10/01/2025

Biết chuyển giá mà không xử được

Dù đã bóc trần được hành vi chuyển giá của Công ty TNHH METRO Cash & Carry VN (METRO VN) nhưng Thanh tra thuế tỏ ra lúng túng khi xử lý trường hợp này.

 

Biết chuyển giá mà không xử được

 

 

Dù đã bóc trần được hành vi chuyển giá của Công ty TNHH METRO Cash & Carry VN (METRO VN) nhưng Thanh tra thuế tỏ ra lúng túng khi xử lý trường hợp này.


 

METRO VN bị phát hiện có hành vi chuyển giá METRO VN bị phát hiện có hành vi chuyển giá – Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng, con số truy thu, điều chỉnh, giảm lỗ 507 tỉ đồng trong kết luận thanh tra là khá tù mù, thể hiện sự lúng túng của thanh tra thuế. Cụ thể, kết luận thanh tra nêu: Qua thanh tra đã yêu cầu METRO VN điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền 507 tỉ đồng.

Đã truy thu phải xử phạt

Một chuyên gia (không muốn nêu tên) phân tích theo quy định hiện hành trong 507 tỉ đồng có 62 tỉ đồng là số tiền yêu cầu điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các chi phí bồi hoàn cho công ty mẹ METRO tại Đức để trả lương cho nhân viên nước ngoài. Tuy nhiên, việc điều chỉnh không nên hiểu theo nghĩa sẽ thu số tiền 62 tỉ đồng này vào ngân sách, mà chỉ là điều chỉnh giảm chi phí, giảm lỗ. Đối với một doanh nghiệp (DN) lỗ triền miên như METRO VN thì điều chỉnh như vậy không có ý nghĩa gì.

 
 
Biết chuyển giá mà không xử được - ảnh 2

Khi đã xác định được rồi thì phải xử lý thẳng tay. Truy thu, phạt vì hành vi gian lận, trốn thuế chứ không thể mập mờ

Biết chuyển giá mà không xử được - ảnh 3
 

TS Ngô Trí Long

 

Tương tự, đối với khoản tiền giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào 110 tỉ đồng và điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại 335 tỉ đồng, theo chuyên gia trên, với 12 năm liên tiếp báo lỗ lên tới 1.657 tỉ đồng, yêu cầu giảm lỗ và giảm khấu trừ chỉ mang giá trị nhắc nhở là chính. Vì ngân sách chưa chắc đã thu được đồng nào cho đến khi METRO VN có lãi.

“Xác định được hành vi vi phạm chính sách thuế, các dấu hiệu chuyển giá nhưng lại chỉ công bố con số điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ cho thấy Thanh tra thuế đang rất lúng túng. Sòng phẳng ra thì phải xác định rõ có trốn thuế hay không, đã trốn thuế thì phải truy thu mà truy thu thì phải phạt. Nhưng báo cáo kết luận thanh tra lại né tránh”, chuyên gia trên nhận định.

Bình luận thêm về vấn đề này, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cũng nhận xét xác định hành vi chuyển giá đã khó, xử phạt được lại càng khó hơn. METRO VN là công ty đa quốc gia, hoạt động khắp thế giới nên việc nhượng quyền thương mại, phân bổ chi phí trong các giao dịch liên kết giữa các thành viên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thanh tra chỉ mới “sờ” được vào những vi phạm râu ria như: Có thực hiện giao dịch liên kết, nhượng quyền thương mại theo luật nhưng 3 năm đầu không đăng ký với Bộ Công thương; nhượng quyền thương mại với số tiền quá lớn, không hợp lý.

Vấn đề ở đây, theo TS Long, chuyển giá là hoạt động không sai luật, nhưng trách nhiệm của Thanh tra thuế phải chỉ rõ METRO VN trả lương cao cho nhân viên, lãnh đạo nước ngoài cho công ty mẹ tại Đức thì phải xác minh xem số tiền này có đưa vào chi phí để nộp thuế thu nhập cá nhân hay không. Tiền đưa vào đâu, làm gì? “Khi đã xác định được rồi thì phải xử lý thẳng tay. Truy thu, phạt vì hành vi gian lận, trốn thuế chứ không thể mập mờ”, TS Long đề nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nhận định, việc thận trọng của cơ quan thuế là cần thiết. DN có thể lỗ vì mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường nhưng khi đã xác định được hành vi “gửi giá” cho công ty mẹ tại Đức; hạch toán phân bố chi phí để cố tình báo lỗ… thì phải coi là các hành vi gian lận.

Cần sớm lấp lỗ hổng về cơ chế

Trước đó, theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính trong năm 2014, cơ quan này thực hiện thanh tra chống chuyển giá tại 2.866 DN FDI báo lỗ và có giao dịch liên kết. Kết quả, giảm lỗ hơn 5.830 tỉ đồng. Trong đó, riêng thanh tra tại 30 DN FDI có giao dịch liên kết và rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế yêu cầu giảm lỗ 1.600 tỉ đồng. Sau khi miễn giảm thuế ưu đãi đầu tư, đã truy thu và xử phạt trên 600 tỉ đồng. Ngoài ra, một báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho thấy có hơn 50% DN FDI báo lỗ. Trong khi đó, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) cũng công bố khảo sát 20% DN FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận để giảm thuế.

Không chỉ METRO VN, năm 2012 – 2013, Thanh tra thuế cũng đã tiến hành một loạt các cuộc thanh, kiểm tra nhằm vào DN FDI lớn. Đặc biệt Coca-Cola VN, hãng này vào VN từ những năm 1994, liên tiếp trong nhiều năm báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng nhưng vẫn mở rộng đầu tư, chiếm lĩnh thị trường. Việc báo lỗ giúp Coca-Cola VN không phải đóng một đồng thuế thu nhập DN nào. Tương tự, PepsiCo cũng lỗ lũy kế kéo dài từ năm 1991 đến nay nhưng cũng trong ngần ấy năm thanh, kiểm tra DN này cũng vẫn chỉ rơi vào diện “nghi án” chuyển giá.

Từ bài học của METRO VN, Coca-Cola, PepsiCo…, các chuyên gia cho rằng, cần phải sớm lấp lỗ hổng về cơ chế. Không thể để tình trạng biết mà không xử được, phát hiện hành vi chuyển giá nhưng không thể xử phạt. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc ký kết các hiệp định thuế với các quốc gia trên thế giới. Bởi các công ty chuyển giá thường hoạt động xuyên quốc gia, nếu không có thoả thuận chống chuyển giá, VN sẽ mãi bị cô lập và bất lực trước thực trạng này.

DN trong nước bị ảnh hưởng lớn

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, hàng tiêu dùng lớn trên thế giới thường sử dụng chiêu thức định giá tiền bản quyền thương hiệu quá cao so với giá trị thực, qua đó giúp thu lợi nhuận từ việc nâng khống, trong khi đó DN FDI hoạt động tại VN vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó. Điều này khiến cho DN trong nước thua lỗ nặng, khoản lỗ đó chuyển thành lợi nhuận cho các DN ở nước ngoài.

Anh Vũ