10/01/2025

Trường “đa hệ”

Trường ĐH tuyển sinh cả CĐ, trung cấp, nghề khiến cho hệ thống giáo dục sau THPT bị phân tán, phát triển méo mó.

 

Trường “đa hệ”

 

 Trường ĐH tuyển sinh cả CĐ, trung cấp, nghề khiến cho hệ thống giáo dục sau THPT bị phân tán, phát triển méo mó.



 

 

Một buổi học của sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Trường này hiện tuyển sinh, đào tạo 22 ngành ĐH, 22 ngành CĐ, 14 ngành TCCN và 23 ngành CĐ nghề – Ảnh: Như Hùng

Theo thống kê của chúng tôi, hiện Việt Nam có hơn 240 trường ĐH. Trong số này rất nhiều trường ĐH được nâng cấp từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lại nâng tiếp lên ĐH. Lịch sử “ĐH hoá” này dẫn đến việc không ít trường đào tạo nhiều hệ, nhiều bậc từ trung cấp đến ĐH, từ nghề đến chuyên nghiệp.

 
 

Điều này khiến khối trường TCCN, các trường nghề phải cạnh tranh một mất một còn để giành giật thí sinh với các trường ĐH. Lượng học sinh nhiều năm nay ổn định, trong khi số lượng trường ngày càng nhiều hơn. Miếng bánh thị phần không lớn thêm nên ai mạnh sẽ tồn tại, kẻ yếu thì ngắc ngoải. Và trong cuộc đua này,  nhiều năm qua các trường ĐH luôn giành lợi thế, nhiều trường trung cấp, trường nghề phải đóng cửa hoặc rao bán.

Bậc nào cũng tuyển, hệ nào cũng ôm!

Ở các bậc thấp hơn, cả nước có khoảng 250 trường CĐ, số trường trung cấp cũng ở mức tròm trèm 300. Ở khối giáo dục nghề, cả nước có khoảng 500 trường CĐ và trung cấp nghề. Những năm gần đây việc tuyển sinh của các trường TCCN, nghề gặp rất nhiều khó khăn, số lượng học sinh nhập học ngày càng giảm. Nhiều trường hoạt động cầm chừng hoặc rao bán vì không kham nổi chi phí do học sinh quá ít.

Theo lãnh đạo nhiều trường, các trường TCCN, nghề lây lất có nhiều lý do, trong đó có việc các trường ĐH cũng tuyển hầu như các hệ từ trung cấp đến ĐH, ôm luôn cả mảng nghề.

Theo thông tin tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Thái Bình, ngoài bậc ĐH với 1.550 chỉ tiêu, trường này cũng tuyển 800 chỉ tiêu bậc CĐ, 500 chỉ tiêu TCCN. Ngoài giáo dục chuyên nghiệp, trường này còn tuyển đến 1.000 chỉ tiêu CĐ và trung cấp nghề. Đây không phải là trường ĐH duy nhất tuyển hầu như các bậc, các hệ đào tạo. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bên cạnh bậc ĐH, CĐ, TCCN cũng tuyển đến 23 ngành CĐ nghề.

Hầu như các ngành đào tạo bậc ĐH đều được tuyển sinh ở bậc CĐ và CĐ nghề. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển đến 17 ngành CĐ nghề (CĐ thực hành) bên cạnh các ngành ĐH, CĐ chuyên nghiệp.

Không riêng gì các trường ngoài công lập, các trường công lập cũng có tình trạng này. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh từ bậc ĐH, CĐ, TCCN đến CĐ nghề với chỉ tiêu khá lớn. Tương tự, kỳ tuyển sinh năm 2015 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bên cạnh các bậc khối chuyên nghiệp, trường tuyển CĐ nghề với 1.500 chỉ tiêu. Các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh… cũng tuyển sinh cả bậc CĐ nghề bên cạnh bậc ĐH và CĐ chuyên nghiệp.

Trong khi đó hầu hết trường ĐH công lập ở các địa phương, khối trường ĐH khối bộ, ngành đều tuyển sinh từ trung cấp đến ĐH, mặc dù ngay tại địa phương đó cũng có các trường trung cấp, CĐ. Các trường ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Hồng Bàng, Nam Cần Thơ, Tây Đô, Bà Rịa – Vũng Tàu… đều dài tay tuyển sinh từ trung cấp đến ĐH. Tuy không tuyển sinh trung cấp nhưng nhiều trường ĐH, học viện có lịch sử lâu đời đến nay vẫn tuyển sinh bậc CĐ như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công Đoàn, Trường ĐH Mỏ – địa chất, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… dù ngành bậc CĐ của những trường này không xa lạ gì với những trường CĐ trên địa bàn.

Phớt lờ chỉ đạo của bộ

Thời gian qua khối trường TCCN, trường nghề nhiều lần lên tiếng phàn nàn việc các trường ĐH tuyển sinh TCCN và đòi trả bậc này về đúng vị trí của nó.

Những tiếng kêu thống thiết này phần nào có kết quả khi năm 2012 Bộ GD-ĐT ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó nêu rõ: “Các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN, trừ các trường thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và quyết định giao đào tạo trình độ TCCN ngành sư phạm cho các trường trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo trình độ TCCN ngành sư phạm. Các ĐH, học viện, trường ĐH không thuộc diện được đào tạo trình độ TCCN quy định nêu trên đang đào tạo trình độ TCCN phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017”.

Thông tư này phát huy tác dụng ngay năm sau, khi nhiều trường ĐH đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh TCCN, thế nhưng không phải trường nào cũng nghiêm túc chấp hành. Căn cứ vào thông tin tuyển sinh TCCN được đăng tải trên trang web của Bộ GD-ĐT, chúng tôi so sánh chỉ tiêu TCCN của các trường ĐH trong hai năm 2014 và 2015, kết quả cho thấy không ít trường vẫn kiên quyết giữ chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí tăng mạnh chỉ tiêu TCCN năm 2015 so với năm trước. Tại ĐH Đà Nẵng, chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm 2014 là 1.250 chỉ tiêu chính quy và 1.400 chỉ tiêu vừa làm vừa học. Đến năm 2015, chỉ tiêu chính quy không những không giảm mà lại tăng vọt lên đến 2.100 và chỉ tiêu vừa làm vừa học cũng tăng lên 1.500. Phần lớn chỉ tiêu TCCN chính quy nằm trong Trường CĐ Công nghệ, trong khi chỉ tiêu vừa làm vừa học tập trung toàn bộ tại Trường ĐH Sư phạm. Điều đáng nói là chỉ tiêu TCCN của Trường CĐ Công nghệ chỉ có 600 vào năm 2014, đến năm 2015 lại tăng gấp hai lần lên 1.200. Chỉ tiêu TCCN chính quy của khoa y dược cũng tăng từ 250 năm 2014 lên 300 năm 2015.

Chỉ tiêu TCCN chính quy năm 2015 ở nhiều trường ĐH khác cũng tăng so với năm 2014. Như chỉ tiêu TCCN tại Trường ĐH Thái Bình tăng gấp đôi so với năm trước, từ 250 lên 500 chỉ tiêu. Bên cạnh các trường ĐH tăng chỉ tiêu, nhiều trường ĐH tuy không tăng nhưng cũng không cắt giảm tối thiểu 20% chỉ tiêu theo quy định như ở các trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ĐH Công nghiệp Việt – Hung, ĐH Sao Đỏ, ĐH Nguyễn Tất Thành…

Lý giải về việc không cắt giảm chỉ tiêu TCCN so với năm 2014, đại diện một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cho rằng chỉ tiêu do các trường tự xác định. Chỉ tiêu TCCN của trường lúc đỉnh điểm lên đến 8.500, giờ đã cắt giảm xuống còn 500. Trường có nhiều ngành trung cấp nên đó là chỉ tiêu tối thiểu để mở lớp!

Trong khi đó PGS-TS Đoàn Quang Vinh – phó giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho rằng toàn bộ chỉ tiêu TCCN ĐH Đà Nẵng đã xin phép Bộ GD-ĐT. Trường CĐ Công nghệ là trường thuộc ĐH nhưng bản thân là trường CĐ, không phải trường ĐH.

Trong khi đó Trường ĐH Sư phạm đào tạo trung cấp vừa làm vừa học sư phạm mầm non vì khu vực miền Trung không có đơn vị nào đào tạo ngành này. Đối với khoa y dược, đúng là chỉ tiêu TCCN có tăng so với năm trước nhưng đây là nhu cầu của xã hội. Khi nào nhu cầu xã hội giảm, ĐH Đà Nẵng cũng sẽ cắt giảm. Tuy vậy, quan điểm của ĐH Đà Nẵng là đào tạo ĐH và bậc cao hơn, nên hướng sắp tới là cắt giảm tuyển sinh đào tạo trung cấp.

Chia sẻ về việc đào tạo TCCN, PGS.TS Đặng Văn Tịnh – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho rằng việc trường duy trì đào tạo TCCN vì nhiều lý do.

Theo ông Tịnh, năm 1998 Trường trung học Kỹ thuật y tế trung ương 3 được sáp nhập vào trường. Nếu không đào tạo trung cấp thì đội ngũ cán bộ, giảng viên sẽ giải quyết thế nào? Hơn nữa, nhiều ngành đào tạo trung cấp của trường đều khá đặc thù, không có nơi nào khác đào tạo như xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, hộ sinh, vật lý trị liệu…

Nếu không đào tạo sẽ không có nhân lực cung cấp cho ngành y tế. “Thông tư của bộ mang tính điều chỉnh chung cho các trường. Ngay khi có quy định, chúng tôi đã cắt giảm mạnh chỉ tiêu đến mức thấp nhất. Hiện nay chỉ tiêu mỗi ngành chỉ còn đủ một lớp, không thể cắt giảm hơn nữa bởi sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo. Với những ngành có nhiều nơi đào tạo như dược hay y, sắp tới trường sẽ ngừng đào tạo. Những ngành còn lại trường kiến nghị được tiếp tục đào tạo trung cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành” – ông Tịnh nói thêm.

Trường bậc nào đào tạo bậc đó

Nói về vấn đề này, nguyên hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM đúc kết: Bộ GD-ĐT sinh đứa con TCCN nhưng lại không bỏ công dưỡng khiến các trường TCCN ngày càng èo uột và thiếu sức sống trong một thời gian dài.

Ông cũng đặt câu hỏi: trường ĐH đào tạo TCCN, CĐ để làm gì trong khi lẽ ra chỉ tập trung nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Các bậc thấp hơn đã có các trường ở bậc đó đảm trách rồi. Bộ cũng nên có quy định trường ở bậc nào chỉ đào tạo bậc đó; trường ĐH đào tạo ĐH và sau ĐH nhằm đảm bảo sự phát triển của hệ thống, không nên ôm đồm, chồng chéo như hiện nay. 

MINH GIẢNG