10/01/2025

Phải để học sinh thể hiện cảm xúc thật

Sau nhiều ý kiến khác nhau về “lễ trưởng thành và tri ân”, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hữu Tá, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS và THPT Trương Vĩnh Ký, TP.HCM.

 

Phải để học sinh thể hiện cảm xúc thật

 

Sau nhiều ý kiến khác nhau về “lễ trưởng thành và tri ân”, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với  PGS.TS Trần Hữu Tá, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS và THPT Trương Vĩnh Ký, TP.HCM.



 

 

Lễ trưởng thành và tri ân đầy xúc động của Trường Trương Vĩnh Ký – Ảnh: X.B.

Đây là một trong những trường thực hiện thành công “lễ trưởng thành và tri ân” dành cho học sinh lớp 12 từ  năm 2004. Ông Tá cho biết:

– Trong một buổi trò chuyện vào cuối năm học 2003-2004, ông Trần Văn Hiếu, chủ tịch HĐQT Trường Trương Vĩnh Ký, kể cho tôi nghe rằng ông vừa được dự buổi sinh hoạt rất ấn tượng của học sinh trung học ở Hoa Kỳ. Kết thúc năm học cuối cấp, học sinh trung học Hoa Kỳ có ba ngày sinh hoạt: một ngày để gặp gỡ, tri ân cha mẹ; một ngày cho thầy cô và một ngày để vui với bạn bè.

Nghe xong, tôi đã đặt câu hỏi: tại sao chúng ta không thể làm như vậy? Chúng tôi thống nhất với nhau là gộp lại tổ chức trong một ngày để các em học sinh lớp 12 có dịp tri ân cha mẹ, thầy cô, vui vẻ với bạn bè. Và chúng tôi đặt tên cho nó là lễ trưởng thành và tri ân. Trưởng thành vì các em học sinh lớp 12 đã tròn 18 tuổi – tuổi thành niên, đủ tư cách công dân. Tri ân với ý nghĩa tạo điều kiện để các em được chân thành bày tỏ lòng biết ơn công sức lớn lao của cha mẹ, thầy cô.

PGS.TS Trần Hữu Tá – Ảnh: Như Hùng

* Thưa ông, ngoài mục đích ban đầu thì học sinh được gì từ buổi lễ này?

– Năm 2004 là năm đầu tiên nhà trường tổ chức lễ trưởng thành và tri ân, kết quả đạt được quá sức mong đợi của chúng tôi. Không chỉ là những lời cảm ơn, là sự tin tưởng, quý mến của phụ huynh mà buổi lễ như một liều “thuốc tinh thần” cho học sinh trong suốt 20 ngày ôn thi sau đó (để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ). Các giáo viên quản nhiệm rất bất ngờ với sự chăm chỉ, tự giác, học đến quên mệt của học sinh. Họ phải nhắc nhở học sinh xếp tập lại đi ngủ, chứ không phải nhắc các em thức để học bài như trước.

Từ đó đến nay, tiếp nối thành quả ấy, mỗi năm Trường Trương Vĩnh Ký đều tổ chức lễ trưởng thành và tri ân, và chưa có năm nào không thành công cả. Tôi còn nhớ có năm học ông Nguyễn Thiện Nhân – lúc bấy giờ là bộ trưởng Bộ GD-ĐT –  đến thăm Trường Trương Vĩnh Ký. Sau buổi làm việc với nhà trường, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường trên cả nước thực hiện năm nhiệm vụ của năm học, trong đó có nhiệm vụ thứ hai là tổ chức chu đáo lễ trưởng thành và tri ân dành cho học sinh khối 12.

* Lễ trưởng thành và tri ân hiện đã được nhân rộng trên cả nước nhưng vẫn còn nhiều trường thực hiện quá hình thức, rườm rà, không đạt được mục tiêu tốt đẹp vốn có của nó. Thưa ông, cần có những yếu tố nào để tổ chức thành công buổi lễ?

– Theo tôi, lễ trưởng thành và tri ân chỉ nên tổ chức cho học sinh khối 12. Còn các cấp học khác như mầm non, tiểu học, THCS cũng có thể tổ chức một buổi lễ hay một buổi sinh hoạt trước khi học sinh cuối cấp phải chia tay với thầy cô, bạn bè. Nhưng nên chọn cái tên khác và hình thức, nội dung buổi lễ phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, điều kiện hoàn cảnh của học sinh, chứ dùng “lễ trưởng thành và tri ân” thì không phù hợp. Học sinh lớp 5 mới 11 tuổi, học sinh lớp 9 mới 15 tuổi sao gọi là trưởng thành được?

Để tổ chức buổi lễ thành công, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Trước hết, cần chuẩn bị về tư tưởng cho chính đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường và cho phụ huynh, học sinh. Ở Trường Trương Vĩnh Ký, ngay từ đầu năm học ban giám hiệu nhà trường đã trình bày rất kỹ về mục đích, ý nghĩa, cách thức tổ chức buổi lễ cho phụ huynh, giáo viên, học sinh và xin ý kiến của họ. Nhà trường khẳng định: cha mẹ học sinh không phải đóng góp gì cả, kinh phí tổ chức sẽ do nhà trường trích ra từ khoản học phí.

Tiếp đó, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán (tức sau khi kiểm tra học kỳ I), giáo viên chủ nhiệm lớp 12 sẽ giao cho học sinh viết về kỷ niệm, tình cảm của mình đối với một người nào đó có thể là cha, mẹ, thầy, cô, ông, bà… để lại ấn tượng hoặc có ảnh hưởng sâu sắc đối với mình.

Nhà trường sẽ chọn những bài đặc sắc nhất để in thành tuyển tập “Tiếng nói tri ân” của năm học đó. Đây là món quà dành tặng phụ huynh, học sinh. Trong đó, bài viết cảm động nhất sẽ được học sinh đọc trong buổi lễ chính thức. Đa số trường hợp các em vừa đọc vừa rưng rưng.

Sau đó, MC của chương trình sẽ mời nhân vật trong bài viết lên sân khấu để trò chuyện, gợi mở sao cho các em học sinh thấy được công lao trời biển, thấy được sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ, ông bà… dành cho mình. Chỉ cần câu chuyện có thật, cảm xúc của học sinh chân thật là đã quá đủ rồi. Tôi cho rằng như vậy đã gieo vào lòng học sinh những mầm yêu thương, những khía cạnh tốt đẹp nhất của con người rồi.

Một yếu tố nữa cần lưu ý là trước khi buổi lễ diễn ra, cần phải làm cho học sinh thấu hiểu được ý nghĩa tốt đẹp và thiêng liêng của sự tri ân. Quần áo, tóc tai của các em phải gọn gàng, nghiêm chỉnh. Khi đưa cha mẹ hoặc ông bà lên sân khấu các em phải cung kính, cúi đầu rồi mới dâng hoa lên các đấng sinh thành…

Ở Trường Trương Vĩnh Ký, không phải ngẫu nhiên mà có gia đình xin dự cả cha mẹ, ông bà nội, ngoại. Có người ở tận Cà Mau, Cần Thơ cũng lên dự. Có gia đình cha mẹ đã ly dị nhưng vẫn cùng đến dự ngày lễ trưởng thành của con. Có phụ huynh ôm chặt lấy con không muốn rời, có bà mẹ khóc khi nhận bó hoa từ tay con, có người còn khóc ngay khi được con đưa lên sân khấu…

Tạo một kỷ niệm đẹp cho học sinh cuối cấp

Để chuẩn bị cho buổi lễ, nhà trường cần phát động tuần lễ thi đua chào mừng, học sinh học tập tốt để tri ân, cảm ơn cha mẹ, thầy cô. Mỗi học sinh thực hiện một tấm thiệp hoặc hoa (quà)… tuỳ theo khả năng để tặng cha mẹ, thầy cô trong buổi lễ. Các vật dụng hoa, quà tặng cha mẹ, thầy cô do học sinh các lớp cuối cấp tự làm, bằng nhiều hình thức sinh động, sáng tạo, không phô trương, hình thức gây tốn kém cho cha mẹ học sinh.

Lễ tri ân và trưởng thành nhằm mục đích tạo một kỷ niệm đẹp, sâu sắc cho các em học sinh trước khi kết thúc năm học. Buổi lễ phải được tiến hành trong không khí trang nghiêm, ấm áp, các tiết mục văn nghệ cần tập trung vào chủ đề hát về cha mẹ, thầy cô, trường lớp…

(Trích văn bản hướng dẫn về việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành năm học 2014-2015 của Sở GD-ĐT TP.HCM) 

HOÀNG HƯƠNG thực hiện