Hạt điều Việt Nam rộng cửa vào Mỹ
Người tiêu dùng Mỹ đang chuyển sang dùng hạt điều thay vì các loại hạt khác do giá cả hạt điều cạnh tranh hơn.
Hạt điều Việt Nam rộng cửa vào Mỹ
Người tiêu dùng Mỹ đang chuyển sang dùng hạt điều thay vì các loại hạt khác do giá cả hạt điều cạnh tranh hơn.
Công nhân chế biến hạt điều tại một nhà máy ở Bình Dương – Ảnh: Trần Mạnh |
Nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới, hạt điều VN sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ là Ấn Độ và Brazil tại Mỹ.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết sau khi trở về từ đợt xúc tiến thương mại thị trường Mỹ. Ông Thanh nói:
– Từ ngày 14 đến 23-4, đoàn xúc tiến thương mại quốc gia do Vinacas chủ trì đã làm việc với các nhà nhập khẩu, hiệp hội thương mại và Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) tại bốn địa điểm chính là New York, New Jersey, Washington và Los Angeles.
Tại các địa điểm trên, đoàn Vinacas đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), gặp gỡ 15 tập đoàn kinh doanh các loại hạt ăn được lớn nhất của Mỹ cũng như thảo luận về các vấn đề còn tồn tại và hướng giải quyết trong chất lượng sản phẩm với AFI và FDA.
Giá xuất khẩu điều tăng Theo Bộ NN&PTNT, trong bốn tháng đầu năm nay VN đã xuất khẩu 85.000 tấn nhân điều các loại với giá trị 635 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu điều tăng 14,1% về khối lượng và tăng 36,3% về giá trị. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của VN, chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. |
* Vị thế của hạt điều VN tại Mỹ hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Với việc chín năm liền là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, VN đã có một vị thế quan trọng trong thương mại hạt điều toàn cầu nói chung và tại thị trường Mỹ nói riêng.
VN hiện nay không chỉ là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới mà còn là một trong hai trung tâm chế biến điều nổi tiếng toàn cầu.
Hằng năm cả thế giới có khoảng 2,8 – 2,9 triệu tấn hạt điều thì chỉ riêng VN đã chế biến 1,3 triệu tấn (khoảng 40%), tương đương với Ấn Độ.
Năm 2014, trong số 170.000 tấn nhân điều mà Mỹ nhập khẩu, VN đã cung cấp khoảng 80.000 tấn (gần một nửa). Dù so với hai đối thủ chính là Ấn Độ và Brazil , nhân điều VN vào Mỹ đang phải chịu thuế 5% (hạt điều hai nước trên không phải chịu thuế) cho thấy khách hàng và người tiêu dùng Mỹ đang rất quan tâm tới hạt điều của VN.
Ngay chính tại các hội nghị xúc tiến thương mại tổ chức trong chuyến đi vừa qua, các đối tác Mỹ cũng cho biết họ đánh giá rất cao chất lượng nhân điều VN xuất khẩu vào Mỹ.
Cả AFI và FDA đều ghi nhận nỗ lực của ngành điều VN trong cải thiện chất lượng vì những năm gần đây, chất lượng nhân điều VN xuất khẩu vào Mỹ năm sau tốt hơn năm trước.
* Nếu chất lượng điều VN tốt như vậy, vì sao FDA lại chuẩn bị thanh tra 15 đơn vị xuất khẩu điều hàng đầu của VN, thưa ông?
– Đúng là chất lượng nhân điều của VN xuất khẩu vào Mỹ năm sau tốt hơn năm trước nhưng vẫn có nhiều điểm cần cải thiện.
Các khách hàng Mỹ cho biết chất lượng điều VN tốt nhưng lại không ổn định vì VN có quá nhiều đầu mối xuất khẩu. Ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm thương mại, tức là không có nhà máy, chỉ đi mua gom từ các nhà sản xuất nên chất lượng không đồng đều và ổn định.
Đặc biệt, VN ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ châu Phi, vốn có chất lượng rất kém nên nếu không biết cách chế biến sẽ cho nhân điều chất lượng thấp.
Các đối tác Mỹ mà chúng tôi gặp đều cho biết họ tin tưởng vào chất lượng nhân điều của VN. Dù nhân điều xuất khẩu của VN có trên 50% là nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi nhưng công nghệ chế biến đã giúp khắc phục được nhược điểm về chất lượng. Phía Mỹ đánh giá rất cao điểm này ở VN.
Phía FDA cho biết trong năm 2015 họ sẽ kiểm tra khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều hàng đầu của VN vào thị trường Mỹ. Đây là chương trình kiểm tra định kỳ của FDA chứ không phải do chất lượng điều VN đáng báo động. Phía FDA sẽ miễn phí hoàn toàn chi phí kiểm tra trong lần đầu tiên.
Nếu doanh nghiệp nào không đạt các tiêu chí của FDA đưa ra và phải tái kiểm, mọi chi phí sẽ do doanh nghiệp chịu. Phía FDA cũng cho biết đây không phải là một rào cản kỹ thuật vì ngoài hạt điều họ kiểm tra với các loại thực phẩm khác, ngoài VN họ cũng kiểm tra các nước xuất khẩu khác.
* VN có những thuận lợi gì để tăng xuất khẩu nhân điều vào Mỹ trong thời gian tới, thưa ông?
– Trong chuyến công tác vừa qua, các đối tác ở Mỹ cho biết do nắng hạn kéo dài mà bốn mùa vừa qua các loại hạt chủ yếu của Mỹ như hạnh nhân, hạt dẻ, óc chó chủ yếu canh tác ở tiểu bang California bị mất mùa hoặc giảm sản lượng.
Hiện giá hạt hạnh nhân ở Mỹ rất cao so với các năm trước nên người tiêu dùng Mỹ đang tích cực chuyển qua ăn hạt điều. Đây là một cơ hội thuận lợi để VN tăng cường xuất khẩu vào Mỹ.
Khác với Ấn Độ, hạt điều ở VN được chế biến chủ yếu bằng máy trong khi Ấn Độ vẫn làm thủ công nhiều công đoạn. Do đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm nhân điều của VN được đảm bảo ngày một tốt hơn.
Một cơ hội lớn của ngành điều VN trong thời gian tới đó là TPP. Khi hiệp định này được ký kết thì mức thuế mà hạt điều VN vào Mỹ sẽ không còn, do đó hạt điều VN sẽ cạnh tranh công bằng hơn với hạt điều của Ấn Độ và Brazil.
Với những tình hình vừa phân tích và việc TPP sẽ sớm ký kết, trong năm 2016 lượng nhân điều xuất khẩu vào Mỹ từ VN có thể đạt trên 100.000 tấn/năm.