10/01/2025

Nền kinh tế phục hồi bên miệng hố

Một số chuyên gia đã dùng hình ảnh này để ví von nền kinh tế VN có những tín hiệu phục hồi đáng mừng nhưng chỉ như vừa trải qua cơn bệnh.

 

Nền kinh tế phục hồi bên miệng hố

 

 Một số chuyên gia đã dùng hình ảnh này để ví von nền kinh tế VN có những tín hiệu phục hồi đáng mừng nhưng chỉ như vừa trải qua cơn bệnh.

 

 

 

Xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng sẽ giúp phục hồi kinh tế. Trong ảnh: thi công tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Ảnh: H.T.V.
“Chúng ta phục hồi nhưng chưa vượt qua được vùng đáy của tăng trưởng, tức chưa vượt qua được cái miệng hố, chúng ta xuống đáy và đã bò lên được chút rồi nhưng chưa qua được miệng hố” – ông Trần Đình Thiên nói – Ảnh: Lê Kiên

Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: biến lời nói thành hành động” khai mạc tại Nghệ An sáng 21-4. Diễn đàn này thu hút nhiều chuyên gia và chính khách tham dự.

“Chưa qua miệng hố”

PGS.TS Trần Đình Thiên được “đặt hàng” trình bày những vấn đề đáng lưu ý của tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và triển vọng 2015.

“Chúng ta phục hồi nhưng chưa vượt qua được vùng đáy của tăng trưởng, tức chưa vượt qua được cái miệng hố, chúng ta xuống đáy và đã bò lên được chút rồi nhưng chưa qua được miệng hố” – ông Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên năm 2014 thành công của kinh tế VN, trong đó yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc Chính phủ đã chủ động thực hiện nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Kết quả đạt được là rõ ràng và đáng khích lệ.

“Điển hình nhất là thời gian doanh nghiệp nộp thuế đã giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm chỉ sau bốn tháng, trong khi cả bốn năm trước đó chỉ giảm được tổng cộng 70 giờ)” – ông Thiên dẫn chứng.

“Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. VN đã và đang đàm phán ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập ở đẳng cấp rất cao, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng thấp” – ông nhấn mạnh.

Thương mại lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều

Vẫn theo trình bày của ông Thiên, một điểm rất đáng lưu ý là tăng trưởng của nền kinh tế VN phụ thuộc quá lớn vào FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và thương mại thì lệ thuộc vào Trung Quốc.  

FDI đóng góp rất lớn, làm thay đổi sâu sắc chủ thể phát triển, đặc biệt là sự đầu tư của các “đại gia”.

“Câu hỏi của chúng ta là họ đem cái gì vào, thứ họ đem vào có làm thay đổi cơ bản đẳng cấp công nghiệp của VN không? Đến thời điểm này các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đưa vào để lắp ráp là chủ yếu.

Chúng ta kéo thế giới đến với mình rồi nhưng doanh nghiệp VN vẫn không hội nhập được. Ví dụ Samsung vào, tuyển chọn mãi mới được vài doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho họ. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm tỉ lệ tới 68%” – ông Thiên cho biết.  

“Khi sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981 xảy ra, chúng ta lo ngại ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế, đặc biệt là thương mại Việt – Trung. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra, theo thống kê thì xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18%, nhập khẩu tăng 31%.

Thương mại VN – Tung Quốc không giảm đi mà lại tăng bởi vì tăng lên thì cấu trúc kinh tế VN không thay đổi được, chúng ta không tránh được nguy cơ lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc, không chỉ cơ cấu thương mại mà cơ cấu kinh tế cũng lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Rủi ro trong việc trả nợ công cũng được vị chuyên gia này cảnh báo: “Nợ trong nước có tỉ trọng tăng nhanh, hiện chiếm tới hơn 50% nhưng chủ yếu dưới hình thức trái phiếu Chính phủ mà ngân hàng thương mại mua.

Mặc dù đã có những điều chỉnh nhằm tăng lượng trái phiếu Chính phủ dài hạn trong tương lai, song ở thời điểm hiện tại các khoản nợ này chủ yếu vẫn là lãi suất khá cao (8-10%) và ngắn hạn (2-5 năm). Với rủi ro lãi suất cao và kỳ hạn ngắn, nghĩa vụ trả nợ trong nước sẽ vô cùng nặng nề, áp lực tăng cung tiền trả nợ dẫn đến lạm phát”.

Lơ mơ về hội nhập

“Đồng ý với anh Thiên là chúng ta đang phục hồi ở đáy. Kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa” – đại biểu Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Cao Sỹ Kiêm lên tiếng.

Những ví dụ được ông Kiêm đưa ra rất thời sự gần đây như chuyện nông dân đổ sữa ra đường, dưa hấu ế ẩm không bán được…

“Chi phí đầu vào của chúng ta còn quá cao, chi phí “lót tay” còn phổ biến và nghiêm trọng. Việc triển khai luật, chính sách quá chậm chạp, luật đem lại sự phấn chấn ngay khi ra đời nhưng triển khai thực hiện lại gây thất vọng, bởi quá trình ban hành văn bản hướng dẫn vẫn chưa đến đâu” – ông Kiêm bình luận.

Một trong những lo lắng nhất được ông Kiêm trình bày là đến thời điểm này, năm 2015, nhiều cam kết hội nhập đã bắt đầu có hiệu lực, VN đã ký kết và đang đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tức đã bắt đầu hội nhập sâu với kinh tế thế giới.

“Nhưng việc hiểu biết của doanh nghiệp về hội nhập còn rất hạn chế (cơ hội gì, thách thức gì, điều kiện gì…), doanh nghiệp vẫn còn lơ mơ lắm. Doanh nghiệp mà không hiểu biết về hội nhập thì rất khó khăn” – ông nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng có chung nhận định: “Ký kết thì dễ nhưng doanh nghiệp cạnh tranh thế nào? Tôi rất lo ngại vì doanh nghiệp VN chúng ta chịu chi phí đầu vào rất cao, trong đó có chi phí lót tay, chi phí cho tham nhũng như các anh vừa đề cập. Thứ hai là chưa sẵn sàng gia nhập chuỗi giá trị khi tham gia thị trường toàn cầu”.

TS Doanh cho rằng câu chuyện dưa hấu vừa rồi là một ví dụ, người nông dân chưa ký được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn giá trị.

“Gia nhập thị trường toàn cầu, kỷ luật thị trường đối với người nông dân, ngư dân là rất cao. Không đáp ứng chất lượng sẽ không bán được hàng” –  ông lưu ý.

Liên quan đến vấn đề chi phí lót tay, chi phí cho tham nhũng mà ông Kiêm và ông Doanh nêu ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị các chuyên gia nếu có địa chỉ cụ thể, con số cụ thể thì nêu ra, không nên nói chung chung.

LÊ KIÊN