Ra nước ngoài làm ăn: khó đủ đường
Tháng 5-2014, Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) cấp giấy chứng nhận cho ông Phạm Hải Bằng (Đồng Tháp) được phép đầu tư ngành nghề phân phối và buôn bán hàng nông sản ra nước ngoài.
Ra nước ngoài làm ăn: khó đủ đường
Tháng 5-2014, Bộ Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) cấp giấy chứng nhận cho ông Phạm Hải Bằng (Đồng Tháp) được phép đầu tư ngành nghề phân phối và buôn bán hàng nông sản ra nước ngoài.
Gần một năm sau khi được cấp giấy phép và đã chuẩn bị thị trường, gạo thương hiệu Nosavina vẫn chưa thể xuất sang Singapore do vướng thủ tục – Ảnh: Vân Trường |
Thế nhưng suốt từ đó đến nay ông Bằng vẫn chưa xin được giấy phép chuyển tiền sang công ty tại Singapore để chi trả lương nhân viên và chưa thể nhập khẩu gạo từ VN sang để bán.
Ông Bằng cho biết ngay sau khi được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận, ngày 24-7-2014 Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA) cũng cấp phép cho Công ty Cỏ May Pte.Ltd của ông Bằng được hoạt động tại nước này, văn phòng đặt tại Heritage Place.
Theo ông Bằng, mục đích mở công ty tại Singapore là để bán gạo thương hiệu Nosavina cho thị trường nước này, thay cho hình thức xuất khẩu gạo truyền thống. Đây là loại gạo cao cấp do gia đình ông xây dựng thương hiệu và sản xuất, đóng gói tại tỉnh Đồng Tháp.
Có được giấy chứng nhận đầu tư của Bộ KH-ĐT và giấy phép do ACRA cấp, ông Bằng đem hồ sơ đến một ngân hàng lớn ở Đồng Tháp mở tài khoản và xin phép chuyển vốn đầu tư (vốn điều lệ đăng ký 700.000 USD) sang Công ty Cỏ May Pte.Ltd tại Singapore.
Tuy nhiên, ngân hàng này từ chối vì cá nhân không được chuyển tiền như vậy. Muốn chuyển tiền thì ông Bằng phải thành lập doanh nghiệp tại VN rồi mới được chuyển tiền qua công ty tại Singapore.
“Đây là quy định rất vô lý. Chính phủ Singapore cấp phép cho Công ty Cỏ May Pte.Ltd hoạt động và công nhận tôi là giám đốc. Bộ KH-ĐT cũng cấp giấy chứng nhận cho cá nhân tôi được đầu tư ra nước ngoài. Vì thế đương nhiên tôi được chuyển tiền qua công ty ở Singapore. Nếu không cho tôi chuyển tiền thì công ty ở Singapore lấy vốn ở đâu mà hoạt động”.
Sau một thời gian nhùng nhằng, ngân hàng đồng ý cho ông Bằng chuyển tiền nhưng lại yêu cầu nộp bản chính giấy phép của ACRA cấp cho Công ty Cỏ May Pte.Ltd, có đầy đủ chữ ký và con dấu.
Rắc rối lại phát sinh khi ACRA chỉ cấp phép qua mạng và giấy phép này không có con dấu. Ông Bằng yêu cầu giám đốc người Singapore đến ACRA xin giấy phép có đóng dấu.
Tuy nhiên, cơ quan này trả lời giấy phép đã cấp như vậy là hợp pháp. Nếu cần, ACRA sẽ in giấy phép để cấp lại nhưng cũng không có con dấu nào cả. Ông Bằng đến ngân hàng phản hồi ý kiến của ACRA nhưng cũng không được chấp nhận.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thạch – giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp – nói trước đây khi biết tin ông Bằng đầu tư ra nước ngoài để đưa gạo qua đó bán, ông đã chủ động đề nghị DNTN Cỏ May mang hồ sơ đến để ngân hàng hỗ trợ thủ tục chuyển tiền.
Thế nhưng, mấy tháng qua ông không thấy doanh nghiệp này liên hệ nên không biết gặp trở ngại như vậy. Ngay sau đó, ông Thạch đã liên hệ với ông Bằng và hai bên tiếp xúc trao đổi các vướng mắc đã nêu.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Công ty Cỏ May Pte.Ltd nộp bản dịch tiếng Việt giấy phép của ACRA có công chứng và hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Bằng, mỗi tháng công ty ông phải chi tiền lương nhân viên và thuê văn phòng tại Singapore khoảng 20.000 USD. Do chưa được phép chuyển tiền từ VN sang nên gần một năm nay ông phải mượn tiền của giám đốc người Singapore để chi trả.
Và cũng vì lý do này mà đến nay ông vẫn chưa thể nhập khẩu gạo từ nhà máy ở Đồng Tháp sang Singapore để bán, mặc dù mọi thủ tục và thị trường đều đã được chuẩn bị xong từ lâu.