10/01/2025

Người “cầm cân” của lớp con!

Còn nhớ trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học cho con gái, cô giáo chủ nhiệm nói mỗi khi các con có thắc mắc, bức xúc gì, các bậc phụ huynh hãy để con tự lên tiếng.

 

Người “cầm cân” của lớp con!

 

Còn nhớ trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học cho con gái, cô giáo chủ nhiệm nói mỗi khi các con có thắc mắc, bức xúc gì, các bậc phụ huynh hãy để con tự lên tiếng.


 

 

Bởi cô cho rằng nhiều phụ huynh vì thương con nên bất chấp nội quy, sẵn sàng can thiệp vào chuyện trẻ con, nhiều khi khiến các em không biết sợ ai do có “bức bình phong” che chắn nên không coi nội quy trường lớp ra gì. Điều này được đa số phụ huynh ủng hộ. Nhưng có vài cánh tay giơ lên cho rằng nếu con họ bị bạn bắt nạt, ức hiếp thì phụ huynh cũng cần phải “nhúng tay” vào chứ. 

Cô giáo cười rồi giải thích cặn kẽ: “Hãy để con được tự lập ngay cả trong suy nghĩ. Đừng để các em ỷ quá nhiều vào bố mẹ sẽ thành quen. Chuyện các em bị bạn bắt nạt thì phụ huynh có ý kiến nhưng nếu chỉ là sự bất đồng nhỏ, xích mích nhỏ giữa các thành viên trong lớp thì phụ huynh nên để tự các em có ý kiến và giải quyết nội bộ. Con sẽ trở nên dựa hơi, thiếu chủ động trong cuộc sống nếu bố mẹ tự ý làm thay con…”.

Cô mở hộp thư “Nhỏ to tâm sự” để các thành viên trong lớp có thắc mắc gì, ấm ức gì thì viết vào tờ giấy rồi chuyển lên cho cô. Cô sẽ đọc và nói chuyện riêng để tháo gỡ. Cuối cùng tất cả phụ huynh đều đồng thuận với ý kiến của cô giáo. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm vì cô giáo sẽ là người “cầm cân nảy mực” cho học trò, phụ huynh không cần phải quá căng thẳng, nôn nóng.

Thật sự là sau đó những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi chờ đợi tín hiệu tốt từ phương pháp của cô. Để ý thi thoảng có việc gì đó mà con thấy bị oan ức như bị bạn bắt nạt, bạn mượn sách không chịu trả hay bạn chép bài con đều “nhỏ to tâm sự” với cô giáo.

Mới tuần trước con nhận điểm 1 môn toán bị oan. Con nói rằng bạn ngồi dưới chép bài của mình nên hai bài giống nhau, cô giáo phạt cả hai để cảnh cáo. Con cho rằng như vậy là oan ức vì con không cố ý cho bạn chép bài nên không có lỗi. 

Nhìn con nắn nót từng câu từng chữ “trình bày” với cô giáo tự minh oan cho mình chứ khăng khăng không chịu để bố mẹ “ra tay”, không cầu cứu bố mẹ, tôi thấy cô giáo của con thật sự rất sáng suốt khi tạo cơ hội tự lập, chủ động cho học trò. 

Thật may cô giáo đã sửa lại điểm cho con, những ấm ức bị dẹp tan, con cảm thấy vui vẻ vì cô rất công minh. Tôi nhớ có một lần khác con bị trừ điểm hạnh kiểm chỉ vì đi học muộn. Mặc dù bị cô giáo nhắc nhở nhưng con tỏ ra rất phấn khởi vì ở lớp luôn có sự công bằng chứ cô không thiên vị ai, kể cả đó là bạn lớp trưởng hay lớp phó. 

Con không muốn dựa dẫm vào bố mẹ mà tự thân vận động, tôi nhận ra con “người lớn” hơn rất nhiều từ chính phương pháp giáo dục mà cô giáo đề ra: “Hãy để các em được nói lên suy nghĩ của mình”. Mỗi khi được cô giáo minh oan, lại không sợ bị bố mẹ dò xét, can thiệp sâu vào chuyện trên trường lớp nên con tỏ ra rất thoải mái, tự do chứ không gò bó, chịu sức ép từ bố mẹ. 

Tôi biết rằng chuyện con tự mình đứng lên để báo cáo cô dẫu  nhỏ nhưng lại có ý nghĩa tích cực. Không thể chuyện gì phụ huynh cũng “nhảy bổ” vào làm cho kỷ cương, trật tự của lớp bị đảo lộn, lại vô tình khiến con cứ “ký sinh” mãi vào bố mẹ, không chịu lớn.

Tôi suy ngẫm rất nhiều câu nói của cô giáo: “Hãy thương con đúng cách”. Những nỗi oan nho nhỏ của con được cô giáo tháo gỡ khiến tôi rất yên tâm. Con không dựa bóng bố mẹ, không dựa vào tiếng nói của bố mẹ mà tự đi trên đôi chân mình. 

Nhiều hôm đi học về con lại hào hứng kể chuyện lớp, chuyện trường, chuyện các bạn “nhỏ to tâm sự” với cô giáo, tôi nhận ra con rất thích thú mỗi buổi đến trường. Thiết nghĩ thầy cô không chỉ là người cầm phấn giỏi, tròn vai trên bục giảng mà đôi lúc còn phải vào vai người “cầm cân nảy mực” công minh, sáng suốt của học trò.

Buổi họp phụ huynh nhân văn

1. Sau khi thông báo kết quả học tập, rèn luyện của lớp, cô giáo đề cập đến vấn đề kinh phí tổ chức lễ ra trường và liên hoan cuối năm cho học sinh. Cô nói thay vì thông báo cho học sinh số tiền phải đóng rồi thì các em cũng sẽ về xin phụ huynh.

Nhưng có cháu vì hoàn cảnh sẽ không đóng được, dù cô và tập thể lớp có tạo điều kiện nhưng vì mặc cảm các cháu này sẽ không đến dự ngày lễ ra trường – liên hoan cuối năm, như thế niềm vui các cháu sẽ không được trọn vẹn.

Thôi thì nhân buổi gặp gỡ này cô cũng mong quý phụ huynh của ít lòng nhiều ủng hộ cho các cháu có một buổi lễ ra trường ấm cúng, tạo dấu ấn trong cuộc đời học sinh của các cháu.

Nếu số tiền ủng hộ chưa đủ, mỗi em cũng chỉ phải góp thêm vài ba chục ngàn đồng, đó là số tiền mà cô nghĩ em nào cũng có thể tham gia được. Có lẽ điều cô nói đã chạm đến trái tim các bậc cha mẹ, nhiều vị không ngần ngại móc hầu bao. Đóng tiền mà phụ huynh không thấy nặng nề, kể cũng lạ.

2. Trước khi kết thúc buổi họp, cô gửi lời cảm ơn chân thành đến phụ huynh vì theo cô: “Con nên nhờ bố mẹ, cháu ngoan nhờ ông bà”. Nhờ gia đình bảo ban mà cô có được niềm vui khi có những học trò đáng yêu như thế.

Cô cũng cảm ơn cả những lời “mắng vốn” đúng lúc của phụ huynh giúp cô kịp thời nắm bắt những áp lực, khó khăn mà học sinh đang đối mặt để có hướng khắc phục. Cô giáo tâm lý như thế sao phụ huynh dám làm phụ huynh cá biệt!

Cảm ơn cô giáo chủ nhiệm đã xoá đi trong tôi và 43 phụ huynh khác định kiến đi họp phụ huynh là muối mặt nghe mắng vốn và nặng nề chuyện đóng góp các khoản phí. Tan họp về mà lòng vẫn lâng lâng niềm vui, ước gì buổi họp phụ huynh nào cũng nhân văn như thế! 

NGUYEN KIEN

CAO LONG