10/01/2025

Chưa quyết tiêu chí xét tuyển vào lớp 6

Chiều qua 21.4, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở GD-ĐT khẳng định một lần nữa toàn thành phố sẽ chỉ có một hình thức tuyển sinh vào lớp 6 là xét tuyển. Tuy nhiên, tiêu chí xét tuyển ra sao với các trường đặc thù vẫn chưa có câu trả lời.

 

Chưa quyết tiêu chí xét tuyển vào lớp 6

 

Chiều qua 21.4, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở GD-ĐT khẳng định một lần nữa toàn thành phố sẽ chỉ có một hình thức tuyển sinh vào lớp 6 là xét tuyển. Tuy nhiên, tiêu chí xét tuyển ra sao với các trường đặc thù vẫn chưa có câu trả lời.

 

 
 
 
Phụ huynh xem thông báo của Trường Marie Curie (Hà Nội). Đây là một trong 3 trường vào giờ cuối không được thông qua phương án xét tuyển bằng bài kiểm tra IQ, EQ - Ảnh: Ngọc ThắngPhụ huynh xem thông báo của Trường Marie Curie (Hà Nội). Đây là một trong 3 trường vào giờ cuối không được thông qua phương án xét tuyển bằng bài kiểm tra IQ, EQ – Ảnh: Ngọc Thắng
IQ, EQ – phương pháp còn quá mới
Phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi tại sao lại thay đổi đột ngột về tuyển sinh lớp 6 đối với 3 trường trước đó đã cho phép khảo sát và liệu sở có “mở” ra cho những trường ngoài công lập một phương hướng khác ngoài việc xét tuyển học bạ để giảm bớt khó khăn, lúng túng cho các trường này hay không? Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Trước hết phải khẳng định toàn thành phố có đủ trường công lập để đáp ứng 100% số học sinh thành phố hoàn thành chương trình tiểu học lên THCS bằng phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh”.
Ông Đại cho rằng sở đã nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh mà các trường đặc thù gửi lên. Có tham khảo ý kiến góp ý của chuyên gia giáo dục, khoa học; họp bàn trực tiếp với lãnh đạo các trường và nhận thấy phương thức tuyển sinh như vậy có thể thí điểm đột phá cho ngành, thay đổi cách đánh giá đơn môn sang đa môn.
Tuy nhiên, theo ông Đại, sau khi đồng ý về mặt chủ trương như vậy, sở lại nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, dư luận xã hội và phụ huynh cho rằng, muốn đánh giá được chỉ số IQ, EQ thì phải có hệ thống chuyên nghiệp để tiến hành nghiên cứu, đánh giá ngoài nhà trường thì mới đảm bảo độ chính xác. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia của ta còn thiếu, hơn nữa phương pháp này còn mới quá, chưa phổ biến trong dư luận, có thể tạo áp lực mới cho học sinh (HS) thay vì học các môn truyền thống lại phải đi học để làm sao làm được bài test IQ, EQ. “Vì vậy, chúng tôi quyết định năm nay chỉ thực hiện xét tuyển”, ông Đại kết luận.
Tuy nhiên, điều mà phóng viên quan tâm đề nghị nhiều lần trả lời câu hỏi về tiêu chí xét tuyển lớp 6 với những trường có số lượng dự tuyển quá đông so với chỉ tiêu tuyển sinh ra sao, đặc biệt là với Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (đơn vị mà sở trực tiếp quản lý, chỉ đạo), thì lại không nhận được câu trả lời rõ ràng, trực diện từ phía lãnh đạo sở. Ông Phạm Văn Đại chỉ nêu nguyên tắc chung: Theo phân cấp quản lý, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm xây dựng phương án tuyển sinh của trường mình sau đó báo cáo các cấp có thẩm quyền, sở để xem xét các phương án ấy có phù hợp với luật giáo dục, với khoa học giáo dục hay không. Ông Đại khẳng định: Các trường phải công khai “4 rõ” (thời gian, phương thức, tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh) như thế nào trước ngày 30.5.2015. Câu trả lời này khiến cho các phụ huynh đang hồi hộp chờ tiêu chí xét tuyển của các trường đặc thù tiếp tục phải… chờ đợi .
Trường Cầu Giấy chỉ xét tuyển trên địa bàn quận
Ngoài Trường Hà Nội – Amsterdam, Trường THCS Cầu Giấy cũng là một trường công lập nhận được sự quan tâm lớn nhất của phụ huynh về tuyển sinh vào lớp 6 mỗi năm học. Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường này, cho biết áp lực tuyển sinh vào trường các năm trước rất lớn. Ví dụ năm học 2014 – 2015 chỉ tuyển 240 chỉ tiêu nhưng số dự thi lên tới hơn 2.000. Năm nay, UBND Q.Cầu Giấy đã thống nhất chỉ đạo không thi, không khảo sát mà chỉ xét tuyển HS lớp 6.
“Chúng tôi dự kiến, việc xét tuyển sẽ dựa trên kết quả các kỳ thi dành cho HS tiểu học do ngành GD-ĐT tổ chức, kể cả cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao; kết quả trên học bạ… của HS. Tất cả những tiêu chí ấy sẽ tính theo phương thức tích điểm. Sau đó, ban tuyển sinh của trường sẽ lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Quy điểm như thế nào chúng tôi đang xây dựng và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai để người dân quan tâm được biết”.
Về địa bàn tuyển sinh của trường này, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định: “Do Trường THCS Cầu Giấy chịu sự quản lý của Phòng GD-ĐT, là trường công lập được xây dựng trên đất của quận nên trước hết sẽ phải ưu tiên xét tuyển con em trên địa bàn quận, còn thiếu chỉ tiêu mới có thể xem xét tuyển sang địa bàn quận khác. Không thể trường nào cũng tuyển sinh toàn thành phố được”.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, giải thích rõ hơn: Trường sẽ tuyển sinh theo tuyến, trước hết là trên địa bàn phường nơi trường đóng, sau đó mới đến các phường giáp ranh. Về lâu dài, để giảm tải áp lực tuyển sinh ở một số trường có tiếng, ngành GD-ĐT sẽ cố gắng làm thế nào để điều hòa được chất lượng giữa các nhà trường bằng cách điều động, luân chuyển giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất để HS được hưởng cùng một mặt bằng chất lượng giáo dục.
Hệ THCS trong trường chuyên không phải là… chuyên
Dù quy định đã xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc THCS nhưng Hà Nội vẫn cho phép tồn tại mô hình này trong Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Điều này khiến cho việc tuyển sinh của trường này hằng năm rất căng thẳng, gây áp lực cho HS và phụ huynh, gây nhiều băn khoăn cho việc tuyển sinh năm nay khi chỉ xét tuyển. Trước thực tế này, phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề với Sở GD-ĐT Hà Nội có tính đến phương án xóa bỏ hệ THCS trong Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam hay không? Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, phủ nhận đây là mô hình trường chuyên và cho rằng hệ THCS trong trường “Ams” được UBND thành phố chấp thuận cho phép tồn tại để thí điểm cho mô hình trường chất lượng cao.

Tuệ Nguyễn