10/01/2025

Viết thư cho thầy hiệu trưởng

Thư được luồn dưới khe cửa phòng, đặt trên bàn hay kẹp ở xe của thầy hiệu trưởng. Đó là cách để ban giám hiệu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học trò tuổi mới lớn..

 

Viết thư cho thầy hiệu trưởng

 

 Thư được luồn dưới khe cửa phòng, đặt trên bàn hay kẹp ở xe của thầy hiệu trưởng. Đó là cách để ban giám hiệu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học trò tuổi mới lớn..


 

 

Thầy Hồ Hoàng Minh trò chuyện với học sinh trong giờ ra chơi – Ảnh: N.Hùng

Nhưng quan trọng hơn nữa chính là khuyến khích học trò mạnh dạn bộc lộ ý kiến bản thân.

“Thầy ơi, em xin ý kiến về khay cơm mới. Khay mới rất cạn, thiếu chỗ đựng cơm canh, đồ ăn ít hơn khay cũ. Có thể dùng lại khay cũ không thầy?”. “Thầy ơi, con xin phép bật máy lạnh ở phòng học vào buổi tối vì dạo này trời nóng quá”.

Đó là hai trong số hàng trăm ý kiến mà học sinh (HS) gửi về cho thầy Hồ Hoàng Minh, hiệu trưởng Trường THCS – THPT Trí Đức, TP.HCM, qua những bức thư tay. Đọc và trả lời hoặc phản hồi những bức thư của HS là công việc thầy Minh bắt đầu làm từ những năm 1980 khi còn là hiệu phó Trường THCS Ngô Sỹ Liên.

Từ đó đến nay, nhiều lần giữ những chức vụ khác nhau tại các trường THCS, THPT, phòng giáo dục và cho đến khi nghỉ hưu, về làm hiệu trưởng trường tư, công việc này vẫn được thầy duy trì. Hoạt động này hiện thường được các trường gọi tên là hộp thư “Điều em muốn nói”.

Qua quá trình làm việc với các em, tôi  thấy 90% điều các em phản ảnh là đúng. Quan trọng là làm sao để xử lý một cách khéo léo, tế nhị mà vẫn nhận được sự đồng cảm của đội ngũ và với học trò, các em cũng biết rằng những phản ảnh đúng của các em sẽ được điều chỉnh
Thầy HỒ HOÀNG MINH

“Tám” với học trò

Quản lý một ngôi trường với trên dưới 1.000 HS cấp II, III nhưng vẫn dành thời gian để lắng nghe HS và điều chỉnh cách quản lý thì không phải hiệu trưởng nào cũng làm được. Học trò tuổi teen, cách nghĩ, cách nói, cách ứng xử khác xa với học trò thời trước. Quan điểm và ước mơ của các em cũng khá xa lạ với nhiều người lớn bảo thủ.

Vì vậy, hai điều mà thầy Minh muốn làm cho HS đó là lắng nghe các em và giúp các em có nhiều kỷ niệm với trường lớp, thầy cô, bè bạn.

“Kỷ niệm đẹp khiến các em yêu trường, yêu lớp. Khi đã yêu các em sẽ luôn suy nghĩ về những việc mình làm sao cho không bị tổn hại uy tín của trường. Còn lắng nghe HS là điều rất quan trọng. Chỉ lắng nghe thôi chưa đủ, nghe xong phải phản hồi để các em biết ý kiến của mình được trân trọng và quan tâm. Nếu chỉ nghe một chiều, HS sẽ không viết cho mình nữa” – thầy Minh chia sẻ.

Xuyên suốt quá trình quản lý với quan điểm lắng nghe HS và bằng sự thân thiện bắt chuyện, khuyến khích các em trình bày suy nghĩ của mình, những bức thư gửi về cho thầy hiệu trưởng ngày càng nhiều. Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, nêu quan điểm về việc mặc áo dài, kể với thầy về một bạn mà em ngưỡng mộ, xin đi dã ngoại… HS nghĩ gì viết nấy.

Những bức thư “kể tội” thầy cô, bức xúc bạn bè, chỉ ra những vấn đề bất cập trong nội quy ở trường tư. Rồi từ chuyện thức ăn dở, vòi nước nhà vệ sinh bị hư, chậu hoa vỡ ở sân trường đến nghiện thuốc lá không bỏ được, yêu bạn đồng giới hay chuyện đánh ghen… cũng được viết trong thư.

HS được thoải mái nêu ý kiến của mình, những ý kiến này được phản hồi công khai ở các buổi sinh hoạt đầu tuần, bất kể là đề cập đến ban giám hiệu, thầy cô bộ môn hay  quản nhiệm. Nếu là chuyện tế nhị liên quan đến cá nhân thì thầy hiệu trưởng làm việc riêng, nhưng vẫn chia sẻ bài học chung cho toàn trường rút kinh nghiệm.

Nỗi lòng của trò

Một bức thư mà thầy hiệu trưởng nhận được những ngày đầu tháng tư vừa qua:

“1-4-2015. Thưa thầy, gần đây con nghe nói bạn nào có hình xăm thì phải xoá, nếu không sẽ phải chuyển trường, con có một số ý kiến mong thầy xem qua. Với giới trẻ tụi con hiện nay, việc xăm hình không còn quá đáng sợ, lúc trước bố mẹ con bảo ai tù tội, giang hồ mới xăm hình. Nhưng thầy ơi, bây giờ xăm hình là một nghệ thuật rồi thầy.

Có nhiều lý do để người ta xăm lên người, có bạn lớp 10 xăm hình con chim bồ câu, có anh lớp 11 xăm tên mẹ lên cánh tay, xăm hình mẹ lên ngực. Chỉ là một thời suy nghĩ chưa chín chắn, nếu biết xã hội vẫn còn kỳ thị với hình xăm, chắc không ai dám xăm nhiều, xăm to như thế. Thưa thầy, chi phí xoá một hình xăm cao gấp nhiều lần số tiền đi xăm.

Mà tiền khi đi xăm là do chúng con tiết kiệm, giấu bố mẹ, vậy bây giờ cần số tiền lớn để xoá đi tụi con biết lấy ở đâu? Con mới xăm đầu năm nay và luôn mặc áo dài để giấu bố mẹ hình xăm ở lưng.

Bố mẹ con phải lao động vất vả giữa Sài Gòn để lo cho con, nếu vì hình xăm này mà con bị chuyển trường thì bố mẹ buồn lắm, con không muốn phút nông nổi của con khiến bố mẹ phải liên luỵ. Mong thầy hiểu lòng con”.

“Thưa thầy, con mong thầy dành ít thời gian đọc lá thư này. Ai cũng quây quần hạnh phúc bên bữa cơm gia đình. Con không may mắn như các bạn, con đã mất cha từ hồi lớp 6, con ước mong có được bữa cơm gia đình lắm nhưng vì đi học xa nhà, mỗi tháng về một lần nên chỉ ăn cơm với mẹ được một lần.

Hôm bữa mẹ lên thăm con vào buổi trưa, mẹ xin cho con ra ngoài nhưng thầy cô trực không cho. Con buồn lắm thầy ơi. Con muốn đi đâu đó với mẹ, ăn trưa với mẹ vào chiều thứ bảy được không thầy?

À, dạo này khu nội trú nữ hay bị mất nước, lúc nào ngủ dậy cũng mang tâm trạng sợ không có nước đánh răng, thầy giúp con chuyện này nha” – một đoạn trong bức thư của một HS lớp 12, được thầy “phê” ở góc trái bức thư là: “Rút kinh nghiệm, đọc cho giáo viên và HS nghe”.

“Cha mẹ bận rộn, không có thì giờ tâm sự cùng con. Thầy cô đến lớp rồi về, HS không có thời gian gần gũi, hỏi han. Mình phải tạo môi trường để các em giãi bày, trút tâm sự, bức xúc. Các em quan tâm hai chuyện: viết thư có được trả lời không, nếu viết về việc xấu, tiêu cực thì có sợ bị “đì” không?

Nghĩ vậy nên các em có xu hướng bộc lộ trên mạng xã hội bằng cách ẩn danh. Ở đây việc lắng nghe HS cũng giúp thầy cô điều chỉnh nguyên tắc quản lý của mình và khuyến khích các em bộc lộ cá tính, dám nói lên suy nghĩ, thái độ”.

Người thầy 65 tuổi này tự nhận mình rất kém về công nghệ, nhưng mới đây thầy đã dành hơn một tháng để tham gia thế giới mạng, học cách đọc, cách viết ngôn ngữ “mạng” của tuổi teen, tìm hiểu xem HS thích gì, nghĩ gì.

Đây cũng là một trong số ít hiệu trưởng trường tư có tư tưởng khá thoáng,  không cấm HS yêu đương với điều kiện yêu trong sáng và giúp nhau tiến bộ.

“Chuyện yêu đương muốn cấm cũng không được, vậy mình làm sao để các em yêu nhưng có kết quả tốt đẹp, đồng thời thường xuyên nói chuyện hay ngoại khoá về tình yêu, giới tính. Nếu yêu để vì nhau mà học tốt hơn, ứng xử hay hơn, biết nghĩ đến tương lai thì tốt chứ sao” – thầy Minh chia sẻ.

Sự thấu hiểu và đầy tâm lý của người thầy có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục là điều mà học trò cảm thấy luyến tiếc nhất, khi sắp tới đây thầy quyết định “nghỉ hưu chính thức” và dưỡng già.

Xin thầy đọc lá đơn này vào giờ sinh hoạt đầu tuần

“Sau đây là một số ý kiến em đóng góp cho nhà trường, những vấn đề thầy hiệu trưởng nói mà chưa làm: đó là hạ giá mì gói ở căngtin bằng với giá bên ngoài, trang bị máy nước nóng cho khu nội trú nam, lắp bốt điện thoại công cộng cho HS (nói từ năm ngoái).

Ngoài cấm hút thuốc lá, nhà trường cũng phải có biện pháp nào đó giúp HS bỏ thuốc chứ đừng chỉ dùng hình phạt. Cần phân bố đều số HS nam và nữ ở mỗi lớp. Cho phép HS truy cập mạng nhiều hơn.

Thời khóa biểu sắp xếp hợp lý hơn… Nếu được xin thầy hãy đọc lá đơn này vào giờ sinh hoạt đầu tuần để kiểm chứng, nếu không được thì cũng không sao”.

Đó là đoạn trích trong một bức thư dài mà thầy hiệu trưởng đã cẩn thận dùng bút màu tô đậm những đoạn quan trọng để kiểm tra và phản hồi kịp thời.

LƯU TRANG