10/01/2025

“Đỏ mắt” tìm lao động

Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động, đặc biệt lao động kỹ thuật cao và quản lý. Người tìm việc lại bị chê thiếu nhiều kỹ năng thực tế.

“Đỏ mắt” tìm lao động 

 

 Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động, đặc biệt lao động kỹ thuật cao và quản lý. Người tìm việc lại bị chê thiếu nhiều kỹ năng thực tế. 



Nghịch lý này đang tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Vĩnh Lợi tổ chức lớp may công nghiệp để những lao động này làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc – Ảnh: Chí Quốc

Vì sao có nghịch lý này?

Du lịch: khó tìm quản lý

Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2013 đến nay, tình trạng thiếu thốn lao động có tay nghề luôn xảy ra ở ngành du lịch, đặc biệt là tại đảo Phú Quốc. Theo ước tính, đến cuối năm 2015 Phú Quốc sẽ có trên 3.300 phòng lưu trú, tương ứng với số lao động tối thiểu phải khoảng 7.000 người. Thế nhưng đến thời điểm này, đảo Phú Quốc mới chỉ tuyển dụng và đào tạo được trên 2.000 lao động cho lĩnh vực du lịch.

Ông Phùng Xuân Mai, tổng giám đốc điều hành resort 4 sao Sài Gòn – Phú Quốc, cho biết: vì là một trong những doanh nghiệp dịch vụ khách sạn hoạt động sớm nhất trên đảo Phú Quốc nên doanh nghiệp ông vô tình trở thành “lò” cung cấp nhân lực cho các resort, khách sạn ra sau.

Tính đến nay, Sài Gòn – Phú Quốc đã có 18 nhân sự quản lý trung, cao cấp chuyển sang doanh nghiệp khác.

“Mỗi khi có một khách sạn, resort mới khai trương thì y như rằng chỗ tôi bị mất người. Mất nhân viên bình thường không sao, nhưng mất quản lý cấp cao là một tổn thất rất lớn đối với chúng tôi” – ông Mai chia sẻ.

Trong khi đó, tỉnh An Giang mỗi năm đón hàng triệu khách hành hương, tham quan nhưng nhiều khách sạn, khu du lịch chưa có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Một số khách sạn tư nhân kiếm không nổi một nhân viên quản lý có chuyên môn cao, có kinh nghiệm quản lý.

“Lao động tốt nghiệp chuyên ngành du lịch không chịu về tỉnh làm việc” – ông Lương Thành Lợi, giám đốc khu du lịch Vạn Hương Mai ở huyện Châu Phú, nói. Bà Huỳnh Thị Như Lam, trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL An Giang, cho biết phần lớn sinh viên học chuyên ngành du lịch ở TP.HCM ra trường không chịu về tỉnh làm việc.

Nhiều cơ sở đưa nhân viên đi đào tạo về quản lý du lịch, khách sạn, khi “đủ lông đủ cánh” số nhân viên cũng bỏ đi nơi khác làm việc do các cơ sở này có quy mô nhỏ, mức lương không giữ chân được người lao động có tay nghề.

Thừa thầy thiếu thợ

 Ông Nguyễn Quốc Vững cho biết sở dĩ khó tìm nhân sự quản lý cho các ngành là do các trường đào tạo nhiều “thầy” nhưng thiếu “thợ”: người có bằng cấp hẳn hoi lại thiếu kỹ năng hoạch định và giám sát, chưa nói đến các kỹ năng khác buộc phải có để phục vụ công việc như viết văn bản, ứng xử… 

Theo ông Vững, có tới 90% sinh viên tốt nghiệp đại học nộp hồ sơ sơ tuyển tại trung tâm “mắc” những điểm yếu này.

“Tôi nghĩ là do nhận thức của gia đình và thậm chí là của chính các em rằng học cho có bằng đại học như người khác chứ không biết để làm gì. Đạt được bằng cấp là một chuyện, còn có làm việc được hay không là chuyện khác” – ông Vững nói.

Tập đoàn Vingroup đang rao tuyển tại trung tâm này rất nhiều vị trí cho các dự án ở Cần Thơ, tháng 5 Vingroup và trung tâm sẽ tổ chức ngày hội việc làm, nhưng ông Vững lo là khó tìm được nhân sự vì những lý do trên. 

Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo một khách sạn 4 sao cho biết khi tìm một vị trí quản lý khách sạn, doanh nghiệp của ông đã mất vài tháng vẫn không tuyển được người đáp ứng nên cuối cùng đành chọn cách điều người từ TP.HCM xuống làm việc.

“Đó chỉ là giải pháp bất đắc dĩ vì chúng tôi muốn ưu tiên cho lao động tại chỗ” – vị này nói. Ông Nguyễn Quốc Vững, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, cho biết khách sạn Victoria (4 sao) đã nhờ trung tâm sơ tuyển nhân viên hướng dẫn tour và nhân viên tiếp tân nhưng hơn hai tháng qua tìm không ra.

Lao động chân tay: tới đâu tìm tới đó

Tại Bạc Liêu, những ngày này Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Vĩnh Lợi đang phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Pinetree (Hàn Quốc, đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy) mở lớp đầu tiên đào tạo công nhân may công nghiệp vì Pinetree đang có nhu cầu 1.000 lao động, 98 nhân sự quản lý, văn phòng.

Để có lao động phục vụ công ty, các lớp học sẽ được địa phương “chia” với doanh nghiệp. Theo đó mỗi lớp học (15 ngày) có chi phí khoảng 22 triệu đồng, doanh nghiệp sẽ chịu khoảng 10 triệu đồng.

Còn tại An Giang, với tình hình xuất khẩu cá tra khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giảm công suất hoạt động. Một lượng lớn công nhân bỏ việc, số công nhân lớn tuổi cũng nghỉ dần, tìm việc làm phù hợp sức khỏe hơn, từ đó những nhà máy còn duy trì hoạt động đôi khi thiếu công nhân trầm trọng.

“Đào tạo một công nhân chế biến cá tra xuất khẩu mất ít nhất ba tháng, mỗi tháng chi phí 3-4 triệu đồng” – ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, than thở.

Bà Thái Thị Bạch Lan, quyền trưởng phòng dạy nghề – việc làm Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đứng ra tuyển học viên, hỗ trợ kinh phí và mở lớp dạy nghề theo địa chỉ, dựa vào nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng, cam kết bố trí 100% việc làm. Năm qua, sở đã mở được sáu lớp đào tạo công nhân thủy sản, 15 lớp dạy may công nghiệp với tổng cộng hơn 730 học viên. 

Tương tự, bà Võ Ngọc Thứ, giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang, cho biết cũng như các tỉnh ĐBSCL, nhiều năm nay Kiên Giang luôn phải đối phó với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Khu vực cảng cá Tắc Cậu có 19 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần vài nghìn lao động, tính ra con số lao động có tay nghề cần tuyển lên tới mấy chục nghìn. Nguồn lao động có tay nghề không có sẵn nên các doanh nghiệp phải thường xuyên nhận lao động phổ thông vào rồi tự đào tạo theo nhu cầu.

Tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang), dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có ít nhất hai nhà máy đi vào hoạt động với nhu cầu lao động khoảng 5.000 người.

Giải quyết thế nào?

Ông Dương Quốc Xuân, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết:

– Trường ĐH, CĐ, dạy nghề hiện xây dựng nhiều ở ĐBSCL nhưng phần lớn người tìm việc ở đây không tiếp tục học lên cao. Một vấn đề nữa, nhiều người có suy nghĩ tìm một công việc không yêu cầu cao về trình độ để có việc làm ổn định, hơn là đi học mà thất nghiệp. 

Đào tạo lao động có trình độ ĐH chưa đáp ứng được thực tế cuộc sống. Lao động sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy lợi, quản lý đô thị, xây dựng, giao thông… rất cần cho vùng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó các lĩnh vực như kinh tế tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh… và một số ngành khoa học xã hội khác (bậc ĐH) được đào tạo nhưng không sử dụng hết. Cần có điều tra, nghiên cứu, khảo sát cuộc sống và nhu cầu việc làm để tập trung đào tạo lao động có chất lượng, sát với thực tế. 

* Nhưng lao động tại chỗ vẫn tìm đến các nơi khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…?

– Nhiều địa phương ở ĐBSCL có cơ sở sản xuất công nghiệp nhưng chưa thu hút lao động vì chính sách, tiền lương còn thấp. Các dịch vụ cần thiết bảo đảm đời sống, sinh hoạt của công nhân ở các nơi như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được thực hiện cơ bản hơn.

Vì vậy, một mặt đòi hỏi lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao thì ngược lại, chủ doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng xem các yếu tố đó để hoàn thiện hơn. 

* Với tư cách nhà quản lý, ông có ý kiến gì để khắc phục tình trạng này? 

– Cần nhiều thứ, nhưng trước hết là hệ thống giao thông (thuỷ, bộ) phải được đầu tư một cách cơ bản hơn nữa. Dù ở đây có lao động nhiều, có điều kiện tự nhiên tốt thế nào đi chăng nữa nhưng không có nhà đầu tư nào vui vẻ đến khi mà giao thông khó khăn như vậy.

Người ta chở vật tư tới khó khăn, tăng chi phí, sản phẩm làm ra đi phân phối cũng khó. Một yếu tố nữa là phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp mà chủ yếu là công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.

Không có lý gì khi là vùng sản xuất lương thực chủ yếu cho cả nước mà phân bón, thuốc trừ sâu lại chở từ TP.HCM, Đông Nam bộ về. Chưa nói tới phục vụ cơ khí, tưới tiêu, thu hoạch, chế biến nông sản… không có một nhà máy nào cho hoành tráng, xứng tầm ngay tại ĐBSCL. 

CHÍ QUỐC

 

C.QUỐC – K.NAM – Đ.VỊNH