09/01/2025

Không nên chỉ chăm chăm vào SGK

Thông tin từ năm 2018 sẽ áp dụng chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới với nhiều điểm mới so với chương trình – SGK hiện hành đang có nhiều tranh luận khác nhau trong ngành giáo dục.

Không nên chỉ chăm chăm vào SGK

 

Thông tin từ năm 2018 sẽ áp dụng chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới với nhiều điểm mới so với chương trình – SGK hiện hành đang có nhiều tranh luận khác nhau trong ngành giáo dục. 



 

 

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh (TP.HCM) sử dụng cuốn Tài liệu dạy học vật lý 8 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức biên soạn dựa trên chương trình của Bộ GD-ĐT – Ảnh: H.HG.
TS Hoàng Thị Tuyết – Ảnh: H.HG.

Tuổi Trẻ giới thiệu các ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề quan trọng này.

* TS HOÀNG THỊ TUYẾT (khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP.HCM) nói:

– Trước hết, cần xác định rằng SGK chỉ là một phần nhỏ trong quá trình đổi mới giáo dục, chỉ là một trong nhiều nguồn tài nguyên dạy và học khác.

Tôi nghĩ tài nguyên và các nguồn hỗ trợ dạy học cho chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 ở nước ta cần được mô tả và mô hình hóa chi tiết với nhiều loại thay vì chỉ chăm chăm vào SGK.

Tuy nhiên, cũng có thể hiểu với bối cảnh và trình độ phát triển kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước, chúng ta chưa thể tạo ra được một lúc nhiều nguồn tài liệu dạy và học khác nhau như ở các nước phát triển, nên việc xem SGK như là trọng tâm của quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là tất yếu.

Về mặt quy trình, dù phát triển đa dạng nhiều loại tài liệu dạy học hay chỉ SGK thôi thì việc biên soạn tài liệu dạy học này nhất thiết phải được thực hiện khi chương trình giáo dục phổ thông quốc gia và chương trình chi tiết của các môn học hay lĩnh vực học tập đã được soạn, được kiểm định, được hiệu chỉnh, được phê duyệt và chính thức công bố trên toàn quốc.

* Có ý kiến cho rằng việc thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” sẽ không công bằng vì Bộ GD-ĐT thực hiện (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp) một bộ sách của mình sẽ có rất nhiều lợi thế hơn so với các tổ chức, cá nhân khác. Bà nghĩ sao, thưa bà?

– Để bảo đảm tính công bằng giữa những người tham gia viết sách và tính động viên trí tuệ của số đông tham gia viết, tôi nghĩ Nhà nước cần thực hiện một số chính sách sau: thông tin (bao gồm các tài liệu và báo cáo công bố chương trình, các quy định, văn bản hướng dẫn quy trình và tiêu chí viết SGK…) cần minh bạch, kịp thời.

Hai là chính sách hỗ trợ vật chất, tài chính từ Nhà nước dành cho các tổ chức tham gia viết sách, nếu có thì cần đồng đều và công khai các định mức tài trợ.

Ba là vai trò – chức năng kiểm định chất lượng SGK phải là của một tổ chức chuyên môn độc lập với Bộ GD-ĐT. Bộ tiêu chí và quy trình thẩm định SGK cũng do chính tổ chức này phát triển thực hiện. Bộ GD-ĐT thực hiện vai trò phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định của tổ chức kiểm định độc lập này.

Bất kỳ quốc gia nào thực hiện đường lối có nhiều bộ SGK do nhiều đơn vị biên soạn dựa trên một khung chương trình chuẩn quốc gia đều phải đảm bảo thực hiện ba điều kiện tối thiểu này. Với Việt Nam, tôi nghĩ càng cần triệt để thực hiện hơn khi trong các tổ chức biên soạn SGK, đã có một tổ chức được định ngay từ đầu là NXB Giáo Dục Việt Nam, trực thuộc Bộ GD-ĐT.

* Thưa bà, dư luận lo ngại rằng năm 2018 đưa vào sử dụng bộ sách mới là quá vội vã vì thời điểm hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố nội dung chương trình các môn học. Ý kiến của bà ra sao?

– Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Đây cũng là nỗi lo của tôi với tư cách là một người đã hơn 30 năm trong nghiệp trồng người. Nhìn vào quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông của các nước trên thế giới, tôi thấy chưa có quốc gia nào từ khâu biên soạn bản thảo chương trình tổng thể đến chương trình các cấp, các môn học phát triển rồi tài nguyên dạy học cho chương trình mà chỉ mất 3-4 năm.

Thụy Sĩ, Anh, Úc phải mất tám năm mới hoàn chỉnh bản thảo cuối của các chương trình giáo dục, trong đó ba năm được dùng để cộng đồng xem xét và hiệu chỉnh bản thảo chương trình giáo dục.

Với quỹ thời gian vật chất 3-4 năm, Việt Nam đang ra quyết tâm thực hiện hoàn thành đề án đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông. Liệu quá trình thực hiện đổi mới giáo dục của Việt Nam sắp tới có rơi vào bẫy “lực bất tòng tâm”? Tôi thật sự mong có sự xem xét và phát triển một kế hoạch phát triển chương trình giáo dục phổ thông quốc gia thực tế hơn.

Nên nghĩ đến việc “nhập khẩu” SGK toán và khoa học

* Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước đã không tổ chức biên soạn SGK mà nhập từ nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc… Theo bà, Việt Nam có nên làm như vậy không?

– Nói chung, việc nhập SGK ngoại áp dụng cho quốc gia, theo tôi, cần thận trọng xem xét và nghiên cứu trước khi đi đến kết luận.

Nếu nhập khẩu thì có lẽ SGK thuộc mảng khoa học tự nhiên và toán là khả thi nhất, vì kiến thức và ngôn ngữ của các lĩnh vực môn học này mang nhiều trung tính, ít chịu ảnh hưởng xã hội, văn hóa của nước bản địa.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm rằng hiện đã có căn cứ để cho thấy rằng việc nhập SGK từ nước ngoài làm tài liệu thực hiện chương trình là ít nhiều có tính hợp lý. Một là chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đang được biên soạn theo hướng hội nhập quốc tế, tất yếu trong đó sẽ có nhiều điểm chia sẻ với chương trình giáo dục các nước.

Hai là ở các thành phố lớn của Việt Nam, nhiều chương trình tiểu học quốc tế đã có mặt, học sinh Việt Nam đã học theo cách trở thành “bilinguals”, người sử dụng hai thứ tiếng cùng một lúc.

Thực tế cho thấy kiến thức, kỹ năng chung mà học sinh lĩnh hội từ các môn học bằng tiếng Việt cũng ảnh hưởng tích cực đến việc học các môn học bằng tiếng Anh và ngược lại. Điều này cho thấy có nhiều giao thoa giữa nội dung giáo dục của các môn học thuộc hai thứ tiếng khác nhau.

Vì vậy, sau khi đã được xem xét, nếu được, việc biên dịch sử dụng SGK nước ngoài làm tài liệu dạy học chương trình mới có thể mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích lớn. Một là tiết kiệm chi phí biên soạn SGK.

Hai là có thể tiếp cận trực tiếp cũng như thừa hưởng được nguồn tài nguyên dạy và học tiên tiến trên thế giới.

Ảnh: V.Dũng

* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá  - giáo dục – thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Sách khoa học tự nhiên có thể dịch của nước ngoài

Tôi cho rằng chương trình – SGK hiện hành có những ưu điểm, bên cạnh những bất cập. Vì thế việc xây dựng chương trình – SGK mới cần dựa trên những thành tựu, những ưu điểm của chương trình – SGK hiện hành, tận dụng lại những nội dung phù hợp với yêu cầu đổi mới, không nên cho rằng đổi mới thì phải bỏ đi hoàn toàn cái cũ, thay cái mới.

Vì thế Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân biên soạn, thay thế dần.

Sau này, khi đã có nhiều bộ SGK, nhiều cuốn SGK mới do các tổ chức, cá nhân biên soạn thì cuốn nào, bộ nào có chất lượng thì chọn. Việc đổi mới toàn bộ như cách làm cũ tốn kém, kéo dài thời gian.

Nhà nước chỉ nên chọn biên soạn một số cuốn SGK thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, còn sách khoa học tự nhiên có thể dịch từ SGK của nước ngoài.

Sở dĩ tôi cho rằng nên như vậy vì Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn các cuốn sách như lịch sử, địa lý sẽ giảm thiểu tình trạng sai sót về vấn đề lịch sử, địa lý, “lọt lưới” những chi tiết, nội dung nhạy cảm.

Trong khi đó, sách tự nhiên thì không lo chuyện này. Những cuốn SGK tự nhiên của nhiều nước có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu dạy học thì nên tận dụng cho đỡ tốn kém. Ở Hàn Quốc, SGK tiểu học và khoa học xã hội do nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn, sách tự nhiên được xã hội hoá.

Ảnh: L.Duy

* PGS ĐẶNG QUỐC BẢO (nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục):

Tôi thấy lo

Tôi thấy lo khi ấn định thời điểm năm 2018 sẽ có SGK mới để đưa vào giảng dạy, nhưng hiện tại chưa có cái gì xong, nhiều việc chưa rõ ràng.

Hiện nay, nhìn vào nhân lực có thể viết SGK thì không thiếu, nhưng thiếu là thiếu người có thể làm tổng chủ biên, đảm bảo cho SGK có chất lượng, khả thi, đáp ứng các yêu cầu mới đã đặt ra.

Chương trình – SGK hiện hành thực chất có nhiều ưu điểm so với trước đây, lẽ ra chỉ nên điều chỉnh, bổ sung. Chỉ cần đổi mới mạnh hơn ở bậc THPT, đi kèm là đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, đổi mới nhận thức trong quản lý giáo dục các cấp…

Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn tài chính eo hẹp, điều cần đổi mới, cần đầu tư nhiều hơn, theo tôi là giáo dục đại học. Việc đổi mới hoàn toàn dồn vào chương trình – SGK phổ thông theo cách hiện nay tốn kém.

Ảnh: L.Duy

* PGS TRẦN KIỀU (nguyên viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):

Không thể chậm hơn

Từ nay tới năm 2018 chỉ còn ba năm, đó là khoảng thời gian ngắn, nhưng việc thực hiện chương trình – SGK mới không thể chậm hơn.

Chậm hơn nữa thì chương trình – SGK sẽ lại trở nên lạc hậu ngay sau khi mới đưa vào đại trà. Nhiều nước biên soạn SGK đơn giản hơn chúng ta nên đời sống của một bộ SGK nhiều là 10 năm, thông thường chỉ 5-7 năm.

Việc biên soạn phải tuân thủ nguyên tắc xây dựng chương trình trước rồi mới viết SGK, không thể song song cùng biên soạn chương trình và SGK được vì SGK là cụ thể hóa của chương trình, là tài liệu dạy học dựa vào chương trình.

Thành phần biên soạn chương trình – SGK cần đa dạng hơn, có nhà khoa học, có nhà giáo dục, có người am hiểu nền tảng lý luận, có người hiểu thực tiễn dạy học, đối tượng học sinh. Viết SGK là viết ra việc tổ chức hoạt động cho người học nên vai trò của nhà sư phạm càng cao.

Tôi đồng ý với quan điểm nên để giáo viên phổ thông ở vai trò phản biện, góp ý kiến hơn là biên soạn. Bởi điểm mạnh của giáo viên là có thực tiễn dạy học, hiểu đối tượng học sinh, điều kiện dạy học. Họ có thể góp ý, phản biện để SGK gần với thực tiễn, có tính khả thi, hiệu quả cao hơn.

VĨNH HÀ – LÊ DUY ghi

HOÀNG HƯƠNG thực hiện