Mark Wiens: 25 món phải ăn ở Sài Gòn
Chàng trai 29 tuổi, người Mỹ Mark Wiens được cộng đồng mạng ủng hộ với 25 món ăn mà anh cho rằng nhất định phải thử ở Sài Gòn, đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Mark Wiens: 25 món phải ăn ở Sài Gòn
Chàng trai 29 tuổi, người Mỹ Mark Wiens được cộng đồng mạng ủng hộ với 25 món ăn mà anh cho rằng nhất định phải thử ở Sài Gòn, đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Mark ngồi vỉa hè ở Sài Gòn (ảnh chụp tại quán bún riêu Nguyễn Cảnh Chân, Q.1) – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Các video của Mark, mỗi video là một món ăn VN, được chính anh đưa lên trang blog cá nhân. “Tôi là Mark Wiens. Tôi đang ở Sài Gòn, TP.HCM, VN. Tôi đang chuẩn bị thưởng thức món…” – Mark mở đầu cho từng video như thế.
Kèm theo là bài Mark viết miêu tả tỉ mỉ chi tiết món ăn, từ thành phần, nguyên liệu, cách chế biến đến cách ăn làm sao, cảm nhận về món ăn đó, cả không khí trong quán ăn và cách người bản xứ thưởng thức món ăn đó như thế nào.
Mark làm việc này vào giữa tháng 2-2015 sau chuyến thăm Sài Gòn cùng vợ.
Nhiều người mê danh sách món ăn của Mark
Mark Wiens đã xuất bản một số sách điện tử như eBook: 101 việc để làm ở Bangkok, Hướng dẫn ẩm thực Thái, Hướng dẫn ẩm thực chay Thái, Hướng dẫn du lịch ở Delhi, Ấn Độ. |
Danh sách 25 món mà Mark cho rằng “phải ăn” gồm có cơm tấm sườn, bánh mì, phở, bún riêu, bún mắm, bún bò Huế, bún thịt nướng, bánh cuốn, bánh xèo, bò lá lốt, bánh tằm bì… Ngay cả món cơm bình dân quen thuộc cũng được Mark liệt kê vào danh sách “nhất định phải thử”.
Đi kèm là giờ mở cửa, giá cả của các món ăn, địa điểm quán ăn. Nó có thể là nhà hàng lớn nhưng cũng có khi là những cái tên rất bình dân như “chị Thông bún thịt nướng”, “cô Liên bò lá lốt”…
Nó có thể nằm mặt tiền đường lớn nhưng không ít quán nằm trong hẻm hóc như “bột chiên hẻm Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ”, “bún riêu hẻm 18 Nguyễn Cảnh Chân”… mà nhiều người sành ăn Sài Gòn cũng phải gật đầu công nhận là “quán ruột”.
Ngay lập tức bài viết của Mark nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng mạng, với 14.000 lượt thích và hơn 600 lượt chia sẻ trên Facebook cùng hàng trăm bình luận.
Bob Pfister bình luận: “Năm ngoái tôi từng đến VN thăm con gái và vô cùng yêu thích các món ăn ở đây. Tôi đang chuẩn bị sang thăm VN một lần nữa, tôi nhớ các món ăn ở đây quá chừng”.
Ryan thì viết: “Các món ăn Mark giới thiệu là ngon nhất VN, tôi từng thưởng thức qua các món này. Nhiều người xem blog của Mark là những người VN đang sống ở nước ngoài cũng bày tỏ rằng anh làm cho họ nhớ nhà và các kỷ niệm thời thơ ấu”. “Nhiều chỗ tôi chưa đến bao giờ, nhất định tôi sẽ thử khi về Sài Gòn lần tới”, một người đọc tên Vy tâm sự.
Vừa nghe nhắc đến Mark, bà Trần Thị Kim Liêng, chủ quán bò lá lốt Cô Liêng (mà Mark viết là Liên), đã vui vẻ kể về lần hai vợ chồng Mark đến quán, anh rất háo hức với món ăn và cứ hỏi “ăn như thế nào mới là đúng điệu?”.
Bà Liêng cho biết rất ấn tượng vì Mark có thể ăn được cả mắm nêm, lại còn liên tục khen ngon. Khi biết Mark bình chọn quán bà là nơi “phải đến”, bà Liêng không giấu được niềm phấn khởi.
Chị Lưu Thị Cúc, nhân viên quán bún bò Chú Há (Q.3), đến giờ vẫn còn nhớ như in hôm hai vợ chồng Mark tới quán.
“Hôm đó tôi là người phục vụ hai vợ chồng anh này. Hai người ngồi lâu lắm, trước khi ăn còn quay phim, chụp hình, hỏi han đủ kiểu, đến nỗi nước lèo bị nguội và tôi phải đổi cho họ nước mới” – chị Cúc kể. Chị còn cho biết Mark liên tục nói “very good” (rất ngon). Đặc biệt, anh tỏ ra rất thích thú với loại nước mắm đi kèm. “Trước khi đi họ còn đọc tên quán rành rọt bằng tiếng Việt” – chị Cúc nói.
Mark Wiens thưởng thức bánh mì Hòa Mã, ốc A Sồi, bún mọc, bột chiên… những địa chỉ nổi tiếng của ẩm thực đường phố, bình dân ở Sài Gòn – Ảnh: Mark Wiens cung cấp |
“Người Việt rất biết cách ăn uống”
Biết được câu chuyện của Mark, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Mark Wiens qua mạng khi anh đã về quê vợ ở Thái Lan. Mark nói:
– Cách tốt nhất để biết món ăn ngon khi đi du lịch là tự mình đi dạo và… ăn. Ở Sài Gòn trung bình ba món một ngày, hết 30 ngày tôi đã dùng khoảng 100 món ăn Việt.
Trước khi sang VN, tôi post một video hỏi ý kiến của những người biết về VN, những món ăn đặc sắc ở đây, nhờ họ gợi ý những nơi thử. Tôi cũng tự tìm tòi qua một số trang web ẩm thực địa phương, do đó Sài Gòn trong tôi có một cảm giác quen thuộc khi đến.
Rồi tôi thấy cái mình cần, có lẽ du khách khác cũng cần, nên khi tôi đăng video và bài viết của mình lên, nhiều người nói với tôi họ xem danh sách này là bản đồ ẩm thực khi đến Sài Gòn.
* Tiêu chí chọn món ngon của anh là gì?
– Tôi chọn dựa trên tiêu chí nhiều người gợi ý và bản thân thấy ngon. Một trong những điều làm tôi ấn tượng với ẩm thực Việt là các món ăn được dùng kết hợp với nhiều rau, nhiều loại gia vị và được bài trí đẹp mắt.
Dù là một tô mì hay một đĩa cơm tấm, một trong những việc tôi thích làm khi ăn món Việt là cho thêm gia vị, nước chấm, ớt và rau.
* Món nào anh mê nhất vậy?
– Món nào tôi cũng thích cả, nhưng thích nhất là bò lá lốt. Tôi thấy bò lá lốt trên khắp đường phố ở Sài Gòn, và quả thật quán nào cũng ngon, nên khi giới thiệu địa chỉ tôi đã ghi “các tiệm bò lá lốt trên đường phố”.
Vì sao tôi thích món này ư? Vì nó có nhiều rau, mà nước mắm thì ngon phải biết. À, tôi đặc biệt thích nước mắm VN đấy. Còn vợ tôi mê bún riêu và bánh khọt.
* Nhưng vì sao nhất định anh phải đi đó đây để… ăn?
– Sau khi học ngành nghiên cứu toàn cầu, tôi đã chu du qua khoảng 40 nước. Ở VN, ngoài Sài Gòn tôi đã đến Hà Nội và vịnh Hạ Long. Dù đi đâu món Á vẫn là tình yêu đích thực của tôi vì từ nhỏ tôi đã được ăn các món Á do mẹ nấu.
Tôi thấy rõ rằng ẩm thực là một phần rất lớn của văn hóa, ảnh hưởng đến mọi thứ trong đời sống. Tôi viết blog ẩm thực là cách bày tỏ tình yêu của mình với ẩm thực và văn hoá, cũng như để truyền cảm hứng và cung cấp thông tin hữu ích cho người khác.
* Anh nhận xét như thế nào về văn hóa VN thông qua các món ăn?
– Tôi nghĩ VN có thể là một trong những nước dẫn đầu về văn hóa ăn uống trên thế giới. Tôi thích thú với sự thân thiện của những người bán hàng nơi đây, dù là chủ nhà hàng hay người bán hàng rong. Tôi thấy người Việt rất biết cách ăn uống khi mọi người thường đi cùng với gia đình và bạn bè. Bữa ăn chính là một cách để mọi người dành thời gian cho nhau và kết nối xã hội.
25 món ngon Sài Gòn do Mark Wiens chọn 1.Bánh mì: bánh mì Huỳnh Hoa: 26 Lê Thị Riêng, Q.1; bánh mì Hồng Hoa: 62 Nguyễn Văn Tráng, Q.1; bánh mì 37 Nguyễn Trãi: 37 Nguyễn Trãi, Q.1. 2. Ốp la: bánh mì Hòa Mã: 53 Cao Thắng, Q.3. 3. Phở: phở số 1 Hà Nội: 25 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1; phở Phượng 25: 25 Hoàng Sa, Q.1. 4. Bún riêu: bún riêu Nguyễn Cảnh Chân: 18/5 Nguyễn Cảnh Chân, Q.1. 5. Bún mắm: bún mắm Phan Bội Châu: 22 Phan Bội Châu, Q.1. 6. Bún bò Huế: bún bò Chú Há: 300 Võ Văn Tần, Q.3. 7. Bún mọc: các quán bún mọc trên đường phố. 8. Hủ tiếu Nam Vang: Hủ tiếu Nam Vang Cao Thắng: gần ngã 4 Cao Thắng cắt Nguyễn Đình Chiểu, Q.3; hủ tiếu Nam Vang Nhân Quán: 72 Nguyễn Thượng Hiền, Q.3. 9. Bún chả: bún chả Ánh Hồng Hà Nội: 140b Lý Chính Thắng, Q.3. 10. Bánh canh cua: bánh canh cua Trần Khắc Chân: 87 Trần Khắc Chân, Q.1 11. Bún thịt nướng: chị Thông bún thịt nướng: 95 Cô Giang, Q.1. 12. Bánh tằm bì: bánh tằm bì Đồng Tháp: 352 Nguyễn Trãi, Q.5. 13. Bánh cuốn: bánh cuốn Hải Nam: 11A Cao Thắng, Q.3. 14. Bánh xèo: bánh xèo 46A: 46 Đinh Công Tráng, Q.1. 15. Bánh khọt: chợ Bàn Cờ, Q.3; bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu: 102 Cao Thắng, Q.3. 16. Bột chiên: hẻm 174 Nguyễn Thiện Thuật, gần chợ Bàn Cờ, Q.3. 17. Gỏi cuốn & chả giò: từ chợ đến hẻm, từ quán ăn nhỏ đến nhà hàng lớn đều có. 18. Bánh tráng trộn: bánh tráng trộn Chú Viên: 38 Nguyễn Thượng Hiền, Q.3; nhà thờ Đức Bà và hồ Con Rùa vào buổi tối. 19. Cơm tấm sườn nướng: cơm tấm Ba Ghiền: 84 Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận. 20. Cơm bình dân: đường số 2 gần chợ Vườn Chuối, Q.3. 21. Cá kho tộ: hẻm 399 cắt Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, Q.3. 22. Cháo: cháo vịt Thanh Đa (Gốc Nhà Lá): 118 Bình Quới, Q.Bình Thạnh. 23. Ốc: ốc A Sòi: 327-329 Nguyễn Thượng Hiền, Q.3. 24. Bò kho: bò kho Út Nhung: 109/7 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3. 25. Bò lá lốt: các tiệm bò lá lốt trên đường phố; cô Liên bò lá lốt: 321 Võ Văn Tần, Q.3. |