Sao mình lười quá!
Dân mạng ta thán việc bản thân mắc phải “bệnh” lười. Họ chẳng biết làm thế nào để trị khỏi “bệnh” này.
Sao mình lười quá!
Dân mạng ta thán việc bản thân mắc phải “bệnh” lười. Họ chẳng biết làm thế nào để trị khỏi “bệnh” này.
Lúc sung lúc xìu
|
“Dạo này tự dưng thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng. Chẳng muốn làm gì cả. Thấy lười trong tất cả mọi việc”, thành viên Quang Hà than vãn trên Facebook.
Chẳng riêng gì Quang Hà, rất đông thành viên cũng kể bản thân đang gặp tình cảnh tương tự. “Sao giống tôi thế nhỉ? Muốn làm việc mà chả có hứng làm”, thành viên Vũ Anh bình luận.
Khi dạo quanh khắp các trang mạng xã hội khác như: YuMe, Twitter, Zing Me, hay trên nhiều diễn đàn mới thấy, hoá ra chuyện này chẳng của riêng ai.
Trên YuMe, thành viên Đông Quỳnh viết dòng tâm sự: “Có nhiều việc biết là cần phải làm, nên làm, bắt buộc phải làm, nhưng cứ chần chừ rồi cuối cùng cũng hết một ngày mà việc thì vẫn còn nguyên”. Hay trên diễn đàn truongton.net, thành viên vuaka tạo mục trò chuyện với lời kêu gọi: “Phong độ thất thường, lúc sung lúc xìu, tâm trạng chẳng thể nào ổn định. Có ai giống mình không”…
Sau tất cả sự chán chường ấy đều là câu hỏi: “Biết làm gì bây giờ, làm thế nào để vượt qua điều này đây?”.
Theo diễn giả Huỳnh Minh Thuận – Giám đốc điều hành Công ty TNHH truyền thông và đào tạo BrandYou, tất cả những lời ta thán ấy chính là triệu chứng của “bệnh” lười.
Giữ đà hành động
Trước câu hỏi: “Biết làm gì bây giờ?…” của các “bệnh nhân” lười, ông Thuận đã thực hiện đoạn phim “Bí quyết đơn giản nhất để chữa bệnh lười”.
Ngay lập tức, đoạn phim nhận được sự chú ý của dân mạng, không chỉ thu hút nhiều lượt xem trên YouTube mà còn được mọi người chia sẻ, đăng tải lại trên các diễn đàn, như là cách cùng giúp nhau “trị bệnh”.
Ông Thuận cho rằng lười chính là nguyên nhân và là kẻ thù số một của những người thành công. “Tuy bệnh này không giết chết ai cả, nhưng nó lại rất nguy hiểm khi đẩy chúng ta ngày càng xa hơn với một cuộc sống mong muốn”.
Nhiều dân mạng tỏ vẻ lo lắng, sợ rằng rất khó “chữa” dứt điểm “bệnh” lười. “Sao thấy khó quá, muốn siêng năng hơn, không lười nữa, nhưng hết ngày này qua tháng khác, vẫn chỉ thấy lười mà thôi”, thành viên Khoa Nguyên than thở.
Tuy nhiên, theo diễn giả Huỳnh Minh Thuận thì có thể chữa khỏi hoàn toàn, và “liều thuốc” để “điều trị” không quá khó, bản thân ai cũng có thể tự mình áp dụng được.
Hãy nghĩ cuộc sống giống như một trò chơi. Mỗi người thường xuyên nhận các nhiệm vụ và phải hoàn thành chúng. Tuy nhiên thường sẽ không thể nhận được nhiệm vụ tiếp theo nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ trước đó. Vì vậy, việc nên làm là cố gắng hoàn thành tốt từng nhiệm vụ trước mắt. Đó chính là cơ sở, là điều kiện giúp hoàn thành những nhiệm vụ khó hơn sau này.
“Mọi người thường lăn tăn chẳng biết bắt đầu từ đâu, từ những công việc nhỏ nào. Đó có thể là những công việc có ích, đưa đến gần mục tiêu của bản thân, hoặc những việc nên làm hoặc nhiệm vụ trước sau cũng phải làm như: tập thể dục, lên kế hoạch, liệt kê ra những gì mình muốn, học một từ vựng tiếng Anh mới, đi cắt lại mái tóc cho tươm tất, đi giặt đôi giày, gửi một email cho khách hàng tiềm năng, gọi cho thằng bạn thân…”, ông Thuận hướng dẫn.
Hoặc hãy tưởng tượng cảnh nhảy qua một cái hố rộng. Nếu bắt đứng yên ở miệng hố bên này rồi nhảy qua miệng hố bên kia thì với một cái hố rộng điều này gần như không thể. Nhưng nếu cho vài bước chạy đà thì việc nhảy qua cái hố sẽ trở nên cực kỳ đơn giản.
Cũng như việc khi đạp xe, mới xuất phát thường tốn nhiều lực hơn nhưng khi xe đã có trớn rồi thì để duy trì chiếc xe chạy không tốn nhiều sức. Và xe phải dựng một chỗ thì sẽ ngã, chỉ giữ thăng bằng được khi xe chuyển động. Con người cũng tương tự, cần “giữ đà hành động”, liên tục làm việc để cảm thấy luôn hứng khởi. Chứ đừng để dừng lại quá lâu, lười quá lâu. Khi đã có “trớn”, sẽ cảm thấy giải quyết mọi việc dễ dàng hơn.
Dưới đoạn phim này, không ít dân mạng cho biết đã thử áp dụng và có hiệu quả. Thử xem và làm theo, biết đâu “bệnh” lười của bạn sẽ chẳng còn?
Thanh Nam