10/01/2025

Học sinh ‘cá biệt’

Trong nhiều nguyên nhân khiến một số học sinh bị gọi là “cá biệt” có sự tác động rất lớn từ phương pháp giáo dục của cha mẹ và thầy cô.

 

Học sinh ‘cá biệt’

 

 

Trong nhiều nguyên nhân khiến một số học sinh bị gọi là “cá biệt” có sự tác động rất lớn từ phương pháp giáo dục của cha mẹ và thầy cô.

 

 

Học sinh 'cá biệt' - ảnh 1
Học sinh 'cá biệt' - ảnh 2
Học sinh 'cá biệt' - ảnh 3
Học sinh 'cá biệt' - ảnh 4Trong số các học sinh tham gia đánh nhau trong trường học, nhiều người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt  – Ảnh: cắt từ clip
Mỗi học sinh, một hoàn cảnh
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 tại một trường THPT ở Q.Tân Bình, TP.HCM kể cho chúng tôi về câu chuyện của học sinh (HS) có tên là Ng. “Khi tôi mời mẹ của Ng. vào, vừa mới trao đổi được mấy câu, bà đã quát tháo con gái như tạt nước vào mặt: “Tối nay về nhà, thằng cha mày sẽ giết mày!”. Con bé run bắn người lên, nó vừa đập đầu vào tường vừa giận dỗi: “Để con chết cho coi! Để con chết cho coi!…”. Tôi hoảng quá chỉ biết nhào đến kéo con bé ra rồi nói thôi chị về đi, lúc này không giải quyết được gì đâu. Tôi sẽ trao đổi sau với chị qua điện thoại”, giáo viên này thuật lại câu chuyện.
Câu chuyện trên chỉ là một điển hình cho rất nhiều biểu hiện khác đáng lo ngại về tâm thần của HS. Nhìn vào thực tế nhà trường vẫn dễ dàng nhận thấy nhiều biểu hiện “có vấn đề” về tâm lý như: chán học, sợ điểm số, đau đầu chóng mặt với kiến thức, nôn ói với thi cử, sợ đến lớp… Số khác thì chây lười, phá phách. Vì không có được “thể diện” như những HS khác là học giỏi, hát hay… các HS này thể hiện mình bằng các hành vi tiêu cực. Giờ học thì mệt mỏi nhưng giờ chơi thì manh động cơ bắp. Sẵn sàng làm “anh hùng rơm” chỉ qua một cái nhìn “đểu”; có thể gây án mạng cho kẻ khác chỉ vì vài câu nói xích mích; tự ý bỏ nhà đi “bụi” khi có chúng bạn rủ rê…
Lại có một số HS thụ động đến mức khó hiểu. Về nhà thì tuyệt giao với gia đình, dễ dàng cự tuyệt (tự tử, bỏ nhà) khi bị la mắng. Đến lớp thì ngủ vùi, tuyệt giao với bè bạn, dễ dàng cáu gắt với mọi người.
Cũng có nhiều HS chẳng chịu trưởng thành – nhất nhất cái gì cũng là cha là mẹ…
Khi người lớn chưa là… gương soi
Khoa học tâm lý giáo dục chỉ ra 2 giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách HS.
Từ lúc bập bẹ cho đến bậc tiểu học, HS thường dựa vào thần tượng là cha mẹ, thầy cô, những người gần gũi để hình thành nhân cách. Từ bậc trung học, HS bắt đầu tự khẳng định mình, tách rời dần sự “lệ thuộc” vào người khác. Cả 2 giai đoạn ấy, sự tác động giáo dục từ bên ngoài đều quan trọng như nhau. Nhưng ở giai đoạn 2, nếu tác động không tốt, HS sẽ hình thành nên những “cái tôi” lệch lạc đáng lo lắng.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh không chịu để cho con trưởng thành, quá áp đặt khắt khe, làm cho con trẻ tự ti thái quá, luôn có thái độ ỷ lại, thiếu kỹ năng tự lập. Ngược lại, có gia đình quá buông lỏng, để chúng tự ý thức, tự trưởng thành, thiếu sự kiểm soát, thiếu đầu tư về việc học tập, vui chơi, giải trí… Nhiều trường hợp cho thấy nếu cha mẹ làm được gương tốt cho con cái – ngay khi con đã lớn – thì con em họ có nhiều cơ may thành đạt hơn, có cái tôi chín chắn, chuẩn mực hơn.
Từ phía nhà trường, cần thấy việc thiếu sân chơi cho giới trẻ, thiếu đất cho họ thể hiện cái tôi là nguyên nhân thiết yếu. Các phong trào trong trường học chưa thu hút HS, còn nặng về hình thức. Những bài học đạo đức còn khoảng cách xa thực tế.
Với HS, nhà trường, sách vở, giáo viên chưa phải là tấm gương để noi theo.
Trước khi dạy con thành tài, hãy dạy con sống tốt 

Hành trình lên cao nguyên đá Đồng Văn mới đây là một chuyến đi ấn tượng nhất với tôi.

Để đến được xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, Hà Giang, chúng tôi đi qua những cung đường cua tay áo, những dãy núi đá tai mèo trùng trùng, điệp điệp, những vạt rừng sa mộc xanh biếc, những đồi thông hàng chục năm tuổi. Chúng tôi được ngắm những cánh đồng đá trải dài bất tận, những vạt hoa cải vàng rực rỡ giữa đông, sắc đỏ của hoa đào, sắc trắng của hoa lê, hoa mận. Tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh đẹp giữa công viên địa chất toàn cầu – cao nguyên đá Đồng Văn. Phú Lũng mảnh đất của đá và hoa, của những con người chân chất, cần cù và thân thiện, lạc quan và yêu đời hiếm thấy, của những em bé hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu.
Tại đây, chúng tôi có những trải nghiệm thật tuyệt vời với vô vàn cảm xúc, trải nghiệm về cuộc sống nơi biên cương Tổ quốc. Nơi đây có các em nhỏ đi chân trần, mặc áo không đủ ấm giữa gió đông lạnh buốt, nơi có các thầy cô đang ngày ngày khơi dậy ước mơ cho các em bằng cuộc sống của chính mình. Nơi đây có những con người nghị lực đến không tưởng, để chúng tôi biết trân trọng hơn những gì mình đang có, nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn trong học tập và rèn luyện. 
Sau những chuyến đi, tôi hiểu sâu sắc hơn về câu nói của cô chủ nhiệm Mã Thị Tới trong lần họp phụ huynh đầu năm lớp 10 về phương châm giáo dục của cô: “Trước khi dạy con giỏi, chúng ta sẽ dạy con ngoan. Trước khi dạy con thành tài, chúng ta sẽ dạy con sống tốt”.
Cũng chính câu nói này đã làm bố mẹ tôi thôi ý định xin cho tôi được chuyển lên trường trên trung tâm thành phố học. Và điều mà tôi thực sự muốn nói: “Thầy cô ơi! Những kiến thức mà em học thuộc lòng có thể rơi vào quên lãng nhưng những trải nghiệm tuyệt vời này em mãi mãi không quên”. Thông qua các hoạt động thực tế, chúng tôi được phát triển trên nhiều phương diện chứ không chỉ có học tập. Tôi cảm ơn các thầy cô đã cho chúng tôi tham gia những chương trình rất ý nghĩa như: Trăng yêu thương trên biển đảo Cô Tô, Tết ấm biên cương – vững bước em tới trường…
VŨ HOÀNG YẾN
(Lớp 12A10 Trường THPT Trương Định, Hà Nội)

Trần Ngọc Tuấn 
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM )