27/11/2024

Thế trận tài chính châu Á – Thái Bình Dương

Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, Giáo sư Jeffrey Frankel cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều có não trạng sai lầm trong cuộc đua ảnh hưởng ở châu Á.

 

Thế trận tài chính châu Á – Thái Bình Dương

 

 

Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, Giáo sư Jeffrey Frankel cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều có não trạng sai lầm trong cuộc đua ảnh hưởng ở châu Á.

 

 

Nhiều người đang xem châu Á - Thái Bình Dương là bàn cờ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: ImasiaNhiều người đang xem châu Á – Thái Bình Dương là bàn cờ giữa Mỹ và Trung Quốc – Ảnh: Imasia

Có thể hình dung tình hình hợp tác – liên kết kinh tế và tài chính tại châu Á hiện nay như sau: Hai anh nhà giàu đang cố bảo vệ vị thế của mình và nhìn đối phương bằng ánh mắt đố kỵ. Thậm chí vị khách nào nhận lời tham dự bữa tiệc của bên kia thì có thể sẽ bị bên này “cạch mặt”. Thật vậy, dường như Mỹ và Trung Quốc đang có cùng cách đánh giá các mối quan hệ hợp tác tại châu Á – Thái Bình Dương là một cuộc đua thắng thì được tất, thua thì trắng tay.

AIIB hay TPP?
 
 

Thế trận tài chính châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 2

Ảnh: IMF

 

Jeffrey Frankel(ảnh), sinh năm 1952, là Giáo sư ngành hình thành và tăng trưởng vốn tư bản thuộc Đại học Harvard danh giá.

Từng giữ ghế thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Giáo sư Frankel là một trong những nhà kinh tế học vĩ mô hàng đầu thế giới.
Ông đứng đầu Chương trình kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế tại Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia của Mỹ, đồng thời là thành viên của Uỷ ban Vòng kỳ hạn kinh tế, đơn vị có quyền chính thức tuyên bố tình trạng suy thoái của Mỹ.

Dưới sự ảnh hưởng của truyền thông lẫn những tuyên bố, hành động từ cả hai phía, nhiều người rất hào hứng với các câu hỏi về sự đối đầu Mỹ – Trung trên mặt trận tài chính như ai sẽ gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng (AIIB)? Ai sẽ ngả theo Mỹ khi chọn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Trung Quốc sẽ được chào đón hay sẽ mất mặt khi Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cự tuyệt đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ chung mang tên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR)? Liệu Mỹ vẫn trụ vững ở vị trí nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hay đã bị Trung Quốc vượt mặt?

Dù những câu hỏi trên rất hấp dẫn để bàn tán quanh ly cà phê, chúng không phải là phương thức đúng đắn để mường tượng về nền kinh tế toàn cầu. Không có lý do gì mà các nước không thể tham gia cả AIIB lẫn TPP, hoặc thậm chí là không có lý do gì hai “vị chủ nhà” không tham gia bữa tiệc của đối phương. Điều không may là não trạng “được ăn cả ngã về không” vẫn đang chiếm lĩnh giới hoạch định chính sách tài chính – kinh tế. Khi Anh, Đức, Hà Lan, Úc và nhiều nước khác vào tháng 3 bất ngờ quyết định tham gia AIIB, nhiều tờ báo và chuyên gia lập tức coi đây là một cuộc “đào ngũ tập thể” của đồng minh Mỹ chạy sang phe đối thủ.
Tuy nhiên, không có gì sai trái khi gia nhập AIIB. Châu Á cần thêm sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng khác ngoài Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á và sự tham gia của những quốc gia tiên tiến với các tiêu chuẩn quản trị chặt chẽ có thể giúp ngăn chặn những căn bệnh ám ảnh khu vực lâu nay, nhất là trong những dự án hạ tầng quy mô lớn, như tham nhũng, móc ngoặc, tư bản thân hữu, tổn hại môi trường…
Tương tự, nhiều nhà phân tích Trung Quốc hùng hồn khẳng định TPP là nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập nước này. Thế nhưng, với một khu vực có khối lượng giao thương khổng lồ và những thỏa thuận thương mại dày đặc như châu Á – Thái Bình Dương, cô lập một bên nào đó không có lợi cho ai cả. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bị trì trệ suốt nhiều năm, TPP và các sáng kiến khu vực khác (như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và vô số thỏa thuận tự do thương mại nội khu) là những sự thay thế hữu hiệu.
Mỹ trước sức ép cải cách
Tỷ suất hối đoái là một vấn đề khác mà thái độ “một tấc không nhường” đang gây nhiều tác động. Ngày 9.4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo 6 tháng/lần theo yêu cầu của quốc hội nhằm liệt kê những quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ”. Lần này, không có nước nào, kể cả Trung Quốc, bị điểm mặt. Tuy nhiên, giới chức tài chính Mỹ cho rằng vẫn phải tiếp tục gia tăng lên các “nghi phạm”, thế là quốc hội nước này tiếp tục đưa ra những lời đe dọa trừng phạt, gây thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán TPP và những thỏa thuận thương mại khác.
Kế đến là SDR. Cứ mỗi 5 năm, IMF lại tiến hành tái đánh giá kết cấu rổ tiền tệ chung của mình, hiện gồm USD, euro, yen, và bảng Anh. Nhân dân tệ của Trung Quốc đến nay không chắc có thể được tham gia nhóm này do chưa được “sử dụng rộng rãi”. Nhiều người sẽ lại hả hê cho rằng đây là thất bại mới của Trung Quốc, nhưng hả hê chưa bao giờ là một thái độ tốt.
Minh chứng rõ ràng nhất về tác động tai hại của não trạng đối đầu quá mức là vấn đề cải cách về hạn ngạch đóng góp cho nguồn quỹ của IMF. Với vị thế hiện nay của mình, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đang nổi khác xứng đáng có được hạn ngạch đóng góp lớn hơn, đồng nghĩa với lá phiếu của họ sẽ nặng ký hơn. Nhiều nước châu Âu tỏ ra ngần ngừ trước viễn cảnh phải thu hẹp quyền lợi của mình nhưng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2010 ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thành công trong việc thuyết phục các bên đồng thuận với tái phân bổ quyền đóng góp cho IMF. Vậy mà 5 năm sau thành quả trên, quốc hội Mỹ vẫn đang tiếp tục trì hoãn thông qua chuyện cải cách này.
30 năm trước đây, phương Tây không mong muốn gì hơn ngoài chuyện thúc đẩy Trung Quốc thành một nền kinh tế mang dáng dấp tư bản và họ đã thành công. Luật chơi hiện nay đòi hỏi phải để Trung Quốc có phần lớn hơn trong việc quản trị các thể chế quốc tế để cùng hướng tới mục tiêu quan trọng nhất: hòa bình và thịnh vượng cho thế giới. Vả lại, thả chỗ này thì mới siết được chỗ khác. Nếu quốc hội Mỹ tiếp tục gây trì trệ cho quá trình cải cách IMF thì Mỹ không thể trách cứ Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác theo đuổi các sáng kiến riêng như AIIB.
Chúng ta thường nghe về quyền lực rắn và quyền lực mềm. Tuy nhiên, có một dạng quyền lực khác – sức hút khiến cả thế giới phải hướng về, nhất là trong vai trò cầm trịch tài chính – kinh tế. Ngay cả khi Mỹ phạm phải những sai lầm khủng khiếp về ngoại giao tại Iraq và những nơi khác, và thậm chí sau khi GDP của Trung Quốc được cho là đã bắt kịp Mỹ (ít nhất về khoản sức mua tương đương), thế giới vẫn trong tâm thế nhìn về Washington trong những vấn đề như cải cách IMF và cải cách thương mại. Nếu vẫn cứ trì trệ và bế tắc trong thái độ “kẻ thắng làm vua”, Mỹ sẽ dần mất đi năng lực vận dụng quyền đi đầu và tất yếu là thế giới sẽ nhìn về hướng khác.

Jeffrey Frankel 
(Cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Bill Clinton)