Dự án sách 240 tỉ quá nhiều ‘sạn’
Được nhà nước đầu tư 240 tỉ đồng, dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc VN đáng tiếc đã mắc nhiều sai sót về nội dung, đặc biệt là những đầu sách của các nhà khoa học.
Dự án sách 240 tỉ quá nhiều ‘sạn’
Được nhà nước đầu tư 240 tỉ đồng, dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc VN đáng tiếc đã mắc nhiều sai sót về nội dung, đặc biệt là những đầu sách của các nhà khoa học.
Bìa cuốn Sự tích các bà Thành hoàng làng, NXB Văn hóa Thông tin, đề tác giả PTS Đỗ Thị Hảo,
Tên chàng Đăm Săn được viết lúc Đăm Săn lúc Đam San – Ảnh: K.M |
Dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc VN (sau đây gọi tắt là dự án) được Chính phủ phê duyệt, giao Hội Văn nghệ dân gian VN làm đầu mối thực hiện, với mong muốn những thành tựu văn hoá văn nghệ dân gian VN của 20 thế kỷ được hội tụ, những kho báu dân gian trong đầu của các nghệ nhân cao tuổi sẽ không thất truyền sau khi các nghệ nhân nằm xuống…
Ông Đoàn Thanh Nô, Giám đốc Văn phòng dự án, cho biết đây là dự án sách lớn nhất từ trước tới nay của VN. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 (2008 – 2012) với 1.000 tác phẩm của 646 tác giả. Số vốn nhà nước đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là 90 tỉ đồng. Tổng kết giai đoạn 1 thành công, nhà nước tiếp tục đầu tư 150 tỉ đồng để thực hiện giai đoạn 2 (2013 – 2017), dự kiến công bố 1.500 tác phẩm, công trình nghiên cứu. Trong 2 năm đầu của giai đoạn 2, đã có khoảng 500 tác phẩm ra đời.
Mỗi đầu sách được in 2.000 cuốn, tặng 1.997 điểm là các thư viện trên cả nước… Ông Đoàn Thanh Nô khẳng định việc đọc nội dung là có cả một hội đồng khoa học. Tuy nhiên, không ít sách trong dự án trọng điểm với vốn đầu tư khủng này mắc nhiều sai sót về nội dung.
Những lỗi hình thức ngô nghê
Xét về mặt hình thức, những lỗi như in sai trang xi-nhê hoặc gắn sai logo NXB chúng tôi xin không bàn tới. Những sai sót đó có thể châm chước được. Dưới đây, chúng tôi xét về những sai sót ở hình thức khoa học của một công trình khoa học.
Thứ nhất, tuỳ tiện trong cách viết thường, viết hoa và viết in hoa. Xin xem mục lục cuốn Văn hóa văn nghệ dân gian ở huyện Hưng Hà, tác giả Phạm Minh Đức – Lưu Đức Lượng, NXB Văn hóa Thông tin (2014), từ trang 403 đến trang 409.
Thứ hai, tuỳ tiện đưa thư mục tiểu sử tác giả vào sách. Trong khi tiểu sử các tác giả hầu như không có, thì một số cuốn sách lại dành in riêng. Ví dụ, cuốn Văn hoá xã hội Chăm – nghiên cứu và đối thoại, NXB Khoa học Xã hội (2011), dành 8 trang (từ 452 đến 459) giới thiệu tác giả Inrasara. Hoặc cuốn Con người, môi trường và văn hóa, NXB Khoa học Xã hội (2014), đã dành 5 trang (từ 719 đến 723) giới thiệu về tác giả Nguyễn Xuân Kính.
Thứ ba, các cuốn sách được tái bản gần như nhặt nhạnh “chổi cùn rế rách” tập trung về. Vì thế, việc biên tập gần như không có. Những lỗi chình ình ngay bìa sách có thể nhận thấy được như bìa sách Sự tích các bà Thành hoàng làng, NXB Văn hoáThông tin, đề tác giả “PTS Đỗ Thị Hảo”. Học vị phó tiến sĩ đã qua từ lâu.
Quá nhiều sai sót nội dung
Qua khảo sát thí điểm 10 đầu sách trong số sách in năm 2014, chúng tôi nhận thấy lỗi về nội dung là phổ biến. Do chưa có điều kiện tiếp xúc để đọc 1.000 đầu sách nên chúng tôi hy vọng đây chỉ là những sai sót không phổ biến.
Chúng tôi xin lấy cuốn Từ điển văn học dân gian, NXB Văn hoáThông tin (2014), tác giả Nguyễn Việt Hùng, tiến sĩ văn học dân gian, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, làm thí dụ. Lật ngay những trang đầu tiên, phần “Lời nói đầu” đã thấy lộn xộn trong cách trình bày: Khi thì viết văn học dân gian, lúc viết VHDG, trên viết phôn-cơ-lo, dưới viết folklore (có thể gặp tương tự ở trang 333 – 334)…
Một số ví dụ khác như tên Mỵ Châu được viết theo hai cách khác: Mỵ Châu và Mị Châu (trang 58 – 60, trang 161 – 163, trang 168, trang 286 – 289), dù là cùng một cuốn sách cũng như cùng trang sách. Phiên âm típ hay type, mô-tip… (trang 47, trang 154 – 156). Tên chàng Đăm Săn được viết dưới 3 hình thức Đăm Săn (trang 85), Đam San (trang 148), Đăm Săn – Đam San (trang 150, trang 180 – 182). Hai người vợ của người anh hùng sử thi này cũng có 3 tên gọi khác nhau: HơNhị, HơBhị (trang 87); HơNhị, HơBhi (trang 125); Hnhi, Hbhi và Hơ Nhi, Hơ Bhi (trang 149). Thị Màu – Thị Mầu (trang 178, trang 189). Tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca là Phạm Đình Toái viết sai tên thành Phạm Đình Thái – tên một GS Sinh vật học thế kỷ 20 (trang 67), Lê Ngô Cát thành Lê Ngũ Cát (trang 230)… Đó là còn chưa kể đến việc viết thường, in nghiêng, in nghiêng đậm tên các thuật ngữ hay sách trích dẫn cũng vô tội vạ.
Còn nhiều sạn khác nữa về mặt nội dung của cuốn sách này, nhưng chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài ví dụ ngắn gọn như trên. Điều cuối cùng muốn nhắc tới là, năm 2012, NXB Giáo dục VN đã cho phát hành cuốn sách này với tên gọi Cẩm nang kiến thức văn học dân gian trong nhà trường, cũng vẫn với 172 thuật ngữ xếp theo mục ABC này. Lẽ ra, in lại sau 2 năm, cuốn sách phải được hoàn thiện hơn, nhưng nhóm dự án và NXB Văn hoá Thông tin lại làm cuốn sách trở nên tệ hại.
“Các nhà nghiên cứu thì chuẩn hết”
PV đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đoàn Thanh Nô, Giám đốc Văn phòng dự án.
* Đối với các tác giả có phần tiểu sử trong sách không, thưa ông?
– Không. Hội Văn nghệ dân gian VN có 1.200 hội viên, trong đó TS, PGS, GS có độ 200 – 300 hội viên. Còn lại là lớp cán bộ tỉnh: phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban tuyên giáo tỉnh… là hội viên. Đối với hội viên là bình đẳng. Tất cả thống nhất đều không đưa tiểu sử tác giả vào sách.
* Còn sách của các nhà nghiên cứu thì sao ạ?
– Các nhà nghiên cứu thì chuẩn hết. Tất cả những sách của các nhà nghiên cứu là TS, PGS, GS sau khi biên tập xong, hội đồng đã duyệt, ra bông 1 chúng tôi đều đưa cho các tác giả đọc lại.
|
Khải Mông