Ai ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ ở biển Đông ?
Trung Quốc ngày càng cho thấy bản chất “đạo đức giả”, qua hàng loạt tố cáo nhắm vào các nước láng giềng để lấp liếm cho những hành vi phi pháp của mình.
Ai ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ ở biển Đông ?
Trung Quốc ngày càng cho thấy bản chất “đạo đức giả”, qua hàng loạt tố cáo nhắm vào các nước láng giềng để lấp liếm cho những hành vi phi pháp của mình.
Liên tục vấp phải chỉ trích kịch liệt từ cộng đồng quốc tế do chuỗi hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp ở biển Đông, Trung Quốc đã quay ngược lại công kích các nước trong khu vực bằng chính những cáo buộc mà Bắc Kinh hứng chịu trong suốt thời gian qua.
Vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên giọng tố cáo một cách nực cười rằng Việt Nam cũng đang tiến hành hoạt động bồi đắp, xây dựng “phi pháp” ở Trường Sa.
Gần nửa đêm 4.5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát ra thông cáo cho rằng Philippines đã vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) thông qua hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự quy mô lớn, bao gồm sân bay, cảng và doanh trại. Thông cáo này còn yêu cầu Philippines chấm dứt các động thái “khiêu khích và thổi phồng ác ý” liên quan đến tranh chấp trên biển Đông.
Phơi bày tính hai mặt
Giới quan sát nhận định những cáo buộc từ Bắc Kinh là vô căn cứ. Tiến sĩ Aileen Baviera (Đại học Philippines Diliman) nói vớiThanh Niên: “Sau khi ký kết DOC, Philippines đã luôn tự kiềm chế trong các hoạt động xây dựng ở Trường Sa”.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tháng 4.2015 tại Malaysia, Trung Quốc đã lên án Philippines vì đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự. Trong một bài xã luận, Tân Hoa xã còn gọi động thái của Philippines là “vừa ăn cướp vừa la làng”. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc khẳng định trong thông cáo ngày 4.5 là mình “chưa bao giờ có những hành động làm phức tạp, trầm trọng thêm tranh chấp hay ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực”, Trung Quốc đang tự phơi bày tính hai mặt của mình.
Ông Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận định: “Tôi thực sự kinh ngạc trước những luận điểm mang đầy tính đạo đức giả của Trung Quốc. Họ cứ lên án các nước khác trong khi chính những hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của họ mới là vi phạm DOC rõ ràng”.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore) nói: “Quy mô và kích cỡ các công trình cải tạo đất của Trung Quốc tại Trường Sa là hoàn toàn đi ngược lại với điều khoản “tự kiềm chế” trong DOC; và không có gì chối cãi, Bắc Kinh đã vi phạm DOC thông qua các hoạt động này”.
Mục đích quân sự
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đất tại Trường Sa là nhằm mưu đồ thay đổi hiện trạng trước khi diễn ra phiên xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài thường trực trụ sở tại The Hague (Hà Lan), dự kiến vào đầu năm 2016.
Tiến sĩ Euan Graham (Viện Nghiên cứu Lowy, Úc) nhận định: “Về mặt pháp lý, các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo không có giá trị pháp lý củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng về mặt chiến lược, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hiện diện trên quy mô lớn tại Trường Sa. Điểm mấu chốt là trong khi Trung Quốc đang ra sức trấn an dư luận rằng các công trình xây dựng của mình nhằm phục vụ cho mục đích tìm kiếm, cứu hộ hay các “lợi ích cộng đồng” mà các quốc gia khác đều hưởng lợi, rõ ràng là các hoạt động này thực ra là nhằm phục vụ cho mục đích quân sự”. Tiến sĩ Graham kết luận: “Cho dù các quốc gia khác có tiến hành xây dựng trên Trường Sa, không ai tiến hành theo quy mô như Trung Quốc đang làm”.
|
An Điền