10/01/2025

​Lại sốc với giá xăng

Việc giá xăng tăng thêm 1.950 đồng/lít từ đêm 5-5 khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ, bởi đây là mức tăng khá lớn so với các lần giảm chỉ vài trăm đồng mỗi lần trước đó.

 

​Lại sốc với giá xăng

 

  Việc giá xăng tăng thêm 1.950 đồng/lít từ đêm 5-5 khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ, bởi đây là mức tăng khá lớn so với các lần giảm chỉ vài trăm đồng mỗi lần trước đó.



 

 

Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít khiến giá cước vận tải và nhiều mặt hàng khác nhấp nhổm tăng theo – Ảnh: T.L

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc điều chỉnh giá xăng ngày 5-5, ông Võ Văn Quyền – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương – cho rằng kể từ sau đợt điều hành ngày 13-4-2015, giá thế giới tiếp tục tăng khiến giá cơ sở (gồm giá thế giới, các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức…) tăng theo.

Để hỗ trợ giữ ổn định giá thành đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, liên bộ Công thương – Tài chính vẫn quyết định giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước, đồng thời xả  quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ các mặt hàng xăng dầu với mức chi là 991 đồng/lít xăng, 134 đồng/lít dầu diesel, 217 đồng/lít dầu hỏa, 383 đồng/kg dầu mazut.

Tuy nhiên, trong kỳ tính giá 15 ngày gần đây (đợt điều hành giá ngày 5-5-2015), giá xăng dầu thế giới tăng đột biến (có thời điểm ngày 4-5-2015, giá xăng RON 92 đã tăng mạnh lên mức 80,890 USD/thùng).

“Nếu giá xăng dầu hoàn toàn theo thị trường, không xả quỹ bình ổn thì đợt điều chỉnh giá ngày 5-5, xăng A92 phải tăng 3.387 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 322 đồng/lít, dầu mazut 3.5S tăng 303 đồng/kg… Vì vậy liên bộ đã xin ý kiến của Thủ tướng về hướng điều hành giá xăng dầu, và Thủ tướng đã có chỉ đạo, từ đó liên bộ đã quyết định không tăng giá dầu diesel, dầu mazut; xăng cũng chỉ tăng 1.950 đồng/lít. Đồng thời xả quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân” – ông Quyền giải thích.

Về câu hỏi của nhiều người dân, là theo công bố của Petrolimex, quỹ bình ổn giá xăng dầu của riêng doanh nghiệp này còn 1.790 tỉ đồng, tại sao không tăng mức xả quỹ? Ông Quyền cho rằng giá thế giới đang có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Hiện nay mức xả quỹ với xăng đã lên đến 1.437 đồng/lít, các mặt hàng dầu diesel, dầu mazut cũng phải xả quỹ để giữ ổn định giá.

Vì vậy, việc sử dụng quỹ phải hài hoà, đảm bảo có nguồn lực để bình ổn giá xăng dầu, trong trường hợp giá thế giới tăng mạnh trở lại.

Trường hợp giá xăng dầu thời gian tới tiếp tục tăng, liệu có tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ hay sử dụng các công cụ khác?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Thi – vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính – cho biết nếu giá thế giới tiếp tục tăng, Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ phải sử dụng đến các công cụ như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá… để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Vì thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá là một trong những cấu phần của giá cơ sở mặt hàng này.

“Giá xăng dầu thế giới tăng đến mức bao nhiêu thì sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu và quỹ bình ổn giá là vấn đề sẽ được liên bộ Tài chính – Công thương bàn bạc. Về quan điểm cũng như nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là phải theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân – Nhà nước và doanh nghiệp. Chính vì thế, Bộ Tài chính vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu trong từng ngày để điều hành đảm bảo nguyên tắc này” – ông Thi nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1-5, ông Thi khẳng định không làm tăng giá bán xăng dầu trong nước. Bởi trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Tài chính đã giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống 20%, còn thuế các loại dầu giảm từ 30% xuống 20%.

Và đầu tuần này, Bộ Tài chính cũng giảm mạnh thuế nhập khẩu dầu diesel từ 20% xuống 12% và dầu mazut từ 25% xuống 13% nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với đời sống của 

người dân. Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ ngày 1-5 mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 3.000 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu là 1.500 đồng/lít, kg, ước tính sẽ đóng góp cho ngân sách trong năm nay khoảng 10.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách giảm thu hơn 13.000 tỉ đồng khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh. 

Đợt tăng giá này, dầu diesel, nhiên liệu chủ yếu dùng cho các xe vận tải, đặc biệt xe đường dài, không tăng, vì vậy nhiều nhà xe vận tải khẳng định giá cước sẽ vẫn  giữ nguyên.

“Dầu đợt này không tăng giá nên chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cước cũ, đã áp dụng từ sau Tết âm lịch tới nay. Xe 15 tấn chở hàng khô đi tuyến TP.HCM – Hà Nội vẫn áp giá 2,2 triệu đồng/tấn” – ông Trần Văn Đoàn, giám đốc Công ty vận tải Trọng Tấn tại TP.HCM, khẳng định.

Chặn tình trạng “té nước theo mưa”

Ngay sau khi biết được thông tin giá xăng tăng, anh Lê Thanh Phong (ngụ Q.12, TP.HCM) tính toán mỗi tháng đi làm anh sẽ tốn thêm khoảng 50.000 đồng cho chi phí đổ xăng xe máy. “Với các hoá đơn chi tiêu cho cuộc sống đã khá nhức đầu, bất cứ khoản tăng thêm nào đều khiến tôi lo lắng” – anh Phong chia sẻ.

Lo lắng không kém là các bà nội trợ, bởi những lần tăng giá trước đều xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” với nhiều nhóm hàng rau củ, thực phẩm. Theo chị Nguyễn Thị Hậu (quận Gò Vấp, TP.HCM), giá xăng tăng đợt này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cước một số mặt hàng nhưng không có nghĩa mọi mặt hàng sẽ tăng giá. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá của các mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ như những lần trước” – chị Hậu nói. 

C.V.K – L.TH – D.T – H.Q