10/01/2025

Người trẻ Nepal hối hả cứu trợ

Hơn một tuần sau động đất, hoạt động cứu trợ và tình nguyện vẫn hối hả khi còn nhiều người ở những ngôi làng đang gặp khó khăn.

 

Người trẻ Nepal hối hả cứu trợ

 

Hơn một tuần sau động đất, hoạt động cứu trợ và tình nguyện vẫn hối hả khi còn nhiều người ở những ngôi làng đang gặp khó khăn. 

 

 

 

Các nữ sinh trung học ở Kathmandu kêu gọi tham gia công tác tình nguyện trên đường phố – Ảnh: V.Phương

Công tác cứu trợ tiếp tục gặp rào cản thuế nhập khẩu và điều kiện hạn chế ở sân bay Kathmandu.

Tại một ngôi làng nhỏ trên sườn núi ở ngoại vi thủ đô Kathmandu, cảnh đổ nát có vẻ tồi tệ hơn ở thủ đô. Nhiều ngôi nhà tại đây bị sập do xây tạm bợ bằng gạch và đất. Các ngôi nhà kiên cố hơn bị nứt nghiêm trọng.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ, đội cứu hộ, cứu trợ của các nước như Ba Lan, Trung Quốc, Thái Lan đang có mặt tại đây phân phát lương thực cũng như giúp dọn dẹp đống đổ nát.

Nhiều người dân tự lo việc dọn dẹp, đập bỏ những bức tường gạch bị nứt. Hoạt động tình nguyện và cứu trợ ở Nepal vẫn hối hả như những ngày đầu mới xảy ra thảm hoạ.

Kêu gọi tình nguyện viên

Trước một trung tâm mua sắm trên đường Durbarmarg ở Kathmandu, nhóm ba học sinh nữ cầm hai tấm biển lớn kêu gọi mọi người tham gia công tác tình nguyện giúp đỡ những nạn nhân của động đất.

Niharuka Makego, một trong ba học sinh trung học, cho biết họ thuộc Tổ chức phi chính phủ Himalaya Climate Initiative của Nepal và chiến dịch kêu gọi tình nguyện của họ bắt đầu ngay sau những thời khắc xảy ra động đất hôm 25-4.

“Những tình nguyện viên đăng ký có thể tham gia rất nhiều hoạt động, từ nấu ăn, sửa chữa, đóng gói đồ cứu trợ, thu gom đồ cứu trợ từ sân bay, kho hàng – Niharuka nói – Chúng tôi cũng đưa tình nguyện viên đến các vùng khó khăn và bị thiệt hại nặng nề sau động đất”.

Học sinh Akarsha Shrestha cho biết có rất nhiều người Nepal tham gia tình nguyện và cũng có cả những người nước ngoài đăng ký.

Monika Parajuli khẳng định hiện có rất nhiều người muốn chung tay giúp đỡ các nạn nhân nhưng họ không biết phải làm gì. Tổ chức phi chính phủ mà các em đang tham gia sẽ giúp điều phối hoạt động tình nguyện viên cũng như phân bổ công việc rõ ràng, hiệu quả.

Trường học của các em vẫn đang đóng cửa sau động đất, do đó các em tận dụng thời gian để giúp đỡ các nạn nhân. “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể góp chút công sức cho đất nước mình” – Monika nói.

Đài phát thanh địa phương cho hay tại vùng tâm chấn của trận động đất là Gorkha đã xảy ra các vụ lở đất, sau khi có một dư chấn mạnh 5,1 độ Richter cùng ngày tại khu vực trên.

Một tình nguyện viên nước ngoài giấu tên đang tham gia công tác cứu trợ ở Nepal nói với Tuổi Trẻ rằng nhóm tình nguyện của cô đáng lẽ phải đi Gorkha từ tối 2-5 nhưng lở đất đã khiến chuyến đi bị trì hoãn lại cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Cấm máy bay vận tải hạng nặng

Đại diện Liên Hiệp Quốc mới kêu gọi Chính phủ Nepal nới lỏng các rào cản thuế quan để đảm bảo hàng cứu trợ đang đổ vào nước này đến được tay các nạn nhân.

Tuy nhiên, chính quyền Kathmandu than phiền họ nhận được những đồ cứu trợ không cần thiết như cá ngừ và xốt mayonnaise. Nepal đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu vải bạt và lều nhưng cho biết phải kiểm tra các món đồ cứu trợ khác.

Mới đây, sân bay quốc tế Tribhuvan (TIA) áp đặt lệnh cấm các máy bay vận tải hạng nặng chở hàng cứu trợ cùng các chuyến bay dạng thuê chuyến lớn đến Nepal. Truyền thông địa phương cho hay lệnh cấm này nhằm đảm bảo đường băng của TIA không bị hư hại thêm do tần suất hạ cánh tại đây.

Đường băng ở TIA đã khoảng 50 năm tuổi. Lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc các máy bay nặng trên 196 tấn sẽ không được phép hạ cánh ở TIA.

Tuy nhiên, các máy bay thương mại được phép hoạt động bình thường.

TIA cho hay nhiều nước trong đó có Mỹ và Canada kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm. Truyền thông Nepal nói lệnh cấm được áp đặt sau khi ba vết nứt trên đường băng được phát hiện. Một quan chức cấp cao ở TIA nói: “Nếu chúng tôi không áp đặt lệnh cấm này ngay lập tức thì sân bay quốc tế duy nhất của đất nước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa”.

Hiện các dư chấn đã ít và nhẹ đi dần, nhiều người đã trở về nhà. Hiệp hội Kỹ sư Nepal (NEA) bắt đầu việc đánh giá tình trạng an toàn của những ngôi nhà ở thủ đô Kathmandu. NEA cho biết 500 kỹ sư sẽ kiểm tra tình trạng của khoảng 1.500 ngôi nhà.

Các cấp độ đánh giá được chia ra: nhà không thể ở được hoặc bị phá hủy hoàn toàn, nhà có thể ở được sau khi tu sửa và nhà hoàn toàn an toàn. Theo NEA, khoảng 65-70% nhà cửa ở thủ đô là an toàn. Việc đánh giá cũng sẽ được tiến hành tại các vùng bị thiệt hại nặng.

Hơn 7.200 người đã chết

Theo AFP, Chính phủ Nepal cho biết hiện số người chết vì động đất đã tăng lên 7.250 người, ngoài ra còn có hơn 14.000 người bị thương. Ngày 3-5 nhà chức trách phát hiện 51 thi thể ở khu leo núi Langtang, trong đó có sáu người nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Ram Sharan Mahat cảnh báo số người chết sẽ còn tăng sau khi các đội cứu hộ tìm đến những ngôi làng vùng xa đã bị phá hủy hoàn toàn.

Hiện lực lượng cứu hộ Nepal đang sử dụng máy bay không người lái và bản đồ số để hỗ trợ hoạt động cứu nạn. Máy bay không người lái giúp tìm kiếm ở những khu vực không thể tiếp cận bằng đường bộ.

D.KIM THOA

VIỆT PHƯƠNG (từ Kathmandu)