Không thể bán dưa hấu nhân đạo mãi
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định như thế khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2015 vào ngày 11-5.
Không thể bán dưa hấu nhân đạo mãi
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định như thế khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2015 vào ngày 11-5.
Nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng, đang rất cần một hệ thống phân phối chuyên nghệp thay vì vừa bán vừa kêu gọi “tình thương mến thương”. Ảnh: Khoa Nguyễn |
Ông Nguyễn Sinh Hùng – Ảnh: Việt Dũng |
Chúng ta còn lo cái nghèo chung, tức là cứ loay hoay mãi mức GDP bình quân 2.000 USD/người mà không lên được |
Ông Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày 11-5, trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết chưa bao giờ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lại khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, cảm thương với đời sống của nông dân nhưng nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng không thể vận động bán và ăn dưa hấu nhân đạo mãi được.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý 1 năm nay, không chỉ là chuyện dưa hấu như truyền thông đề cập mà là với tất cả mặt hàng.
“Trước đây Ấn Độ, Pakistan không xuất khẩu gạo, giờ họ đã xuất khẩu. Vừa rồi chúng tôi đặt vấn đề xuất khẩu gạo, nhưng thủ tướng Trung Quốc nói họ cũng đang dư thừa lương thực. Sở dĩ còn mua của VN vì giá gạo VN rẻ hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đặt điều kiện doanh nghiệp của họ muốn nhập khẩu 1.000 tấn gạo thì cũng phải tiêu thụ 1.000 tấn gạo trong nước” – ông Vinh cho biết.
Đâu chỉ chuyện dưa, hành
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bình luận nông dân đã quá ngán ngẩm với “điệp khúc được mùa rớt giá”.
Trong khi Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng vừa qua trước tình trạng dưa hấu, hành tím ế ẩm, các tổ chức xã hội đã vận động tiêu thụ cho bà con nhưng không thể cứ mãi làm việc này trong cơ chế thị trường được.
“Nông dân phải gắn với thị trường, chứ không thể cứ làm ra sản phẩm mà không biết bán cho ai. Đoàn thanh niên Bộ Công thương có vận động bán một vài xe dưa hấu cũng chỉ là tạm thời, gia đình tôi nhiệt tình mua dưa hấu nhưng mỗi bữa chỉ ăn được một quả chứ không ăn nhiều được” – ông Hiển nói.
Sốt ruột trước tình hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chậm chạp, chưa đem lại hiệu quả, ông Hiển than phiền nếu cứ tiếp tục như thế này thì thế mạnh của VN như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê… sẽ khó khăn, chứ chưa nói đến các mặt hàng khác.
“Chúng ta có nguy cơ thua trên sân nhà. VN đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), rồi chuẩn bị TPP, thị trường thay đổi rất nhiều nhưng giải pháp thế nào vẫn chưa rõ” – ông Hiển phân tích.
Đây cũng chính là băn khoăn của nhiều thành viên Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ cách nay ít ngày. Các đại biểu Trần Du Lịch, Cao Sỹ Kiêm, Nguyễn Ngọc Hoà đều lên tiếng cảnh báo nếu không kịp thời điều chỉnh trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật và yêu cầu nông dân sản xuất hàng hoá theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, cứ tiếp tục thả nổi để nông dân sản xuất hàng hoá theo phong trào, không kịp thời nghiên cứu và đưa ra khuyến cáo trước hiện tượng như việc trồng cây mắc ca vừa rồi thì nền nông nghiệp sẽ sớm gặp tai hoạ.
Ông Nguyễn Kim Khoa – Ảnh: Việt Dũng |
Nếu chúng ta cứ vẽ bức tranh đẹp quá, phản ánh không đúng tình hình, đến khi gặp vấn đề gì đó lại bất ngờ, đối phó không kịp |
Ông Nguyễn Kim Khoa |
“Chúng ta cứ vẽ bức tranh đẹp quá”
Vừa đi thực tế tại 17 tỉnh, ba quân khu trở về, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết “muốn đánh giá đúng tình hình phải xuống nông thôn xem đồng bào sống thế nào”. Ông Khoa cho rằng nếu cứ nhìn vào các con số trong báo cáo thì thường thấy “bức tranh đẹp”, nhưng đại biểu Quốc hội cần “bức tranh đúng”.
Kể chuyện về nhiều tỉnh thành thấy con số tăng trưởng GDP đều ở hai con số, ít ra cũng tăng 8-9%, khi đến Kiên Giang tỉnh này báo cáo tăng trưởng GDP 5% thấy lạ, hỏi lãnh đạo tỉnh thì họ trả lời muốn thống kê thật về con số tăng trưởng của tỉnh nhà.
“Hay là con số tăng trưởng, qua báo cáo thì thấy tăng trưởng của ta chủ yếu dựa vào công nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp của ta gặp rất nhiều khó khăn, số phá sản và làm ăn không có lãi lên đến hàng chục ngàn, xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Nếu chúng ta cứ vẽ bức tranh đẹp quá, phản ánh không đúng tình hình, đến khi gặp vấn đề gì đó lại bất ngờ, đối phó không kịp” – ông Khoa nêu.
Trước con số nêu trong báo cáo của Chính phủ là năm 2014 giảm 2% tỉ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải phân tích đúng thực chất. “Tình hình khó khăn như vậy mà giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, thu ngân sách vẫn cứ vượt kế hoạch” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý bình luận.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ ra tình trạng buồn mà ông thấy ở Tây nguyên là ngày càng xuất hiện nhiều “chợ lao động”, thanh niên không có việc làm nên cứ túm tụm lại chờ ai thuê gì làm nấy.
“Các đồng chí thử lấy lượng gạo Thủ tướng quyết định cứu đói hằng năm chia ra xem bao nhiêu hộ đang trong tình trạng phải chờ cứu” – ông Phước nêu ví dụ và cho rằng nếu áp dụng chuẩn nghèo đa diện như các nước thì tỉ lệ hộ nghèo của VN cao hơn nhiều chứ không phải là con số 10-11%.
“Nghèo ở đây không chỉ là nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đâu, mà chúng ta còn lo cái nghèo chung, tức là cứ loay hoay mãi mức GDP bình quân 2.000 USD/người mà không lên được” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội nhận xét: Báo cáo của Chính phủ vẫn giống giống như cũ, năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước, rồi con số thực hiện cao hơn con số báo cáo Quốc hội, chẳng khác gì bản thống kê.
“Báo cáo là phải chỉ ra những điểm lớn, những việc gì phải làm và từ nay đến cuối năm phải tập trung làm những việc gì. Ví dụ, việc tái cơ cấu tiến hành chậm thì phải tập trung vào tái cơ cấu. Nông nghiệp phải chuyển đổi để đưa khoa học vào, rồi đào tạo lao động ở nông thôn.
Công nghiệp phụ trợ suốt mấy năm qua Quốc hội đều đặt vấn đề, đã chất vấn, ra nghị quyết thì thử xem hiện nay thế nào. Rồi cổ phần hoá, như các đồng chí nói là Nhà nước cứ giữ tỉ lệ cổ phần lớn như vậy thì vẫn chi phối, làm ăn vẫn kém hiệu quả. Rồi chúng ta nói đến cơ cấu xuất nhập khẩu mất cân bằng giữa ta với ông anh láng giềng, bây giờ phải có giải pháp thế nào?” – ông Hùng đặt vấn đề.
Thi chuyên viên cao cấp mà “mù” kiến thức quản lý nhà nước Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu lĩnh vực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, hoạt động của bộ máy nhà nước là vấn đề rất quan trọng nhưng năm nào báo cáo cũng sơ sài. “Gần đây tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp thì thấy có những người là giám đốc, phó giám đốc sở, vụ trưởng, phó chủ tịch tỉnh không viết được gì trong bài thi, còn thi vấn đáp hỏi về kiến thức quản lý nhà nước thì không trả lời được” – ông Quyền cho biết. Ông bình luận rằng những vị này mà có lòng tự trọng thì lẽ ra không nên đi thi. |