11/01/2025

Nợ xấu vẫn tăng

Thống kê của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy con số nợ xấu không những không giảm mà đang tăng lên ở mức 5,53 vào cuối tháng 3.

 

Nợ xấu vẫn tăng

 

Thống kê của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy con số nợ xấu không những không giảm mà đang tăng lên ở mức 5,53 vào cuối tháng 3.



 

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng lãi suất cho vay trung - dài hạn vẫn ở mức 11%/năm là quá cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: T.T.D.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng lãi suất cho vay trung – dài hạn vẫn ở mức 11%/năm là quá cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – Ảnh: T.T.D.

Ngân hàng (NH) Nhà nước yêu cầu các NH phải đưa nợ xấu về mức 3 vào tháng 9-2015, nhưng thống kê của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy con số nợ xấu không những không giảm mà đang tăng lên ở mức 5,53 vào cuối tháng 3.

Thông tin này đưa ra trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với NH Nhà nước TP.HCM chiều 12-5 khiến nhiều đại biểu lo lắng mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% khó thành hiện thực.

Gian nan xử lý nợ xấu

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, đề nghị NH Nhà nước TP giải thích rõ nợ xấu tăng từ đâu, nguyên nhân là gì, phải chăng là nợ xấu mới phát sinh do hết thời gian chuyển nhóm nợ?

Bà Trương Thị Ánh, đại biểu Quốc hội TP.HCM, nói mục tiêu của NH Nhà nước đưa nợ xấu về mức 3% vào tháng 9 trong khi hiện nay nợ xấu lại lên 5,53%. Liệu với các giải pháp hiện nay có đạt được mục tiêu thống đốc đưa ra.

“Có cơ sở gì để tin rằng tháng 9 nợ xấu xuống 3%?” – phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch đặt câu hỏi. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng: “Có cảm giác giải pháp xử lý nợ xấu có vấn đề, chưa cho thấy có lối ra mà “chôn lấp” tạm thời, từ chỗ này chuyển qua chỗ khác, rất đáng lo ngại”.

Ông Tô Duy Lâm, giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, giải thích nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh thêm gần đây là do áp dụng chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu và quy định phải tham chiếu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần có một khoản nợ bị xếp vào nợ xấu thì những khoản nợ còn lại cũng tự động bị xếp vào danh sách nợ xấu.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết nợ xấu tăng còn do một số NH hoạt động yếu kém, bị sáp nhập tạo ra nợ xấu lớn, chưa kể thời gian qua xảy ra một số đại án lớn.

“Những khoản nợ này trước đây chưa bị xếp vào nợ xấu, nay xử lý án nên bị đưa vào danh sách nợ xấu. Theo thống kê, hai yếu tố trên khiến nợ xấu trên địa bàn tăng thêm hơn 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, một lý do khách quan khác là những năm qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ dừng hoạt động cũng làm nợ xấu tăng lên” – ông Minh nói.

Ông Lê Thành Trung, phó tổng giám đốc HDBank, nói muốn giải quyết nợ xấu cần cái nhìn tổng quan để tìm giải pháp gỡ chứ không thể tập trung một khía cạnh NH.

“Các NH đã bán nợ cho VAMC, tạm thời làm sạch bảng cân đối đồng thời thắt lưng buộc bụng, bớt ăn tiêu để xử lý nợ xấu. Nhưng không phải bán cho VAMC là xong mà phải làm sao giải quyết cục nợ này. Đó vẫn là gánh nặng đeo trên vai NH” – ông Trung nói.

Lãi suất có thật sự giảm?

Ông Trần Du Lịch cho biết theo báo cáo của NH Nhà nước TP.HCM, lãi suất (LS) cho vay trung – dài hạn đang ở mức 11%/năm, bằng với năm trước. “Thế nhưng thời gian qua các NH nói LS trung – dài hạn đã giảm 1-1,5%/năm. Như vậy LS có giảm thật không?” – ông Lịch đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Lịch, dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 3% mà doanh nghiệp phải trả LS trung – dài hạn 11%/năm là quá bất hợp lý. “Tôi gặp doanh nghiệp, họ không dám vay LS trung hạn, trong khi mục tiêu là muốn dùng LS trung – dài hạn tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp đầu tư trung hạn. Cần nói rõ vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?” – ông Lịch nói.

Cũng theo ông Lịch, thống kê của NH Nhà nước TP cho biết có 80% vốn vay đi vào sản xuất kinh doanh nhưng khi đoàn đại biểu Quốc hội đi làm việc với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn, họ nói không phải như vậy.

“NH nói vốn vô sản xuất nhưng khi tôi gặp các doanh nghiệp, họ nói tăng tín dụng không nhiều. Họ cũng nói vốn từ NH bơm cho các dự án địa ốc, đặc biệt là các dự án cực lớn. Số này mới vay nhiều. Chúng tôi cần biết thế nào. Chủ đầu tư vay để phát triển dự án được xếp vào phi sản xuất hay sản xuất?” – ông Lịch nêu câu hỏi.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng cần phải giám sát chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản, tránh tái diễn tình trạng “bong bóng” của thị trường này.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến LS, đại diện NH Nhà nước cho rằng LS dài hạn 10 – 11%/năm rơi vào khoản cho vay phi sản xuất, còn LS cho vay trong chương trình kết nối NH – doanh nghiệp xoay quanh mức 9%/năm, LS cho vay tại các NH thương mại nhà nước 8 – 9%/năm.

Trong điều kiện hiện nay mức LS này chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều NH lại khẳng định tín dụng tăng lên thời gian qua chủ yếu cho vay với người có nhu cầu thực.

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, nói việc NH triển khai các gói nghìn tỉ cho vay bất động sản chủ yếu ưu đãi cho cá nhân mua theo nhu cầu sử dụng.

Ông Từ Tiến Phát – phó tổng giám đốc ACB – cũng cho biết trong 4,6% tăng tín dụng của ACB bốn tháng đầu năm có 40% là khách hàng cá nhân vay, 60% vào doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Ở mảng cá nhân bình quân khoản vay 800 triệu đồng. Như vậy chủ yếu là cá nhân vay mua nhà ở, không đi vào mảng đầu cơ” – ông Phát nói. 

Xử lý tài sản để thu nợ gặp khó

Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều NH cho biết việc xử lý tài sản để thu nợ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do các khoản nợ này xấu từ hồ sơ pháp lý đến giấy tờ cũng như quá trình giải ngân, dự án đang dang dở hoặc “da beo”, NH bán không được, ôm thì nặng bụng.

Muốn xử lý phải chấp nhận bơm thêm tiền nhưng làm theo cách này rất “hên xui”, nếu kết quả không tốt sẽ rủi ro rất lớn. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản gặp khó, sản xuất ra không bán được thời gian gần đây cũng làm phát sinh nợ xấu.

“Để tránh nợ xấu mới phát sinh phải hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, cần chung tay nhiều bộ ngành chứ không thể đổ hết lên vai NH” – giám đốc một NH nói.

ÁNH HỒNG