10/01/2025

Cổ tức thấp: mừng hơn lo

Một số chuyên gia cho rằng cổ tức ngân hàng được chia quá thấp là động lực cần thiết để các NH tăng cường năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu.

 

Cổ tức thấp: mừng hơn lo

 

Một số chuyên gia cho rằng cổ tức ngân hàng  được chia quá thấp là động lực cần thiết để các NH tăng cường năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu.




 

 

Cổ đông Sacombank bỏ phiếu thông qua phương án được HĐQT Sacombank trình trong đại hội cổ dông thường niên sáng 21-4. Ảnh: Thuận Thắng

Trong khi nhiều cổ đông ngân hàng (NH) rất “tâm tư” khi cổ tức được chia quá thấp, thậm chí không có cổ tức, một số chuyên gia lại cho rằng việc này là cần thiết để các NH tăng cường năng lực tài chính và đẩy mạnh tái cơ cấu.

Thay vì NH trình phương án chia cổ tức và cổ đông được quyền thông qua mức cổ tức, trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, phương án chia cổ tức của các NH sẽ do Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định.

Chia cổ tức phải được NH Nhà nước quyết

Dù ĐHCĐ thường niên kết thúc vào sáng 21-4, nhưng Sacombank vẫn chưa chốt được phương án chia cổ tức. Đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 12%, chưa kể khoản “nợ” cổ tức năm 2013 với tỉ lệ 8%, nhưng Sacombank vẫn đang chờ NH Nhà nước duyệt.

Trả lời thắc mắc của cổ đông vì sao việc chia cổ tức quá lâu, ông Trầm Bê, phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, cho biết rất hiểu sự “sốt ruột” của cổ đông nhưng phải chờ ý kiến từ NH Nhà nước.

Ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch HĐQT Sacombank, cũng cho biết: “Sacombank đang làm việc với NH Nhà nước và sẽ thực hiện chia cổ tức ngay sau khi có văn bản cho phép của NH Nhà nước”.

Trước đó, tại ĐHCĐ NH Nam Á (Nam A Bank) sáng 17-4, nhiều cổ đông cho rằng trong năm 2014 các chỉ tiêu đặt ra NH đều đạt, nhưng vấn đề cổ đông nhỏ mong chờ nhất là cổ tức thì không đạt, chỉ có 4% bằng tiền mặt so với mục tiêu trước đó là 10-14%.

Trả lời cổ đông, ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên tổng giám đốc NH Nam Á, cho biết ban đầu NH trình NH Nhà  nước phương án chia cổ tức cho cổ đông nhỏ lẻ ở mức 9%, còn cổ đông lớn nhận cổ tức ở mức 4%, nhưng cuối cùng NH Nhà nước duyệt mức chung 4%.

“Mức này là thấp hơn so với mục tiêu nhưng vẫn khá cao so với các NH có hội sở trên địa bàn TP.HCM” – ông Vũ nói.

Tuy nhiên, đây không phải là những trường hợp cá biệt, chuyện chia cổ tức tại hầu hết NH trong năm nay đều do NH Nhà nước quyết định, trong đó có nhiều NH không được duyệt chia cổ tức.

Đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM mới chỉ có một số NH được NH Nhà nước duyệt cho chi cổ tức như ACB (7% bằng tiền mặt), HDBank (5% bằng cổ phiếu), VIB (trình kế hoạch 11% nhưng được duyệt 9%), LienVietPostBank (được duyệt mức 6% thay vì 10% như kế hoạch)…

Trong khi đó, dù chưa tổ chức ĐHCĐ nhưng từ cuối tháng 3-2015, Eximbank đã nhận được văn bản NH Nhà nước quyết định mức chia cổ tức của NH này năm 2014 là 0%.

Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc tài chính Eximbank, cho biết ban đầu NH cũng đưa ra nhiều phương án, trong đó có phương án mà mức lợi nhuận của NH cao hơn. Tuy nhiên sau khi nâng lên đặt xuống, cuối cùng NH chọn cách “xử lý hết để nhẹ gánh”.

NH đã rất mạnh tay trong trích lập dự phòng để tạo nguồn xử lý những khoản nợ mà NH thấy rằng khách hàng gặp khó khăn. Qua đó NH cũng giải quyết được những tồn đọng để phát triển trong thời gian tới.

Vì sự an toàn của hệ thống

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, cục trưởng Cục thanh tra giám sát NH TP.HCM, khẳng định chuyện NH Nhà nước can thiệp về việc chia cổ tức là có cơ sở pháp lý.

Cụ thể, khoản 2 điều 59 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) cho phép tùy theo tính chất, mức độ NH Nhà nước có thể áp dụng một số biện pháp can thiệp, trong đó có vấn đề chia cổ tức vì mục tiêu an toàn hoạt động của các TCTD.

Ngoài ra, trong thông tư 02 mới đây về phân loại nợ và xử lý nợ xấu, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH để lại lợi nhuận nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Cũng theo ông Dũng, đề án tái cơ cấu NH giai đoạn 2011-2015 yêu cầu các NH phải nâng cao năng lực tài chính, nên lợi nhuận để lại thay vì chia cổ tức cũng là cách để nâng cao năng lực tài chính..

Giải thích lý do ngay những NH có lợi nhuận cao nhưng NH Nhà nước cũng không cho chia hoặc chỉ chấp nhận mức cổ tức thấp, một chuyên gia lâu năm trong ngành NH khẳng định có nhiều NH hạch toán lãi, nhưng sau đó là những khoản nợ xấu rất lớn chưa xử lý được.

“Nếu chia ngay bây giờ, cổ đông hiện hữu của NH được hưởng nhưng những cổ đông sắp tới phải chịu rủi ro” – vị này nói. Cũng theo ông này, NH có thể biến hoá số liệu mà NH Nhà nước là người biết đằng sau con số lãi khủng đó có bao nhiêu khoản nợ thực tế cần cơ cấu và số liệu NH Nhà nước đưa ra mới là chính xác.

Nguyên tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cũng cho rằng các NH đang phải xử lý nợ xấu do khó khăn kinh tế mấy năm qua để lại. Cách xử lý là bán khoản nợ đó cho VAMC và mỗi năm phải trích dự phòng 20%.

Nguồn trích dự phòng lấy từ lợi nhuận, tức NH làm ra tiền lời nhưng “nhín ăn”, cắt khoản lời ra để xử lý nợ. “Ngược lại, nếu lấy khoản lời đó chia hết cho cổ đông thì lãi xài hết mà nợ xấu vẫn còn. Đến lúc nào đó nợ xấu ăn hết vào vốn và NH không còn vốn để hoạt động” – vị này nói.

Trong khi đó, bằng cách trích lập dự phòng mỗi năm 20% để xử lý nợ, NH có thể mạnh dạn xử lý tài sản đảm bảo.

“Cổ đông mua cổ phiếu NH kỳ vọng hai nguồn, đó là nhận được cổ tức và giá cổ phiếu. Việc NH không chia hoặc chia cổ tức thấp có thể khiến cổ đông thất vọng, nhưng cứ chia cổ tức cao mà nợ xấu vẫn còn đó, chưa chắc giá cổ phiếu tăng. Hơn nữa, nếu không chia cổ tức, cổ đông lớn chịu thiệt nhiều nhất. Cổ đông đừng nên chỉ nhìn vào cổ tức mà cần nhìn rõ xem NH có thanh lý sạch sẽ nợ xấu chưa, có lời thật không” – ông này nói.

“Cơm chưa nấu, gạo vẫn còn”

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, cổ đông không nên chỉ nhìn trong ngắn hạn mà nên nhìn xa hơn, NH Nhà nước làm như vậy là vì mục tiêu chung.

“Cơm chưa nấu, gạo vẫn còn. Nếu chia cổ tức cao mà nợ xấu còn, hoạt động không hiệu quả và bị NH Nhà nước mua bắt buộc, cổ đông còn mất rất nhiều. Do vậy cổ đông cần nhìn toàn diện và chấp nhận hi sinh hiện tại để tương lai tốt hơn” – ông Dũng nói.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng trên sổ sách nhiều NH có lợi nhuận nhưng thực tế không phải như vậy. “Do đó nếu cứ phóng tay trong việc chia cổ tức cho cổ đông, có thể nói thực chất cổ đông nhận cổ tức bằng chính tiền của mình, tức là lấy mỡ nó rán nó” – ông Hiếu nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều NH cho rằng việc NH Nhà nước kiểm soát chặt mức chia cổ tức nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu là cần thiết. Theo lãnh đạo SHB, chủ trương của NH Nhà nước là đúng vì nếu không trích lập dự phòng đầy đủ mà cứ chia cổ tức cao, rất rủi ro cho NH và cho cả hệ thống.

Mặt khác, NH Nhà nước cũng muốn giữ một phần lợi nhuận để lại cho các NH để nâng cao năng lực tài chính. “Phần lợi nhuận đó cũng là của cổ đông, năm nay không chia thì năm sau lại chia. Cổ đông nên hiểu và chia sẻ chứ các NH không thể mãi chạy theo cổ tức được” – vị này nói.

Ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, cho rằng việc NH Nhà nước đánh giá thực chất và khả năng thực tế của các NH trước khi chi trả cổ tức là cần thiết nhằm tăng khả năng quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và phù hợp với định hướng về tăng cường năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho rằng trong bối cảnh NH nào cũng gặp khó khăn, việc tăng sức mạnh tài chính là tốt cho NH và cả hệ thống. “Nhìn trong ngắn hạn, mức chi cổ tức thấp sẽ thiệt thòi cho cổ đông vì thu nhập giảm nhưng về dài hạn, cổ tức chưa chia thì vẫn còn đó. Hơn nữa, tình hình tài chính của NH được củng cố, khả năng phát triển bền vững và lâu dài sẽ tốt hơn, tránh trường hợp NH Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng như vừa qua” – ông Tùng nói. 

Quản lý chặt việc chia cổ tức

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết năm nay NHNN quản lý rất chặt việc chia cổ tức. Theo đó,  từng NH phải trình kế hoạch chia cổ tức để NHNN duyệt. Chương trình ĐHCĐ của từng NH cũng phải thông qua NHNN.

Mục tiêu của việc kiểm soát này nhằm yêu cầu các NH phải nghiêm túc trong việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực tài chính.  

Ngoài ra, theo ông Minh, động thái này của NHNN cũng nhằm thực hiện mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ không còn NH yếu kém, và đến cuối tháng 9 nợ xấu toàn hệ thống phải về dưới 3%. 

ÁNH HỒNG