28/11/2024

Trung Quốc cho phép dân kiện chính quyền

Dù ngày 1-5 Bắc Kinh mới đưa vào thực thi “Luật tố tụng hành chính” sửa đổi và bổ sung, nhưng một số toà án địa phương ở nước này đã bắt đầu nhận và xét xử những vụ “tư nhân kiện chính quyền”.

 

Trung Quốc cho phép dân kiện chính quyền

 

 Dù ngày 1-5 Bắc Kinh mới đưa vào thực thi “Luật tố tụng hành chính” sửa đổi và bổ sung, nhưng một số toà án địa phương ở nước này đã bắt đầu nhận và xét xử những vụ “tư nhân kiện chính quyền”.


 

Biểu tình vì môi trường ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Các hoạt động biểu thị chống đối những hành vi xâm phạm môi trường đang ngày càng nhiều ở Trung Quốc – Ảnh: AFP

Thời báo Hoàn Cầu cho biết điều luật này đã được Quốc vụ viện nước này xem xét thông qua, trao thêm quyền cho công dân kiện chính quyền quan liêu ở địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế tư pháp Trung Quốc còn nhiều lúng túng vì gần 30 năm có luật nhưng cho đến nay người dân mới có thể sử dụng để đòi quyền lợi cho mình.

Luật 25 năm mới dùng

Trường hợp gần nhất là Công ty kỹ thuật Sware Thâm Quyến thắng kiện Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông đã lạm dụng quyền hạn và vi phạm luật độc quyền.

Thắng kiện nhờ tỉnh cởi mở?

Thắng Khiết Mẫn, giám đốc Văn phòng nghiên cứu luật kinh tế ĐH Bắc Kinh, nhận định vụ việc của Công ty Sware là vụ kiện nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, luật sư Vĩ Thế Lâm cho rằng ông và Công ty Sware thắng được vụ kiện là do vụ việc diễn ra ở Quảng Châu – nơi được xem là thủ phủ phía nam của Trung Quốc và ngành tư pháp có những “cởi mở và tiến bộ”.

“Nếu vụ kiện được xét xử ở các tỉnh kém phát triển hơn, có lẽ chúng tôi sẽ thua kiện. Qua vụ này, tôi có cảm giác ở mỗi phiên toà thì chính quyền đang tự cải thiện mình một chút” – luật sư Vĩ nói.

“Một doanh nghiệp tư nhân đã dám đứng lên kiện và thắng kiện một cơ quan nhà nước. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc” – luật sư Vĩ Thế Lâm, đại diện Công ty Sware Thâm Quyến, nhận định.

Nhật báo Pháp Chế Trung Quốc cho rằng trường hợp Công ty Sware Thâm Quyến là một “bước đột phá” sau 25 năm “Luật tố tụng hành chính” được thực thi và sau bảy năm Luật chống độc quyền có hiệu lực ở Trung Quốc.

Câu chuyện của Công ty Sware và luật sư Vĩ bắt đầu từ đầu năm 2014. Khi đó Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức cuộc thi “Đánh giá kỹ thuật xây dựng” dành cho sinh viên thuộc các chương trình đào tạo ngành xây dựng.

Để chọn ứng viên, mỗi tỉnh phải trang bị công cụ để sàng lọc người phù hợp.

Ngày 1-4-2014, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông chọn Công ty phần mềm Glodon cung cấp phần mềm dữ liệu xây dựng mà không qua đấu thầu, trong khi trên thị trường có rất nhiều công ty cạnh tranh, trong đó có Sware.

Khi thông tin Glodon thắng thầu được công bố, đại diện Công ty Sware cho rằng có sự không minh bạch và cáo buộc Sở Giáo dục đã lạm dụng quyền lực, vi phạm luật chống độc quyền.

Sau nhiều lần kết nối không thành với Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông, Công ty Sware đệ hồ sơ kiện lên Toà án nhân dân Quảng Châu. Tuy nhiên, vụ kiện đã gặp khó khăn do ngành tư pháp Trung Quốc lúng túng khi lần đầu tiên phải tiếp nhận và xử lý vụ kiện loại này.

Sau hơn 10 tháng chờ đợi, ngày 2-2-2015, toà án Quảng Châu đã buộc tội Sở Giáo dục Quảng Đông không minh bạch trong quá trình chọn lựa nhà thầu và lạm dụng quyền lực.

“Rất ít công ty tư nhân dám kiện các cơ quan chính quyền ở Trung Quốc bởi tỉ lệ thắng rất nhỏ. Nếu một cơ quan nhà nước đã độc quyền chọn nhà cung cấp sản phẩm thì các nhà cung cấp còn lại khó có cơ hội. Bảo vệ cho Sware đã là một việc liều lĩnh” – luật sư Vĩ kể lại.

Bộ nông nghiệp bị kiện

Ngày 8-4-2015, truyền thông Trung Quốc loan tin ba công dân nước này đã đệ đơn kiện Bộ Nông nghiệp Trung Quốc không minh bạch khi cho phép sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn công nghiệp thực phẩm đa quốc gia Monsanto ở Mỹ sản xuất.

Đây là vụ kiện được đánh giá là hiếm có từ trước đến nay ở Trung Quốc khi người dân dám đứng lên kiện một cơ quan cấp bộ. Dù chưa ấn định ngày xét xử nhưng việc Toà án nhân dân số 3 Bắc Kinh chịu tiếp nhận vụ kiện là một tiền lệ chưa từng có trong ngành tư pháp ở thủ đô Trung Quốc.

Theo Reuters, ba công dân Trung Quốc quyết định đệ đơn kiện Bộ Nông nghiệp sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố phát hiện thành phần glyphostae sử dụng trong thuốc diệt cỏ Roundup “có thể gây ung thư cho con người”.

Tuy nhiên, Tập đoàn Monsanto đã bác bỏ thông tin trên. Thuốc Roundup được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho phép nhập khẩu sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp từ 27 năm trước, nhất là trong ngành trồng đậu nành.

Trong đơn kiện, nguyên đơn Dương Hiểu Lục và hai người khác là Lý Tường Chấn và Điền Tường Bình yêu cầu Bộ Nông nghiệp phải công khai kết quả thử nghiệm trên động vật mà bộ này từng tuyên bố như một chứng cứ thuyết phục cho việc chấp nhận nhập khẩu thuốc diệt cỏ Roundup vào năm 1988.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã từ chối cung cấp chi tiết này, viện cớ đó là “bí mật thương mại” của Monsanto.

Một số người Trung Quốc còn quan ngại chất glyphostae có liên quan đến những loại cây trồng biến đổi gen. “Chính quyền đang có những động thái giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm nhưng họ không quan tâm đến vấn đề thực phẩm biến đổi gen” – Reuters dẫn lời ông Dương Hiểu Lục, một trong ba nguyên đơn, nhấn mạnh.

Vụ việc còn đang chờ phán quyết nhưng đã mở ra những gợi mở về tranh chấp dân sự ở Trung Quốc…

MỸ LOAN