Quân đội Mỹ doạ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang cân nhắc điều máy bay và tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp tại quần đảo Trường Sa để thách thức các tuyên bố chủ quyền hung hăng của nước này tại Biển Đông, báo The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 13.5 cho biết.
Quân đội Mỹ doạ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang cân nhắc điều máy bay và tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp tại quần đảo Trường Sa để thách thức các tuyên bố chủ quyền hung hăng của nước này tại Biển Đông, báo The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 13.5 cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã yêu cầu thuộc cấp phác thảo phương án cho máy bay trinh sát của hải quân bay tuần trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo này cách 12 hải lý (22 km), theo nguồn tin của The Wall Street Journal.
Tờ báo Mỹ bình luận rằng động thái này của Mỹ sẽ thách thức trực tiếp đến nỗ lực của Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông thông qua việc mở rộng thêm lãnh thổ bằng các đảo nhân tạo xây phi pháp.
“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để thể hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển đóng vai trò tối quan trọng đối với giao thương toàn cầu”, vị quan chức giấu tên của Mỹ nói với The Wall Street Journal. Ông này cũng nói thêm rằng đề xuất này đang chờ được Nhà Trắng phê duyệt.
Nếu được thông qua, động thái này của Lầu Năm Góc sẽ là một thông điệp cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không tán thành các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối các hòn đảo nhân tạo tại khu vực này, The Wall Street Journal bình luận.
Mỹ từng cho biết không công nhận các đảo nhân tạo là lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ quân đội Mỹ mà The Wall Street Journal có được, Hải quân Mỹ cho đến nay chưa từng gửi máy bay hay tàu chiến đến vị trí cách các bãi đá mà Trung Quốc đang bồi đắp khoảng 12 hải lý nhằm tránh leo thang căng thẳng.
The Wall Street Journal nhận định nếu Mỹ dùng tàu chiến hoặc máy bay hải quân để thánh thức các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn không lùi bước, căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang và cả hai phía đều chịu áp lực phải phô trương sức mạnh quân sự tại vùng biển tranh chấp.
Reuters cho biết Lầu Năm Góc và Nhà Trắng vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên.
Ông Zhu Haiquan, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ngang ngược cho biết Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận và còn trắng trợn khẳng định hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc là “hợp tình, hợp lý và hợp pháp”.
Việc Mỹ điều tàu chiến và máy bay quân sự áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ là động thái phù hợp với các chiến dịch bảo vệ “quyền tự do hàng hải” của quân đội Mỹ, như đã từng tiến hành hồi năm 2014 để thách thức tuyên bố chủ quyền biển đảo của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Trung Quốc từng bị Nhật Bản và Mỹ lên án gay gắt hồi năm 2013 khi tự ý thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Lúc đó Mỹ đáp trả bằng việc cho máy bay ném bom B-52 bay qua vùng ADIZ này.
Hạm đội 7 Mỹ phô trương sức mạnh ở Biển Đông Từ ngày 10.5, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hạm đội 7 Mỹ cùng Hải quân Malaysia tập trận chung trên Biển Đông. Còn tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth gia tăng tuần tiễu ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa. Theo trang tin Hải quân Mỹ, ngày 11.5, tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) đã tiến hành các chuyến tuần tra thường lệ trên hải phận quốc tế ở Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa. Một tàu hộ vệ mang tên lửa của Trung Quốc là chiếc Yancheng (FFG 546) cũng thường xuyên đeo bám gần tàu Fort Worth. Trước đó, ngày 10.5, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson cùng Không đoàn tàu sân bay số 17, hải đội khu trục hạm số 1 thuộc Hạm đội 7 Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Malaysia trên Biển Đông. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm hợp tác an ninh và huấn luyện. Trong khuôn khổ cuộc tập trận này có thực tập chụp ảnh, tác xạ pháo 5 inch, không chiến, huấn luyện dò sóng âm (chống ngầm). |
Hoàng Uy