10/01/2025

Chính trị ‘cha truyền con nối’

Sự thừa kế theo kiểu “cha truyền con nối” không còn chỗ trong các nền dân chủ hiện đại nhưng những danh gia vọng tộc về chính trị vẫn tiếp tục tồn tại.

 

Chính trị ‘cha truyền con nối’

 

 

Sự thừa kế theo kiểu “cha truyền con nối” không còn chỗ trong các nền dân chủ hiện đại nhưng những danh gia vọng tộc về chính trị vẫn tiếp tục tồn tại.


 

Nhà Clinton và nhà Bush nhiều khả năng sẽ tái đấu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 - Ảnh: Reuters

Nhà Clinton và nhà Bush nhiều khả năng sẽ tái đấu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016
– Ảnh: Reuters

Nhiều người Mỹ hiện không cảm thấy thoải mái với viễn cảnh cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là sự tái diễn của cuộc đối đầu giữa hai gia đình Bush và Clinton như năm 1992. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất, theo các nhà cái, là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, phu nhân của Tổng thống thứ 42 Bill Clinton sẽ đối mặt với Jeb Bush, con trai thứ của Tổng thống thứ 41 George H.W.Bush và là em trai của Tổng thống thứ 43 George W.Bush.

Tại 5 trong 7 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất luôn có sự xuất hiện của một trong hai cái tên Bush hoặc Clinton hoặc cả hai. Vì thế, cuộc đối đầu tiềm tàng giữa nhà Bush và Clinton được nhiều người xem như là sự chế giễu đối với nền dân chủ trọng dụng nhân tài ở một đất nước từng gây chiến để rũ bỏ quyền cai trị “cha truyền con nối” của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng nước Mỹ. Trên toàn thế giới, những gia tộc quyền thế vẫn tiếp tục tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hổ phụ sinh hổ tử
Bất luận là ở nền dân chủ danh nghĩa hay thực sự, trực tiếp hay đại diện, các chính khách “nhà nòi”, được hiểu là những nhân vật có người thân từng nắm giữ cùng vị trí trong quá khứ, hiện chiếm số lượng đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới. Tại châu Á, các lãnh đạo đương nhiệm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia và Bangladesh đều có quan hệ máu mủ với những lãnh đạo thời trước. Đó là chưa kể đến những trường hợp cá biệt như CHDCND Triều Tiên hoặc Syria. Gia tộc Gandhi vẫn là một thế lực ở Ấn Độ, cũng như nhà Bhutto ở Pakistan. Tại Trung Quốc, thế hệ con cháu của những nhà cách mạng kỳ cựu đang nắm giữ các vị trí hàng đầu, điển hình là Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở châu Mỹ, Keiko Fujimori, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori hiện dẫn đầu các cuộc thăm dò trước bầu cử tại Peru, tương tự nghị sĩ Justin Trudeau, con trai trưởng của cựu Thủ tướng Pierre Trudeau ở Canada.
Các gia tộc chính trị ở Nhật Bản có thể là đại diện tiêu biểu cho xu hướng này. Trong 2 thập niên qua, có 7/11 thủ tướng Nhật Bản là con “nhà nòi”. Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe là con trai của cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe, lãnh đạo chủ chốt của đảng Dân chủ tự do, và là cháu ngoại của Thủ tướng Nobusuke Kishi. Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi xuất thân từ một gia tộc 3 đời làm chính trị và con trai ông là Shinjiro đã tiếp bước cha mình vào nghị viện sau khi ông Junichiro về hưu năm 2008.
Theo thống kê từ nghiên cứu năm 2014 của nhóm tác giả do Giáo sư Yasushi Asako thuộc Đại học Waseda đứng đầu, 1/3 số nghị sĩ thuộc Hạ viện từ năm 1970 – 2000 có thân nhân từng là nghị sĩ. Con số này chưa thấm tháp vào đâu so với Philippines, quốc gia đưa việc loại bỏ các gia tộc chính trị vào hiến pháp. Không kể Tổng thống Benigno Aquino III là con trai của nữ Tổng thống Corazon Aquino, theo thống kê năm 2012 của nhà nghiên cứu Ronald Mendoza thuộc Viện Quản lý châu Á (Philippines), 70% thành viên quốc hội Philippines khóa 15 bầu ra năm 2010 thuộc diện “con ông cháu cha”.
Quyền lực đẻ ra quyền lực
Tầm ảnh hưởng các gia tộc chính trị trên thế giới hẳn sẽ làm ngạc nhiên những nhà khởi xướng lý thuyết về chính trị hiện đại. Bởi các triều đại chính trị được cho là sẽ dần biến mất khi những người dân bình thường có quyền bỏ phiếu. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra, một phần bởi các lợi thế về dòng tộc vẫn tồn tại một cách đáng ngạc nhiên, theo tờ The Economist.
Các danh gia vọng tộc sở hữu một công thức pha trộn đầy uy lực giữa tên tuổi đã thành thương hiệu và những mối quan hệ cá nhân quý giá, cả công khai lẫn bí mật trong guồng máy chính trị phức tạp ở nhiều nước. Nhóm thiểu số này áp đặt tầm ảnh hưởng bất cân xứng lên nền chính trị trong xã hội của họ. Nếu thành công, họ sẽ tạo hơn một nguyên thủ hoặc nhà lãnh đạo chính phủ. Còn không, họ chí ít cũng sản sinh ra hàng loạt chính khách chủ chốt ở mọi nhánh trong bộ máy nhà nước.
Sử dụng dữ liệu từ những gia tộc chính trị ở Mỹ, các nhà nghiên cứu Ernesto Dal Bo (Đại học California, Berkeley), Pedro Dal Bo (Đại học Drown) và Jason Snyder (Đại học California, Los Angeles) vào năm 2009 kết luận rằng các nhà lập pháp càng phục vụ qua nhiều nhiệm kỳ thì cơ hội để người thân của họ bước chân vào cùng vị trí trong tương lai càng cao.
Điều này một phần vì những vốn liếng chính trị, như thương hiệu và quan hệ, có thể được thừa kế trong gia đình. Theo tính toán của nhà nghiên cứu Brian Feinstein thuộc Đại học Harvard, các chính khách “nhà nòi” được hưởng thêm 4% khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nhờ vào thương hiệu gia đình.
Còn theo tờ The New York Times, nếu chỉ tính những người sinh ra từ sau Thế chiến 2, tỷ lệ con trai của một thống đốc ở Mỹ trở thành thống đốc cao hơn 6.000 lần so với người thường. Tỷ lệ này đối với vị trí thượng nghị sĩ là 8.500 lần. Từ đó, nhóm của Dal Bo kết luận rằng tiến trình dân chủ hiện hữu vẫn tạo điều kiện cho “sự thừa kế trên thực tế” quyền lực chính trị.
Lợi hay hại ?
Hiện tượng quyền lực tập trung vào một nhóm “tinh hoa” ở nhiều nước đặt ra câu hỏi về tính đại diện của những bộ máy dân cử và hậu quả chính trị của nó. Liệu các chính khách “nhà nòi” có hữu dụng hơn cho cử tri của họ hay không? Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Yasushi Asako thuộc Đại học Waseda thống kê dữ liệu về các hạ nghị sĩ Nhật Bản được bầu ra từ 1996 – 2005. Nhật Bản được xem là mô hình lý tưởng bởi sự phổ biến các gia tộc chính trị ở đây, đồng thời các dữ liệu về gốc gác gia đình, số liệu tài chính, kết quả bầu cử và tăng trưởng kinh tế cần có cho nghiên cứu đều có thể dễ dàng được tiếp cận.
Theo thống kê của các tác giả trong báo cáo mang tên Chính khách danh gia vọng tộc: Lý thuyết và bằng chứng từ Nhật Bản, những ứng cử viên “nhà nòi” có khả năng chiến thắng cao hơn 22% so với các ứng cử viên bình dân. Đồng thời, các khu vực mà họ đại diện được trung ương rót nguồn ngân sách dồi dào hơn 11,5% so với các khu vực khác. Điều này được xác định là nhờ năng lực mặc cả chính trị mà họ có được nhờ vào các lợi thế gia đình.
Thế nhưng, nguồn ngân sách này không được chuyển hoá thành tăng trưởng kinh tế cho khu vực đó, đặc biệt tại những nơi mà nghị sĩ “nhà nòi” có được lợi thế bầu cử đáng kể. Các khu vực được những nghị sĩ “con ông cháu cha” đại diện có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với nơi khác.
Nói cách khác, các chính khách này tỏ ra không hiệu quả về mặt xã hội vì họ có xu hướng phân phối lợi ích thiếu hiệu quả và điều đó gây hại cho tăng trưởng kinh tế ở địa phương bất chấp những nguồn lực mà họ mang về cho khu vực. Tóm lại, sự hiện diện của các chính khách “nhà nòi” hạn chế tính cạnh tranh trong bầu cử và có thể dẫn đến những chính sách kém cỏi.
Những lãnh đạo “nhà nòi” đương nhiệm
– Azerbaijan: Tổng thống Ilham Aliyev có cha là Tổng thống Heydar Aliyev (1993 – 2003).
– Bangladesh: Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed có cha là Sheikh Mujibur Rahman (1972 – 1975).
– CHDC Congo: Tổng thống Joseph Kabila có cha là Tổng thống Laurent Kabila (1997 – 2001).
– CHDCND Triều Tiên: Lãnh đạo Kim Jong-un có cha là lãnh đạo Kim Jong-il (1994 – 2001).
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là con trai cố lãnh đạo Kim Jong-il -  Ảnh: AFP

Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là con trai cố lãnh đạo Kim Jong-il -  Ảnh: AFP

– Gabon: Tổng thống Ali Bongo Ondimba có cha là Tổng thống Omar Bongo (1967 – 2009).
– Hàn Quốc: Tổng thống Park Geun-hye có cha là Tổng thống Park Chung-hee (1962 – 1979).
– Malaysia: Thủ tướng Najib Razak có cha là Thủ tướng Abdul Razak (1970 – 1976).
– Philippines: Tổng thống Benigno Aquino III có mẹ là Tổng thống Corazon Aquino (1986 – 1992).
– Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long có cha là Thủ tướng Lý Quang Diệu (1965 – 1990).
– Syria: Tổng thống Bashar al-Assad có cha là Tổng thống Hafez al-Assad (1971 – 2000).
– Togo: Tổng thống Faure Gnassingbe có cha là Tổng thống Gnassingbe Eyadema (1967 – 2005).

Sơn Duân