10/01/2025

Những ngòi nổ trên biển: Bãi mìn ở Đông Bắc Á

Tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo ở Đông Bắc Á luôn là vấn đề gây căng thẳng quan hệ song phương giữa các nước trong khu vực.

 

Những ngòi nổ trên biển: Bãi mìn ở Đông Bắc Á

 

 

Tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo ở Đông Bắc Á luôn là vấn đề gây căng thẳng quan hệ song phương giữa các nước trong khu vực.


 

 

Những ngòi nổ trên biển: Bãi mìn ở Đông Bắc Á - ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước một tấm bản đồ vẽ nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc – Ảnh: AFP
Ba quốc gia Đông Bắc Á Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tranh chấp lẫn nhau về quyền kiểm soát các quần đảo, đảo nhỏ và bãi đá ngầm tại các vùng biển trong khu vực. Ngoài các cặp đối đầu Hàn Quốc – Nhật Bản; Nhật Bản – Trung Quốc; Hàn Quốc – Trung Quốc, còn có cả sự góp mặt của Nga trong các tranh chấp lãnh thổ tại đây.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư
Chính quyền Nhật Bản đã kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi sáp nhập nhóm đảo này vào năm 1895, ngoại trừ khoảng thời gian gián đoạn từ 1945 – 1972 khi bị Mỹ tiếp quản sau Thế chiến 2, nhưng Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện nhóm đảo trên từ thế kỷ 14.
Nhóm đảo tranh chấp hiện không có người ở nhưng được bao quanh bởi các ngư trường dồi dào hải sản. Vào năm 2010, một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật đã đâm vào nhau gần Senkaku/Điếu Ngư, gây ra cuộc tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước và dẫn đến việc Bắc Kinh tạm thời đóng băng các cuộc đàm phán thương mại song phương.
Kể từ đó, Senkaku/Điếu Ngư trở thành nguồn gốc gây căng thẳng giữa hai thế lực châu Á. Tháng 11 năm ngoái, hai bên đã lần lượt công bố các tài liệu chính thức nhằm chứng minh tuyên bố chủ quyền của mình.
Vào đầu tháng 4, tờ The New York Times đưa tin Tokyo đã điều động chiến đấu cơ xuất kích đến 943 lần trong 12 tháng (từ tháng 3.2014 – 3.2015), ngang với tần suất thời Chiến tranh lạnh. Phần lớn các đợt xuất kích đó nhằm ngăn cản máy bay Trung Quốc lượn lờ tại khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, bên cạnh dữ liệu có thể gây nên sự liên tưởng về nguy cơ xung đột giữa hai bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Indonesia trong Hội nghị cấp cao Á – Phi mới đây. Đó là tín hiệu cho thấy có vẻ như hai bên đã đạt được một thoả thuận tạm thời nào đó.
Takeshima/Dokdo
Hàn Quốc gọi chúng là Dokdo, trong khi cái tên Takeshima được ghi vào bản đồ Nhật Bản. Nơi này bao gồm 2 đảo chính và 35 mỏm đá nhỏ hơn. Trên nhóm đảo thuộc vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản này hiện có một cặp vợ chồng ngư dân Hàn Quốc sinh sống. Seoul hiện duy trì một đơn vị cảnh sát, nhân viên hành chính, người vận hành hải đăng và lực lượng tuần duyên đồn trú trên đảo.
Vào ngày 14.4.2015, Hàn – Nhật đã tổ chức phiên họp 2+2 về vấn đề an ninh đầu tiên trong vòng 5 năm, theo trang The Diplomat. Đây là động thái được đánh giá nhằm làm dịu căng thẳng song phương, nhưng các cuộc đối thoại trở nên xấu đi khi Nhật Bản một lần nữa đưa ra tuyên bố về chủ quyền đối với nhóm đảo.
Lịch sử tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng đã kéo dài từ vài trăm năm trước. Và điều thú vị là CHDCND Triều Tiên luôn ủng hộ tuyên bố của Hàn Quốc, bất chấp xung đột nội bộ giữa hai miền nam – bắc.
Ieodo/Tô Nham Tiêu
Vào cuối năm 2013, tờ The Atlantic có bài viết tựa đề: Liệu bãi đá ngầm nhỏ xíu này có châm ngòi cuộc khủng hoảng mới tại Hoa Đông? Bãi đá ngầm được nhắc đến có tên tiếng Anh là Socotra, trong khi người Hàn Quốc gọi là Ieodo, còn Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu.
Cái tên Ieodo/Tô Nham Tiêu một lần nữa thu hút sự chú ý trên trường quốc tế sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hồi tháng 11.2013, bao trùm luôn bãi đá này. Ngay lập tức, Seoul tuyên bố mở rộng vùng ADIZ của mình để gộp luôn cả vùng trời bên trên Ieodo/Tô Nham Tiêu. Tình hình càng rắc rối hơn khi bãi đá trở thành nơi chồng lấn của 3 vùng ADIZ, tính luôn của Nhật Bản, dù chính quyền Tokyo không đưa tuyên bố chủ quyền tại đây. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều cho rằng bãi đá ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.
Xung đột tại đây hầu như bị lu mờ trước các cuộc tranh chấp ồn ào hơn như Senkaku/Điếu Ngư. Thế nhưng, ở một số khía cạnh nào đó, Socotra cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói có thể đóng vai trò ngòi nổ cho chiến tranh khu vực.
Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc
Nhóm đảo được Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía bắc luôn là đề tài tranh chấp giữa hai nước kể từ khi Thế chiến 2 chấm dứt.
Khi lần đầu tiên xác lập quan hệ song phương, Nga và Nhật Bản đã ký hiệp ước Shimoda vào năm 1855, theo đó công nhận quyền sở hữu 4 hòn đảo ở phía nam quần đảo Kuril thuộc về Nhật Bản, phần còn lại ở phía bắc là của Nga. Các cộng đồng dân cư bắt đầu mọc lên và đến khi Thế chiến 2 bùng nổ, dân số Nhật Bản tại đây vào khoảng 17.000 người. Thế nhưng, vào năm 1945, Liên Xô đã đưa quân đến các hòn đảo này và trục xuất mọi cư dân Nhật Bản vào năm 1949.
Đến năm 1951, Hòa ước San Francisco nêu rõ Nhật Bản buộc phải từ bỏ mọi tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kuril, nhưng lại không công khai xác nhận tuyên bố của Liên Xô. Phía Tokyo lập luận rằng một số hòn đảo ở phía nam không thuộc về quần đảo Kuril nên không thuộc phạm vi hiệp ước.
Năm 2006, một tàu tuần tra Nga nổ súng vào tàu cá Nhật đang đánh bắt gần khu vực tranh chấp, khiến một thuỷ thủ Nhật thiệt mạng. Đến tháng 2.2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ giành lại nhóm đảo trên từ tay Nga. Tuy nhiên, Nga hiện vẫn tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại đây.
Cũng do tranh chấp mà Nga và Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký được hoà ước để chấm dứt Thế chiến 2.

Thụy Miên