10/01/2025

Ấn Độ: Nền giáo dục học vẹt đẻ ra ‘robot’

Học vẹt, áp lực từ thi cử kiểu kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, nữ sinh Payali (15 tuổi) cũng như bao học sinh Ấn Độ khác biết rõ hành động của mình là sai trái nhưng vẫn phải làm khi giấu tài liệu đem vào phòng thi.

 

Ấn Độ: Nền giáo dục học vẹt đẻ ra ‘robot’

 

 

 Học vẹt, áp lực từ thi cử kiểu kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, nữ sinh Payali (15 tuổi) cũng như bao học sinh Ấn Độ khác biết rõ hành động của mình là sai trái nhưng vẫn phải làm khi giấu tài liệu đem vào phòng thi.


 

Ấn Độ: Nền giáo dục học vẹt đẻ ra 'robot' - ảnh 1

Một lớp học đông đúc, chật kín học sinh ở bang Rajasthan, Ấn Độ – Ảnh: Reuters

Buộc phải gian lận
Cũng giống như nhiều học sinh khác, áp lực thi cử quá căng thẳng buộc Payali đem tài liệu vào phòng thi quay cóp, bởi vì thi rớt, học hành không đến nơi đến chốn sẽ đẩy lùi cơ hội thoát nghèo của nữ sinh này và gia đình của cô bé, theo AFP ngày 3.5.
“Có quá nhiều bài vở phải ghi nhớ, học thuộc lòng và áp lực từ cha mẹ, giáo viên và thậm chí cạnh tranh với các bạn cùng trang lứa”, nữ sinh Payali, không chịu tiết lộ họ của mình, cho AFP biết.
Sử dụng nhiều kiểu quay cóp tài liệu, từ tài liệu photocopy thu nhỏ cho đến camera nhỏ công nghệ cao, tình trạng gian lận thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Ấn Độ, nơi chính phủ đặt nặng vai trò của thi cử, điểm số, thành tích học tập, AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Hồi tuần rồi, truyền hình Ấn Độ chiếu cảnh hàng chục phụ huynh, người thân, bạn bè của học sinh đã leo tường để ném “phao” vào trong phòng thi cho các thí sinh. Vụ việc này sau khi bị phanh phui trên báo đài khiến hơn 700 học sinh bị đuổi học, và thậm chí 8 cảnh sát bị bắt giữ vì hỗ trợ học sinh gian lận thi cử.
Ông Arjun Dev, cựu quan chức chính phủ Ấn Độ từng chịu trách nhiệm về quản lý giáo dục, cho biết cứ học vẹt, xem trọng những bài thi kiểm tra kiến thức học thuộc lòng đã tiêu diệt sự sáng tạo và khả năng tư duy của học sinh.
“Hệ thống giáo dục hiện hành đã làm thui chột học sinh. Hệ thống này không hề trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết mà chỉ đặt nặng vào thi cử, và bằng cấp lại được mù quáng xem là tấm vé cho thành công trong cuộc sống”, ông Dev cho hay.
“Nếu không cải tổ hệ thống giáo dục, gian lận thi cử vẫn sẽ tràn lan trong các kỳ thi”, ông Dev nhấn mạnh.
Nền giáo dục đẻ ra robot
Căng thẳng leo thang trong những tháng trước thềm cuộc thi tốt nghiệp phổ thông hằng năm và mùa thi vừa kết thúc ở Ấn Độ. Học sinh Ấn Độ kỳ vọng đạt được điểm cao và đó cũng là con đường duy nhất để có một công việc ổn định hay tấm vé vào đại học.
Đối phó với một hệ thống giáo dục học tập – thi cử nặng nề, nhiều gia đình Ấn Độ làm đủ mọi thứ, thậm chí cả giúp con em gian lận thi cử với mong mỏi chúng sẽ thi đậu, đạt điểm cao để có một tương lai tốt đẹp.
Rakesh Kumar, tốt nghiệp hồi năm 2008, không hề cảm thấy hối hận trước hành động gian lận thi cử của anh ta. Kumar đã đem tài liệu photocopy thu nhỏ vào phòng thi, nhét dưới đồng hồ đeo tay và vớ.
“Đôi lúc giám thị chẳng thèm quan tâm, thậm chí phớt lờ thí sinh gian lận… điều này rất có ích cho tôi. Thú thật mà nói tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải gian lận”, anh Kumar chia sẻ. Kumar giờ đây kiếm được 400 USD/tháng nhờ điều hành một cửa hàng bán thảo dược ở thủ đô New Delhi.
Những học sinh khá giả thì trang bị camera có chức năng thu phát Bluetooth giấu trong cúc áo, cà vạt, bút và áo ngực để trao đổi với người ở bên ngoài phòng thi. Những thiết bị “quay bài” kỹ thuật số này được bày bán khắp nơi tại Ấn Độ, AFP cho hay.
Ấn Độ: Nền giáo dục học vẹt đẻ ra 'robot' - ảnh 2

Phụ huynh học sinh trèo tường ném ‘phao thi’ vào phòng thi – Ảnh chụp màn hình video của 
hãng tin ANI (Ấn Độ)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người lên nắm quyền từ tháng 5.2014, từng lên tiếng kêu gọi cải tổ giáo dục, từ học vẹt sang đào tạo những kỹ năng cần thiết cho học sinh.
“Bộ máy giáo dục của chúng ta không thể là cỗ máy đẻ ra những con robot. Điều này chỉ xảy ra trong phòng thí nghiệm”, ông Modi nói trong một sự kiện tại một trường đại học ở Ấn Độ hồi tháng 12.2014.
Bộ trưởng Giáo dục Ấn Độ Smriti Irani từng tuyên bố sẽ tăng ngân sách giáo dục từ 4% lên đến 6% GDP cùng với chính sách mới áp dụng từ tháng 12.2015, đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Các chuyên gia giáo dục Ấn Độ hoan nghênh động thái này của Bộ Giáo dục, nhưng lo ngại hàng triệu người trẻ Ấn Độ không đủ kỹ năng đã đổ vào thị trường lao động nước này.

Phúc Duy