09/01/2025

Đường về không yên ả

Đang là học sinh phổ thông, những đứa trẻ vi phạm pháp luật được đưa đi trường giáo dưỡng để học tập.

 

Đường về không yên ả

 

Đang là học sinh phổ thông, những đứa trẻ vi phạm pháp luật được đưa đi trường giáo dưỡng để học tập. 



 

 

Thái Hoàng Trung và mẹ chỉ biết khóc trong giờ giải lao – Ảnh: Mai Vinh

Hết thời hạn ở trường giáo dưỡng, trẻ được trả về địa phương và gia đình. Trước khi ra khỏi trường, bất kể đứa trẻ nào cũng mong muốn được tiếp tục quay lại trường học, học tiếp một nghề hay đi làm.

Nhưng con đường trở về tương lai đối với không ít đứa trẻ này lại không dễ dàng gì.

Bi kịch định kiến

Rời trường giáo dưỡng khoảng ba tháng, Thái Hoàng Trung (sinh năm 1995, tỉnh Lâm Đồng) lại lún sâu vào tội lỗi. Trung giết người và lãnh án tù. Sau khi tuyên án, vị chủ tọa rời phiên tòa với khuôn mặt ray rứt, ông nói: “Định kiến đã đẩy một thanh niên đang hoàn lương vào nhà tù”.

Đứng trước tòa, bị cáo Trung vừa khóc vừa trả lời chủ toạ: “Hàng xóm mất con mèo cũng đổ cho bị cáo, mất con gà cũng mặc nhiên là bị cáo ăn cắp. Mọi người còn rêu rao những chuyện suy đoán. Bị cáo có ăn cắp đâu mà chịu nhục”.

Thái Hoàng Trung trước đó phải vào học trường giáo dưỡng hai năm vì hành vi trộm cắp vặt. Trung nói tiếp: “Đúng là ngày trước bị cáo có ăn trộm ăn cắp của xóm làng, nhưng từ khi rời trường giáo dưỡng bị cáo không ăn cắp của ai dù một đồng”.

Câu chuyện Trung giết người hàng xóm trong lúc ẩu đả chỉ vì bị đổ tội ăn cắp con gà đã khiến những người dự phiên xét xử tại Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng vào một chiều cuối năm tiếc nuối.

Trước toà, trả lời một lúc bị cáo Trung lại khóc, mặt cúi gằm: “Bị cáo thừa nhận tội của mình. Từ trường giáo dưỡng về bị cáo đã luôn mặc cảm rằng trong trí nhớ của xóm làng bị cáo là người trộm cắp. Biết thân biết phận, bị cáo ít giao du, chỉ đi làm rồi về nhà. Nay bị vu oan giữa chợ làm bị cáo càng không dám nhìn ai hết. Sao những chuyện xấu hổ mọi người cứ đổ cho bị cáo”.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Truyền (Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng), người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Trung, nhớ lại những lúc làm việc với Trung tại trại tạm giam. Trung kể sau ngày rời trường giáo dưỡng, Trung làm gì cũng cẩn thận vì sợ lỡ có gì sơ ý hàng xóm lại nghĩ mình có ý đồ ăn trộm.

Dẫu vậy, trong xóm mất cái gì dù lớn dù nhỏ cũng nói là thằng Trung chứ không ai hết. Chuyện con gà, con vịt hàng xóm cứ đồn đãi khiến mới rời trường giáo dưỡng chỉ vài tháng mà Trung luôn có cảm giác đi đâu cũng bị soi mói.

“Có lần Trung nói với tôi: Cô đừng xin tội cho cháu, tòa xử bao nhiêu cháu nhận bấy nhiêu. Tội cháu lớn lắm, cháu biết. Thà ở trong tù chứ cháu ở bên ngoài mà ai cũng nhìn cháu như thế thì tội cháu, tội mẹ cháu lắm”.

Ghi lý lịch…

Bất kể đứa trẻ nào khi được đưa vào trường giáo dưỡng lý lịch cũng ghi rõ ràng về hành vi vi phạm. Trẻ nào giết người, trẻ nào hiếp dâm, trẻ nào gây rối, trẻ nào trộm cắp…

Do vậy, một trong những nỗi lo khiến các bậc phụ huynh ngại ngần khi nghĩ đến việc xin học lại cho con sau này chính là lý lịch của con.

“Học sinh hạnh kiểm yếu nhà trường phổ thông đã không muốn nhận vào học, vậy học sinh có hẳn tì vết như thế này liệu có thầy hiệu trưởng nào nhận vào lớp hay không?” – anh C.V.H., một phụ huynh có con ở trường giáo dưỡng, đã đặt câu hỏi về việc tìm lớp cho con như thế.

Đó chính là rào cản khiến anh H. không tự tin đi xin học lại cho con. Và đương nhiên, tương lai của con cũng khiến anh trăn trở rất nhiều.

“Bây giờ cháu đang đi làm cho người quen nên không ai hỏi gì về lý lịch, nhưng nếu cháu đủ 18 tuổi, xin đi làm công nhân trong một doanh nghiệp nào đó, hẳn khi đó nhìn vào lý lịch của con tôi họ cũng sẽ ngần ngại không dám nhận. Và tất nhiên không học lên được, không đi làm được, cháu chỉ có thể làm việc ở nhà hoặc đi làm thuê thời vụ, mà những công việc ấy thì bấp bênh, khó khăn và nhiều cạm bẫy lắm” – anh H. buồn rầu.

Về chuyện lý lịch, thượng tá Phạm Công Hiệp thừa nhận việc ghi rõ hành vi vi phạm vào lý lịch của trẻ vị thành niên sẽ cản trở rất nhiều đối với việc đi học đi làm của các cháu.

“Trước đây cũng có UBND tỉnh đề nghị bỏ việc viết rõ vào lý lịch để các cháu không bị kỳ thị khi đi làm, đi xin việc nhưng điều này không thực hiện được. Dù tôi biết là rất khó khăn cho các cháu nhưng quy định như vậy thì chúng tôi phải thực hiện” – thượng tá Hiệp nói.

Khó đi học trở lại

Em C.V.T. (Đồng Nai) đã rời trường giáo dưỡng được một năm nhưng đến giờ T. cũng không biết đi học ở chỗ nào. “Vào trường cũ thì cháu cũng ngại, nhưng đi chỗ khác cháu không biết học ở đâu. Nếu không học tiếp thì cuộc đời cháu sẽ mãi mãi chỉ đi làm thuê” – T. cúi mặt nói như vậy khi vừa từ tiệm sửa xe của người quen về nhà.

Kể từ ngày được cha mẹ đón ra khỏi trường giáo dưỡng, T. đã đi làm thuê hai nơi, cả hai nơi đều là người quen của gia đình thuê làm. Mặc dù ý thức rất rõ việc cần phải đi học lại mới có bằng THPT, rồi mới đi học nghề, nhưng về nhà T. không biết nơi nào sẽ đón nhận mình đi học, rồi liên hệ với ai.

Cuối cùng T. nói với bố cho T. đi làm. “Cháu vẫn chưa đủ 18 tuổi nên cũng chỉ phụ việc cho người ta trông nom hàng hoá, mỗi tháng cháu được trả 2,5 triệu đồng. Tiền lương không nhiều nhưng cháu được làm việc, được sống trong môi trường mà cháu không phải mặc cảm về quá khứ của mình” – anh Cao Văn H. thổ lộ.

Nhiều năm nay, Trường giáo dưỡng số 4 có tổ chức chương trình khảo sát việc tái hòa nhập cộng đồng đối với những trẻ đã được ra trường. Vào mỗi mùa hè nhà trường lại cử chừng 20 thầy cô giáo của trường về các địa phương có trẻ học tập trong Trường số 4 để khảo sát tình hình tái hoà nhập cộng đồng của các thiếu niên này.

Thiếu tá Lê Thanh Sơn, phó đội trưởng đội hồ sơ của trường, cho biết anh đã đi khảo sát ở nhiều tỉnh thành và nhận thấy hầu hết các cháu sau khi rời trường về nhà nếu được gia đình hỗ trợ tích cực sẽ được đi học bổ túc văn hoá, còn không đều bỏ dở việc học rồi đi làm.

Theo kết quả khảo sát của trường, trẻ đang ở lứa tuổi học đường phải vào trường giáo dưỡng khi trở về đều được gia đình đón nhận và đều có mong muốn được chăm sóc và đi học lại. Tuy nhiên số trẻ tái phạm không hẳn ít.

“Khi gặp lại các cháu trong trường, chúng tôi hỏi tại sao thì các cháu kể nếu ở trường các cháu được nói chuyện, học về ứng xử, rèn luyện thì về nhà không còn được như vậy nữa. Phần khác, nhiều cháu bị bạn bè xa lánh, xã hội không tiếp nhận, các cơ quan đoàn thể chỉ thăm hỏi mang tính hình thức nên các cháu rất khó khăn khi hoà nhập cộng đồng” – thượng tá Lê Công Hiệp, phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4 cho biết.

Năn nỉ cho con vào trường giáo dưỡng

Trong số nhiều trẻ vi phạm buộc phải vào trường giáo dưỡng có không ít trẻ bị chính cha mẹ đề nghị đưa vào trường bởi những hành vi vi phạm liên tiếp xảy ra. Đó là H.H.H. (17 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) vì mê game online mà trộm đồ nhà của mẹ không biết bao nhiêu lần.

Đầu tiên là con gà, quả trứng, sau trộm cà phê, hạt tiêu và cuối cùng là xe máy. Mẹ nói H. bao nhiêu lần không được, đưa lên công an xã thì H. đập vỡ cả cửa phòng của xã để bỏ trốn.

Khi H. liên tiếp trộm đồ của nhà thì bị lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng. Tại trường, H. bảo rất ân hận vì những việc mình đã làm với gia đình. “Lúc ấy cháu chỉ nghĩ đến game, không nghĩ gì khác. Vào đây ân hận cũng muộn rồi” – H. nói.

Bất lực trong cách giáo dục con, câu chuyện đó không hiếm, bởi vậy có không ít bậc cha mẹ đã liên hệ trực tiếp với ban giám hiệu trường giáo dưỡng để xin gửi con vào trường.

“Họ cho rằng việc gửi những đứa trẻ vào trường giáo dưỡng với việc học tập và rèn luyện bằng kỷ luật của nhà trường thì con em mình sẽ mau tiến bộ hơn. Tôi giải thích với họ rằng chúng tôi không thể nhận trẻ như vậy vào trường. Tuy nhiên, gia đình có thể đưa các cháu đến thăm mô hình học tập và rèn luyện ở đây” – thượng tá Hiệp nói. 

MAI VINH – HOÀNG ĐIỆP