vừa qua do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, thời gian nghỉ lễ dài, hàng hoá xếp trong cảng dồn ứ, nhất là lượng hàng nhập tăng đột biến. “Do lịch nghỉ lễ của mình kéo dài quá, trong khi các hãng tàu vẫn vào cảng, lượng hàng nhập đó không có người lấy đi vì các khu công nghiệp, doanh nghiệp đều nghỉ lễ. Hàng dồn ứ không còn chỗ để xếp, phải xếp tăng chiều cao hoặc tận dụng những khoảng trống ở chỗ khác để xếp mà hệ thống phần mềm của cảng không cập nhật được vị trí đó, nên phải làm thủ công. Do đó, sau lễ, khi lấy hàng, việc tra cứu hàng hoá trên máy tính cũng bị chậm. Hơn nữa, các chủ hàng người lấy trước, người lấy sau nên bộ phận cơ giới của cảng phải đảo chuyển hàng hoá, tốn nhiều thời gian hơn lúc bình thường, có khi mất cả ngày mới tìm thấy container cần tìm, trong khi bình thường chỉ mất khoảng 10 phút là lấy xong”, ông Trung phân tích.
Nguyên nhân thứ hai là sau khi đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào khai thác, lượng xe lưu thông qua khu vực vòng xoay cầu Mỹ Thủy tăng lên rất nhiều, tạo thêm áp lực giao thông lên khu vực này. Một khi đã xảy ra ùn ứ xe ở vòng xoay cầu Mỹ Thuỷ sẽ dẫn đến ùn xe dây chuyền ra các trục đường chính trong khu vực, đến xa lộ Hà Nội. Ngoài ra, tình trạng xe lấy hàng ra khỏi cảng rồi sang hàng, dồn hàng vào xe khác cũng tăng thêm lượng xe quay vòng ở khu vực cảng, tăng thêm áp lực giao thông trên đường.
Cải tạo đường, quy hoạch lại cảng
Lúc 14 giờ ngày 13.5, chúng tôi đi thực tế tuyến đường ra vào cảng Cát Lái là Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. Dù không phải giờ cao điểm, lượng xe vào cảng lấy hàng không quá nhiều nhưng tốc độ di chuyển của các phương tiện khá chậm do mặt đường Đồng Văn Cống, nhất là đoạn từ vòng xoay cầu Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái quá xấu, lún theo vệt bánh xe nên xe di chuyển rất khó khăn. Mặt khác, đường Đồng Văn Cống chỉ có 2 làn ô tô chen nhau, khoảng cách giữa 2 xe trên 2 làn sát nhau, chỉ cần một ô tô chết máy giữa đường (và thực tế này xảy ra thường xuyên) là dẫn đến cảnh hàng trăm container, ô tô du lịch, xe tải… kẹt dính chùm kéo dài hàng chục km các tuyến đường ra vào cảng.
Ông Lương Hoàng Trung cho rằng để không còn tình trạng ùn ứ xe ra vào cảng Cát Lái, cần cải tạo nút giao thông cầu Mỹ Thuỷ, đồng thời phải sớm hoàn thành đường Vành đai 2. Nếu không, tình trạng ùn tắc không chỉ còn tiếp tục xảy ra ở các trục giao thông khu vực cảng Cát Lái, mà còn lan ra đến những nơi khác như xa lộ Hà Nội.
Còn theo ông Phan Minh Lê, tình trạng chung của cảng Cát Lái hiện nay là hàng hóa tập trung quá nhiều, chỉ cần lượng hàng hoá tăng nhẹ là tại cảng xảy ra quá tải, trong khi các cảng khác trong khu vực thì lại rất vắng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề này. “Thực tế là Tổng công ty Tân Cảng (chủ cảng Cát Lái) đã khai thác cảng này quá tốt nên hàng hoá tập trung về đây”, ông Trung nói.
Năm 2014, trước thực trạng ùn tắc gia tăng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã vào cảng Cát Lái làm việc để tìm giải pháp, trong đó có đề nghị chia sẻ lượng hàng hoá vào làm thủ tục giữa các cảng. Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Thăng với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín tháng 4 vừa qua, về tăng cường kết nối cảng biển khu vực TP.HCM nhằm xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía đông bắc TP và các tỉnh lân cận, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng thuỷ nội địa; đồng thời sớm phê duyệt dự án xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM. Ông Tín đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư dự án ưu tiên triển khai thi công trước các phân đoạn thuộc địa bàn TP nhằm tạo điều kiện cho các loại xe từ cảng Cát Lái lưu thông theo lộ trình phù hợp, tránh lưu thông qua khu vực nội đô TP.
Tăng đột biến
Theo ông Phan Minh Lê, trong dịp lễ 30.4 vừa qua, mặc dù không có chỉ đạo làm việc trong những ngày nghỉ lễ, nhưng hải quan vẫn bố trí người để giải quyết thủ tục cho DN ở cảng Cát Lái. Tuy nhiên, có rất ít DN đến làm thủ tục, chỉ có 5 – 6 DN do đã đăng ký trước nên đến làm thủ tục trong ngày đầu, những ngày sau không có DN đến làm việc.
Cũng theo ông Lê, trong thời điểm bình thường từ ngày 13 – 18.4, trung bình một ngày tại cảng Cát Lái có 925 tờ khai hàng nhập khẩu, số lượng tờ khai được giải quyết trung bình là 751 tờ khai/ngày. Đến những ngày gần lễ từ 20 – 28.4, lượng tờ khai có tăng lên, khoảng 1.153 tờ khai/ngày, hải quan giải quyết thủ tục được 916 tờ khai/ngày. Thế nhưng sau nghỉ lễ, ngày 4.5 lượng tờ khai tăng đột ngột, lên đến 2.500 tờ khai hàng nhập, hải quan giải quyết được 1.703 tờ khai. Ngày 5.5 là 1.699 tờ khai, hải quan giải quyết được 1.509; ngày 6.5 có 1.532 tờ khai, hải quan giải quyết 964 và 7.5 có 1.431 tờ khai, hải quan giải quyết 881… Hiện trung bình tại cảng có khoảng 1.200 tờ khai mỗi ngày và hải quan giải quyết khoảng 800 tờ khai.

Mai Vọng – Đình Mười