Hai năm nữa sẽ có SGK mới của TP.HCM
Với kinh nghiệm viết các tài liệu dạy học được học sinh và giáo viên đánh giá cao trong nhiều năm qua, trong lần thay chương trình – sách giáo khoa sắp đến, Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến biên soạn trọn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 mà thành phần tham gia chủ yếu là giáo viên có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy.
Hai năm nữa sẽ có SGK mới của TP.HCM
Với kinh nghiệm viết các tài liệu dạy học được học sinh và giáo viên đánh giá cao trong nhiều năm qua, trong lần thay chương trình - sách giáo khoa sắp đến, Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến biên soạn trọn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 mà thành phần tham gia chủ yếu là giáo viên có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy.
Tiếp chúng tôi 2 ngày sau khi có thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết Sở GD-ĐT là đơn vị chính thức có công văn đăng ký tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới, dự kiến bắt đầu thực hiện vào năm 2018, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sẽ đăng ký viết cả bộ sách, trước mắt phục vụ cho học sinh (HS) của TP.HCM, các địa phương khác nếu thấy phù hợp thì sử dụng.
Chỉ còn chờ chương trình khung
Ông Đỗ Minh Hoàng nói hiện thành phố đang chờ Bộ ban hành chương trình khung, sau đó sẽ lập kế hoạch, phê duyệt đề án SGK. Sau khi có ý kiến thông qua chính thức, sở thành lập ban chỉ đạo, các nhóm tác giả, hội đồng phản biện. “Đội ngũ biên soạn ngoài chuyên viên của Sở còn có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo lão thành”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tiếp nối hiệu quả của các bộ tài liệu giảng dạy môn vật lý, toán được giáo viên đang trực tiếp đứng lớp và HS đánh giá cao, theo ông Hoàng, Sở mong muốn bộ sách sắp tới phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, tiên tiến, tiếp cận với khoa học của khu vực, thế giới nhưng vẫn mang đậm tính dân tộc và địa phương.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, sách về địa lý, lịch sử sẽ thêm những nội dung, sự kiện của TP. Sách về khoa học sẽ biên soạn lại với từ ngữ đơn giản, gần gũi để đa số HS đều hiểu. “Thực ra, Sở có kinh nghiệm và thuận lợi là mỗi môn học đã có một hội đồng chuyên môn làm việc với nhau từ lâu rồi, hiểu nhau, biết thế mạnh của nhau nên không ngại về tiềm lực con người. Cái khung đã có, giờ chỉ mời bổ sung các giáo sư, tiến sĩ để thẩm định tính khoa học. Tuy nhiên, với SGK thì điều cần thiết là các nhà giáo có kinh nghiệm, tâm huyết, cần nhất là người dạy lâu năm, chỉ họ mới biết được bài này khó phần nào, hấp dẫn HS ở chỗ nào”, ông Hoàng nói thêm.
Dù dự kiến sẽ viết trọn bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng theo lãnh đạo sở, tuỳ tình hình thực tế sẽ có giải pháp cụ thể. Trước mắt thực hiện sách lớp 1, lớp 6, lớp 10, sau đó sẽ làm cuốn chiếu dần dần. Ông Hoàng khẳng định: “Nếu có chương trình khung sớm ngay trong thời gian tới thì có thể đến năm học 2016 – 2017, sẽ có sách phục vụ HS”.
Kiến thức gắn với thực tiễn, nâng cao năng lực tự học
Từ năm 2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã biên soạn lần lượt bộ tài liệu dạy học môn vật lý, môn toán và mới đây là tiếng Anh bậc tiểu học.
Tới đây, khi thành lập các ban biên soạn SGK, Sở sẽ lấy nòng cốt là các thành viên đã tham gia viết bộ tài liệu các môn học nói trên. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, người chịu trách nhiệm chính biên soạn tài liệu dạy học môn vật lý, cho biết: “Do yếu tố thời gian, đồng thời do quy mô sử dụng trên toàn quốc nên SGK hiện hành có những yếu tố lạc hậu. Vì vậy, trong thời gian tới khi tham gia biên soạn SGK chắc chắn vẫn kế thừa những thành quả được nhìn nhận từ bộ sách đang sử dụng nhưng phương pháp thể hiện sẽ rõ ràng hơn. Việc làm này nhằm mục đích giúp HS có thể tự học, tăng cường kiến thức thực tiễn”.
Còn ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, thành viên Ban biên soạn Tài liệu dạy – học môn toán lớp 6, cho hay cuốn sách sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, khắc phục việc nhồi nhét, truyền thụ kiến thức thông qua hình ảnh giúp HS tiếp thu tốt hơn. Bài tập có thể ra dưới dạng câu chuyện, tích hợp kiến thức các môn học khác. Ông Lộc lấy ví dụ từ hình ảnh sân vận động, hoặc từ sơ đồ trận đấu, HS vận dụng để thực hiện phép tính tổng và tích hai số tự nhiên. Qua bài toán tính khoảng cách từ Hà Nội đến TP.HCM, HS biết được quy ước lấy bưu điện thành phố làm trung tâm là điểm mốc để tính. HS tìm hiểu về số nguyên từ các chỉ số của giàn khoan ngoài biển…
Ngoài ra, ông Lộc cho biết: “Sách cũ soạn theo bài, còn sách mà TP.HCM biên soạn sẽ theo chủ đề. Như vậy, giáo viên chủ động giảng dạy kiến thức, phần kiến thức nào các em còn yếu thì tăng tiết hoặc ngược lại chứ không phải máy móc như trước. HS không chỉ học toán mà các em sẽ được học tích hợp các kiến thức địa lý, xã hội, lịch sử và khuyến khích phát huy năng lực”.
Dạy học sinh kỹ năng làm công dân chứ không phải giải toán Không chỉ tận tụy với nghề dạy học, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, còn là người hết sức đam mê, tìm tòi cái mới, đem những ứng dụng thực tế vào từng trang sách.
Từ năm 2009, khi Sở GD-ĐT TP.HCM có chủ trương làm bộ tài liệu dạy học vật lý 6, ông cùng một nhóm giáo viên tiên phong thực hiện. Đi được nửa chặng đường, nhiều người bỏ cuộc. Trao đổi với chúng tôi, ông nói ông không bỏ cuộc và quyết làm bằng được bộ tài liệu dạy học này là từ học trò cũ. Năm 2011, ông chủ biên quyển Tài liệu dạy – học vật lý lớp 6, sau đó là vật lý 7, 8, 9 gây được tiếng vang trong dư luận bởi tính sáng tạo, dễ hiểu. HS và giáo viên và cả phụ huynh đều rất thích thú. Ông kể lại: “Trước năm 1975, tôi rất thích học vật lý. Ngoài học ở trường, tôi cùng bạn bè đi tìm dụng cụ để làm kính thiên văn, làm radio từ củ khoai tây, làm pin từ quả chanh… Từ đam mê đó, sau này tôi chọn nghề dạy học. Nhưng khi đi dạy, tôi cảm giác SGK lúc đó lại nặng về lý thuyết và mang tính hàn lâm. Có học trò còn gặp tôi nói thẳng: em rất ghét môn vật lý, nên thầy cô nào dạy môn lý em cũng đều ghét luôn. Trước câu nói này của học trò, tôi buồn lòng và suy nghĩ nhiều lắm. Tôi cũng tự đặt câu hỏi, mình cần làm gì để HS yêu thích môn vật lý?”. Kể từ những ngày đầu bắt tay viết cho đến khi hoàn thành bộ tài liệu dạy học vật lý (từ lớp 6 đến lớp 9), chưa đêm nào ông ngủ trước 12 giờ. Có những đêm ông thức đến tận tờ mờ sáng để viết, trình bày cho xong trang. Ông cẩn thận kiểm chứng, kiểm nghiệm từng chi tiết đưa vào bộ tài liệu, mong sao sách “ra đời” hoàn chỉnh và không gặp phải sai sót, dù là nhỏ nhất. Chủ đề đầu tiên của Tài liệu dạy học – vật lý 6 (đo độ dài) có đưa hình ảnh ứng dụng là tượng Trần Nguyên Hãn và chợ Bến Thành. Tìm trên mạng không có hình đúng yêu cầu, ông ra chợ Bến Thành chụp ảnh. “Cái khó là chụp tấm nào cũng thấy bảng quảng cáo hết. Nếu dùng photoshop thì hình lại không thực. Cả buổi sáng tôi chụp hơn 100 kiểu hình, nhưng chỉ chọn được một tấm ưng ý, không có bất kỳ bảng quảng cáo nào”, ông kể lại. Trong bộ tài liệu vật lý còn có những kiến thức mang tính phát hiện. Chẳng hạn ở chủ đề 16, tài liệu dạy học vật lý 7 (hai loại điện tích) có phát hiện mới lý thú là giấy có thể phát ra hai loại điện tích dương và âm. Trong khi đó, SGK và các tài liệu khác của thế giới thường dùng nhựa và lông thú; thủy tinh với vải để tạo ra điện tích. “Khi chúng tôi tìm hiểu SGK của nước Anh (bậc THCS) để chuẩn bị viết sách tích hợp các môn khoa học bằng tiếng Anh, tôi thấy các bài học đều cho HS quan sát thực tế và giải thích hiện tượng từ cuộc sống. Họ dạy cho HS kỹ năng làm một công dân chứ không phải dạy cho HS kỹ năng giải toán. Vì vậy, tôi cố gắng tìm tòi và viết sách để HS thấy gần gũi, thực tiễn và có thể ứng dụng vào cuộc sống”, ông chia sẻ thêm. Minh Luân |
Bích Thanh