Những điểm mới về giáo dục phổ thông
Chiều qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chủ động chia sẻ với báo chí về những nội dung chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông sắp tới.
Những điểm mới về giáo dục phổ thông
Chiều qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chủ động chia sẻ với báo chí về những nội dung chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sắp tới.
Sẽ bố trí một lực lượng giáo viên phổ thông biên soạn cũng như thẩm định chương trình – sách giáo khoa – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã giải đáp nhiều câu hỏi mà báo chí nêu xung quanh những điểm mới về chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) được thực hiện từ 2018.
Ít môn học bắt buộc, loại bỏ kiến thức khó
Lãnh đạo bộ cho biết: đến thời điểm này, CT giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.
|
Về nội dung CT sắp tới, điểm mới quan trọng đầu tiên, theo ông Hiển, dù nội dung CT-SGK là gì thì cũng phải theo định hướng chung là phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Trước đây mọi người thường hiểu có kiến thức là có năng lực. Nhưng trên thực tế, năng lực không chỉ dừng ở việc trang bị kiến thức. CT-SGK giúp hiểu sâu sắc hơn, ngoài kiến thức ra còn có những cái khác để tạo nên năng lực. Đó là phải có quá trình tôi luyện. Đánh giá năng lực phải đánh giá trên kết quả công việc.
Trong CT sắp tới có hai giai đoạn: Giai đoạn 1 hình thành cơ bản phương pháp tự học của học sinh (HS). HS học xong THCS có thể “sống” được với cuộc sống thực tiễn. Học hết giai đoạn này, người học đã hình thành cơ bản về tính cách công dân. Bậc THCS cũng có một số định hướng, gợi ý cho HS hiểu được năng lực của mình, giúp các em có thể chọn con đường học tiếp THPT hay học nghề, hay ra đời vừa học vừa làm… “Nghĩa là hiện tại hết 12 năm mới được coi là học xong phổ thông, sắp tới thì sau THCS cũng đã có thể coi là xong kiến thức cơ bản về phổ thông”, ông Hiển nói. Cũng theo ông Hiển, ở giai đoạn cơ bản này, điểm mới nữa là thời gian học ít đi nhưng yêu cầu cao hơn. Giảm số lượng môn học bằng cách tích hợp kiến thức liên quan đến nhau ở các môn học, không dạy đi dạy lại những kiến thức tương tự nhau. Nhờ đó mà năng lực tổng hợp của HS cũng sớm được hình thành hơn.
Giai đoạn 2 là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là điểm khác biệt lớn so với CT hiện hành. Hiện cũng phân ban, nhưng không đồng bộ với tuyển sinh ĐH. Tuyển sinh ĐH theo khối, nhưng dạy học lại không phân ban theo khối, nên HS “tự phân hoá” cho mình.
CT mới ở cấp THPT sẽ dạy học phân hóa, ít môn học bắt buộc hơn, HS được học tự chọn bằng môn học, bằng các chuyên đề. Cụ thể lớp 10 thì việc dạy học phân hóa ít hơn nhưng lớp 11 và 12 thì việc phân hóa sẽ rõ nét hơn. CT sẽ phải xây dựng để đáp ứng yêu cầu như vậy. CT thiết kế “mở” để đáp ứng được nhu cầu cao nhất của HS. Tất nhiên, không thể đáp ứng được hết vì còn phải phụ thuộc vào điều kiện của mỗi trường nhưng khả năng đáp ứng sẽ phải tăng dần theo các năm cho đến khi đạt hiệu quả cao nhất mà mục tiêu CT đề ra.
|
Ông Hiển cũng cho biết CT mới sẽ thiết kế theo thời lượng 2 buổi/ngày ở tiểu học, 1 buổi/ngày ở THCS, THPT và sẽ có hướng dẫn thêm với những nơi đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày.
Thứ trưởng Hiển khẳng định: Về nội dung CT, những kiến thức quá khó, chưa thực sự cần thiết ở giáo dục phổ thông sẽ bỏ. Về mặt kiến thức thì chắc chắn sẽ dễ hơn so với CT hiện hành. HS có cơ hội được học nhiều hơn những kiến thức thiết thực, cần thiết cho cuộc sống.
Việc giáo dục đạo đức cũng không phải bằng những bài học giáo điều, bắt HS phải nói yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ… mà coi trọng những hoạt động trải nghiệm của HS, nhìn vào kỹ năng ứng xử các tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của HS để đánh giá về đạo đức của các em.
Đã có đơn vị đăng ký viết sách giáo khoa
Lãnh đạo bộ cũng cho biết một trong những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới là: Phát hiện, bổ sung thêm lực lượng tham gia xây dựng CT, biên soạn SGK. PV Thanh Niên nêu câu hỏi: Đã có những tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia biên soạn SGK và tiêu chí để lựa chọn người tham gia biên soạn CT-SGK là gì? Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đến thời điểm này Bộ đã dự kiến có thể giao cho một đơn vị đủ năng lực, có thể nhưng không nhất thiết là Nhà xuất bản Giáo dục VN chịu trách nhiệm biên soạn bộ SGK do Bộ chủ trì. Ngoài ra, Bộ cũng đã nhận được công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM đăng ký tham gia biên soạn SGK. “Về chủ trương, Bộ hoàn toàn nhất trí. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu, có năng lực đều được Bộ hoan nghênh”, ông Hiển nói.
Về tiêu chí của người tham gia biên soạn CT-SGK, ông Hiển cho biết: Sẽ có 3 tiêu chí cơ bản: thứ nhất là phẩm chất của người viết; thứ hai là giỏi về khoa học, chuyên môn; thứ ba là năng lực sư phạm. Cả 3 tiêu chí đều rất quan trọng vì thực tế cho thấy không phải giỏi về khoa học là có thể viết SGK tốt và ngược lại…
Trả lời thắc mắc về tỷ lệ giáo viên phổ thông, ĐH, nhà nghiên cứu trong đội ngũ biên soạn CT-SGK, ông Hiển cho rằng sẽ căn cứ trên năng lực thực tế vì từ biết đến viết được là cả một khoảng cách. Viết CT-SGK phần nhiều sẽ là các nhà sư phạm, nhà giáo dục học am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông. Tất nhiên sẽ bố trí một lực lượng nhất định là giáo viên phổ thông trong quá trình biên soạn cũng như thẩm định CT-SGK nhưng chắc chắn sẽ không thể nhiều được.
Cũng theo ông Hiển, việc có sự tham gia của những tác giả CT-SGK hiện hành vào CT-SGK mới là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì không có quy định nào cấm việc này, miễn là người đó đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn mà Bộ ban hành.
Tuệ Nguyễn – Quý Hiên