Ấn, Trung cạnh tranh cứu Nepal
Ngay trong lúc căng mình đương đầu với hậu quả trận động đất kinh hoàng, Chính phủ Nepal vẫn phải thận trọng tới từng… milimet trong ứng xử ngoại giao với các đoàn cứu hộ nước ngoài.
Ấn, Trung cạnh tranh cứu Nepal
Ngay trong lúc căng mình đương đầu với hậu quả trận động đất kinh hoàng, Chính phủ Nepal vẫn phải thận trọng tới từng… milimet trong ứng xử ngoại giao với các đoàn cứu hộ nước ngoài.
Một phụ nữ Nepal nhờ đội cứu hộ Trung Quốc tìm giúp sáu thành viên trong gia đình còn bị kẹt dưới đống đổ nát ở Kathmandu – Ảnh: Reuters |
Mấy người Trung Quốc có thói quen đầy khó chịu là cắm cờ của họ ở mỗi nơi họ đang tìm kiếm. Bởi vậy chúng tôi phải chọn đi giúp ở điểm khác |
Một binh sĩ Ấn Độ tham gia cứu hộ tại Nepal phàn nàn |
Hãng tin AP từng đăng câu chuyện của phóng viên Todd Pitman kể việc bé gái 12 tuổi Neha Chumda kêu cứu tới khản cổ, kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng trước khi được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài sau 40 giờ mắc kẹt chỉ vì không có đủ dụng cụ đào bới.
Nhưng thứ hai tuần trước (27-4), truyền thông Đài Loan đưa tin Nepal đã từ chối tiếp nhận đoàn công tác cứu hộ 20 người đi kèm theo chó cứu hộ của vùng lãnh thổ này.
Phó lãnh đạo ngoại giao Đài Loan Andrew Kao cho biết Nepal quyết định ưu tiên những trợ giúp từ các nước láng giềng. Theo ông, sở dĩ Nepal từ chối Đài Loan vì đường sá xa xôi và thiếu những đường bay thẳng cũng như các mối quan hệ ngoại giao trực tiếp giữa hai bên.
Tuy nhiên theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, lý do thật sự không phải vậy. Lý do Nepal từ chối Đài Loan vì nếu tiếp nhận sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ với người láng giềng Trung Quốc.
Ông J. Michael Cole, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham (Anh), có vẻ thận trọng hơn khi cho rằng có thể Bắc Kinh không có ý kiến gì, hành xử đó có thể chỉ là từ phía Nepal.
Ông nhận định: “Từ quan hệ thân thiết giữa Kathmandu và Trung Quốc, căn cứ vào những khoản đầu tư lớn Trung Quốc đổ vào Nepal những năm gần đây, có thể một số quan chức Nepal nghĩ rằng họ cần chứng tỏ việc Nepal hết sức tôn trọng quan điểm “một Trung Quốc”. Tôi nghĩ động lực này cũng khá giống với hình thức tự kiểm duyệt”.
May mắn là sau khi truyền thông Đài Loan đưa tin như một cách phản ứng với Chính phủ Nepal, tới ngày 28-4 Hãng thông tấn trung ương Đài Loan cho biết đoàn tìm kiếm cứu hộ (SAR) gồm 37 người từ một tổ chức cứu trợ và Hội Chữ thập đỏ Đài Loan đã lên đường tới Nepal qua ngả Hong Kong. Chính phủ Đài Loan cũng cam kết hỗ trợ tài chính 300.000 USD cho Nepal.
Vấn đề địa chính trị cũng trở là trở ngại, khi trong ngày 28-4, Chính phủ Nepal yêu cầu một đội cứu hộ Ấn Độ không làm nhiệm vụ tại khu vực có thể phải bay qua vùng Rasuwa, giáp ranh Tây Tạng. Thông tin do tờ Annapurna Post của Nepal cung cấp.
Theo báo này, Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động cứu hộ gia tăng của quân đội Ấn Độ tại những khu vực biên giới với Trung Quốc.
Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại Kathmandu. Đó là lý do khiến họ tăng cường hỗ trợ Nepal nhiều hơn mức bình thường. Điều này đẩy Nepal vào thế khó trong việc điều phối công tác giải quyết hậu quả thiên tai.
Trong khi đó tại Mỹ, giới quan sát cho rằng đã có một chuyện khó hiểu trong ứng xử của Nhà Trắng thời gian qua.
Theo tờ Politico, hôm thứ hai (27-4), thư ký Nhà Trắng Josh Earnest “đã có một thiếu sót đáng chú ý” khi ông gửi lời chia buồn tới thân nhân những người bị thiệt mạng không chỉ ở Nepal mà còn ở Ấn Độ và Bangladesh, nhưng lại… “quên” không nói tới Tây Tạng của Trung Quốc.
Thực tế là ở Bangladesh chỉ có 2 người thiệt mạng nhưng Tây Tạng có tới 20 ca tử vong. Chẳng ai biết được Nhà Trắng nghĩ gì…