10/01/2025

Để làm du lịch được khách khen

Khách du lịch không có chỗ ở được mời vào nhà ở miễn phí, ăn uống đi lại không bị “chặt chém”. Hình ảnh khác biệt trên diễn ra ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đà Nẵng, Hội An…

 

Để làm du lịch được khách khen

Khách du lịch không có chỗ ở được mời vào nhà ở miễn phí, ăn uống đi lại không bị “chặt chém”. Hình ảnh khác biệt trên diễn ra ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đà Nẵng, Hội An… Liệu các điểm du lịch khác làm được như vậy? 


* TS NGUYỄN MINH HOÀ (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Nghỉ lễ hợp lý để bớt nạn “chặt chém”

Trong những ngày lễ vừa qua, hầu như khu vui chơi, điểm du lịch nào cũng đông nghẹt du khách, chứng tỏ chúng ta còn thiếu những điểm vui chơi, du lịch. Đã vậy không ít trường hợp đi vui chơi, nghỉ dưỡng nhưng lại chuốc lấy phiền toái vì đi lại khó khăn, ồn ào và gặp phải tình trạng “chặt chém”.

Thời điểm bình thường, nhiều khu du lịch, vui chơi quá ít khách, khi vào dịp lễ, khách đến đông nên chủ nhà hàng, khách sạn tại các điểm du lịch, vui chơi đều tăng giá để bù đắp cho ngày thường. Việc kiểm tra xử lý những trường hợp này không phải dễ vì việc tăng giá không phải là cá biệt. Kiểm tra, xử lý trong dịp này chỉ mang tính đối phó, rồi đâu lại vào đấy.

Vấn đề là cơ quan chức năng cần có một chiến lược phát triển các loại hình du lịch, vui chơi hợp lý. Ở tầm vĩ mô hơn, cơ quan thẩm quyền cần phân bổ các ngày nghỉ lễ rải đều trong năm, không nên cho nghỉ nhiều ngày vào những dịp lễ.

Ngay cả các công ty khi bố trí cho cán bộ công nhân viên nghỉ đi du lịch, vui chơi cũng nên tránh các ngày lễ. Làm tốt được chuyện này thì lượng du khách sẽ được phân bổ tương đối đều tại các địa điểm du lịch, từ đó giá cả sẽ tự động điều chỉnh hợp lý.

* TS HUỲNH THỊ NGỌC TUYẾT (nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ):

Phải nghĩ đến lòng “trung thành” của khách hàng

Những người làm du lịch và chính quyền địa phương phải nghĩ đến lòng “trung thành” của khách hàng đối với thương hiệu du lịch của mình.

Trong một năm có rất nhiều dịp để người ta đi du lịch: cuối tuần với những chuyến đi ngắn; lễ, tết, hè… với những chuyến đi dài… Kinh tế càng phát triển, nhu cầu nghỉ ngơi, đi du lịch của người dân tăng cao chứ không phải chỉ đi một lần trong đời cho biết và không bao giờ quay lại.

Vì thế các điểm, dịch vụ du lịch xây dựng được sự tin tưởng của khách hàng là một lợi thế rất lớn. Những người làm du lịch cần có ý thức xây dựng thương hiệu để kinh doanh lâu dài.

Cách làm du lịch của huyện đảo Lý Sơn là một cách làm hay, cần nhân rộng. Khách du lịch đến nhiều vào dịp lễ, tết là một cơ hội để địa phương quảng cáo, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của khu du lịch.

Các dịch vụ không nên tăng giá, thậm chí còn có thể giảm giá và lấy lợi nhuận số đông để bù lại. Một người khách ra về hài lòng sẽ giới thiệu thêm hai người đến và năm sau sẽ có khách gấp đôi năm trước. Đó mới là cách làm khôn ngoan, chứ không phải tăng giá để “hốt” một lần rồi lần sau không bao giờ có dịp gặp lại khách.

* TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM):

Nên quy định giá trần các dịch vụ du lịch

Các cơ quan chức năng nên tuyên truyền để những người tăng giá dịch vụ hiểu rằng làm như thế là tự hại mình về sau – giống như hái quả mà vặt trụi cả lá thì mùa sau sẽ không còn nhiều quả ngon để hái.

Tuy nhiên từng cá nhân, từng tổ chức không thể tự mình điều chỉnh chuyện này mà phải có Nhà nước quản lý, chẳng hạn như có thể quy định giá trần cho các loại dịch vụ. Đồng thời yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân làm du lịch phải công khai niêm yết giá trần tại nơi kinh doanh và có đường dây nóng để khách hàng gọi đến phản ảnh.

Biện pháp này không khó thực hiện, nhưng thực hiện thế nào và hiệu quả đến đâu tuỳ thuộc vào cơ quan chức năng. Khắc phục hiện tượng tăng giá dịch vụ trong các dịp lễ tết không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hoá ứng xử trong cộng đồng xã hội.

* Du khách ĐẶNG HỒNG DƯƠNG (Hà Nội):

Đà Nẵng tạo sự khác biệt

Cung cách phục vụ và môi trường ở Đà Nẵng thật sự tạo ấn tượng đối với du khách.

Dịp lễ vừa qua du khách đổ về Đà Nẵng rất đông nhưng ở các quán ăn, chúng tôi vẫn được đối xử, phục vụ với giá cả như ngày thường. Khách bước vào quán, giá được niêm yết trên thực đơn rõ ràng nên không có tình trạng “chặt chém”.

So với nơi tôi sống và cả những tỉnh thành khác mà tôi đã đi du lịch thì Đà Nẵng tạo sự khác biệt rõ ràng.

Sự khác biệt ở đây là môi trường biển và không gian vui chơi, nghỉ ngơi mà du khách được tận hưởng. Từ khách sạn đến các điểm tham quan chúng tôi đều cảm nhận được thái độ phục vụ du khách của người Đà Nẵng rất rõ nét.

Không gian về đêm ở Đà Nẵng cũng khá yên bình, bước lên taxi dạo phố hay muốn đi đến một điểm mua sắm nào đó trong TP chúng tôi cảm giác rất an tâm, vì ở đây rất hiếm khi xảy ra nạn tài xế taxi cố chạy lòng vòng để lấy thêm tiền của khách.

Bạn hỏi vì sao tôi chọn Đà Nẵng để nghỉ ngơi trong các ngày lễ ư? Đơn giản là ở Đà Nẵng tôi thấy mình tự tin khi bước từ trong khách sạn ra phố hay đi vào quán ăn bất kỳ nào đó…

* TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội TP Đà Nẵng):

Dân cùng xây dựng thành phố đáng sống

Truyền thống xưa nay của người Đà Nẵng là luôn tự hào về mảnh đất quê hương. Tinh thần cố kết, tự hào luôn hiện diện trong lao động sản xuất đã gặp điều kiện thứ hai là chính quyền trong nhiều thời kỳ xây dựng Đà Nẵng thành một thương hiệu mạnh tầm quốc gia và quốc tế về sức thu hút của một thành phố đang vươn lên, muốn thay đổi, muốn tạo sự khác biệt.

Và gần đây nhất là xuất hiện thuật ngữ “thành phố đáng sống”. Từ khoảng năm 2010, thuật ngữ “thành phố đáng sống” đã được đưa vào nghị quyết của HĐND thành phố và mọi người bắt đầu đi tìm các tiêu chí của “thành phố đáng sống” ấy.

Các tiêu chí để xây dựng một “thành phố đáng sống” dựa trên các khía cạnh từ hạ tầng, môi trường đến chất lượng sống và cả thái độ ứng xử được công khai rộng rãi. Từ đó người dân Đà Nẵng đọc được những thông tin này, họ biết chủ trương của chính quyền xây dựng “thành phố đáng sống” và dân đã hưởng ứng. Dân cố gắng hưởng ứng và khẳng định giá trị thương hiệu Đà Nẵng là có thật chứ không phải để tôn vinh, họ bắt tay vào làm.

Ngoài ra, Đà Nẵng có các thủ lĩnh dám nghĩ dám làm, thủ lĩnh ở đây là các bạn trẻ. Tôi đọc rất nhiều trên mạng thấy họ lập ra các diễn đàn, các câu lạc bộ, nhóm người yêu Đà Nẵng… Họ tự giới thiệu, quảng bá về Đà Nẵng.

Nếu như có một điều gì không tốt trong cộng đồng thì trên các diễn đàn ấy sẽ có ý kiến đề nghị điều chỉnh, tìm ra giải pháp. Vì vậy từ đó đã sinh ra các mô hình như người trẻ dạy tiếng Anh miễn phí cho tiểu thương, các câu lạc bộ hướng dẫn du lịch miễn phí, địa điểm tham quan, tủ sách thiện nguyện miễn phí bên đường… 

Bên cạnh đó, yếu tố sức lan tỏa của các hành động tốt, nghĩa cử đẹp có ý nghĩa rất lớn. Ví dụ người dân khi thấy việc người này làm hoặc họ đọc trên báo, trên mạng hay các hoạt động của bạn bè sẽ trở thành trào lưu của họ. Mà khi người trẻ đã làm, đã nhặt rác thì một ai đó không thể làm khác đi. Đầu tiên họ hưởng ứng thụ động, sau đó trở thành thói quen và cuối cùng lặp đi lặp lại tạo thành phong trào nếp sống. 

Để người dân có được các hành động như vậy thì chính quyền kiểm soát trước. Chính quyền đầu tiên vận động, sau đó ra các quy chế kiểm soát. Nên nhớ thành phố Đà Nẵng có mô hình “năm không ba có”, trong đó có nếp sống văn hoá văn minh đô thị. Phải nói rằng bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận huyện xã phường và cả tổ dân phố đều tham gia công việc này.

Từ chỗ dân bị cưỡng bức trở thành thói quen. Vừa rồi có một khách sạn ở Đà Nẵng “chặt chém” người ta phạt tột khung liền, dân nhìn vào tấm gương đó và họ sẽ tự điều chỉnh mình. Cái thứ hai là quán ăn nào cũng có giỏ rác, ban đầu là bắt buộc phải bỏ rác vào giỏ nhưng sau thành thói quen.

Bây giờ khi ăn thấy ai cũng bỏ rác vào đấy nên mình cũng bỏ vào, không thể làm khác được, nếu mình vứt rác ra ngoài sẽ rất kỳ cục.

Một cụ bà Lý Sơn đón một nhóm du khách vào ở với mình – Ảnh: Trần Mai

Mời khách du lịch vào ở miễn phí nhà cổ Lý Sơn

Thông tin từ Ban quản lý cảng Lý Sơn cho biết trong dịp lễ đã có trên 8.000 lượt khách du lịch đến đảo. Vì các nhà nghỉ, khách sạn trên đảo quá tải nên hàng trăm hộ dân trên đảo đã tự nguyện mời khách vào ở miễn phí, đồng thời hỗ trợ phương tiện đi lại trên đảo.

Ông Dương Quang Định – chủ nhà cổ gần 200 năm tuổi ở thôn Tây, xã An Hải – cho biết: “Lần đầu ra đảo, khách du lịch còn bỡ ngỡ vì không thuê được nơi ngủ nghỉ và xe cộ đi lại nên vợ chồng tôi tự nguyện mời 25 khách du lịch Hà Nội và Đà Nẵng về ngủ nghỉ miễn phí”. Nhiều trường học, công sở cũng mở cửa để đưa khách vào ở miễn phí trong dịp này.

Ông Phạm Khương Sinh, phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lý Sơn, cho biết trong dịp lễ cơ sở này đã mở cửa đón 60 khách du lịch không thuê được phòng nghỉ vào ở miễn phí, đồng thời hướng dẫn khách đặt cơm giá rẻ do người dân trên đảo nấu giúp. Văn Mịnh

* Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ (giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi):

Lý Sơn giữ được bản sắc văn hóa riêng

Lý Sơn là đảo đặc thù mang nhiều yếu tố văn hóa truyền thống từ hàng trăm năm trước gắn liền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho đến nay vẫn còn được lưu giữ. Chính nét văn hóa làng xã này còn tồn tại mà việc đón tiếp du khách theo một nét riêng. 

Mọi sinh hoạt của người dân Lý Sơn gắn liền với yếu tố biển đảo. Vẻ chân chất mộc mạc bao đời, đạo đức xã hội đến nay vẫn còn gìn giữ. Người Lý Sơn rất hiếu khách. Họ ứng xử theo tình làng nghĩa xóm. Chính vì thế trong dịp lễ này lượng du khách quá đông thì người dân không thể làm ngơ.

Chỉ cần thấy du khách khó khăn tìm kiếm chỗ ở, họ sẽ lập tức mời vào nhà. Sự phát triển của kinh tế – xã hội khiến nhiều nơi trong đất liền không còn giữ được điều này. Trong khi đó Lý Sơn không bị giao lưu tiếp biến phá vỡ yếu tố văn hoá truyền thống. 

Chính du khách cũng tạo được tình cảm thân thiện với người dân. Phần lớn du khách đến Lý Sơn ngoài việc tham quan các cảnh đẹp tự nhiên, nét đẹp của các đình làng, di tích văn hoá lịch sử… còn đến vì lòng yêu nước, cảm phục sự can trường bám biển của ngư dân, muốn tìm hiểu về câu chuyện mở mang bờ cõi của các thế hệ cha ông. Điều này cũng khiến người dân quý mến du khách.

Ngoài ra, thời gian qua Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh du lịch tại đảo Lý Sơn, cũng như đưa đoàn đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở Hội An.

Trước lễ mười ngày, sở mời khoảng 20 công ty lữ hành lớn trong nước đến Lý Sơn gặp gỡ các cơ sở lưu trú cho du khách để chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay du lịch Lý Sơn chủ yếu tự phát là chính. Thế nhưng khi các công ty lữ hành ra, rất nhiều người dân dù không làm du lịch vẫn đến nghe, thậm chí những cụ già đã 70-80 tuổi cũng tham gia. 

 

D.NGỌC HÀ – QUANG KHẢI – HỮU KHÁ – TRẦN MAI ghi